Châu Á xoay xở trong bão giá

24/06/2022 - 06:35

PNO - Giá xăng dầu không có dấu hiệu giảm nhiệt, đi cùng với cuộc khủng hoảng do xung đột giữa Nga - Ukraine và lạm phát toàn cầu khiến giá cả thực phẩm châu Á tiếp tục gia tăng.

Căng thẳng từ xăng dầu đến thực phẩm 

Kể từ khi xung đột Nga -  Ukraine xảy ra, chi phí thực phẩm, dầu ăn và năng lượng trên toàn thế giới đã tăng vọt. Tại châu Á, Trung Quốc đang ngừng hoạt động khoảng một phần ba công suất chế biến nhiên liệu do các hạn chế nhằm ứng phó COVID-19. Tổ chức Lương thực của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra cảnh báo vào tháng Tư vừa qua rằng cuộc khủng hoảng nhiên liệu, thực phẩm “có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của các nước đang phát triển”. 

Tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao khiến đời sống của người dân châu Á gặp nhiều khó khăn (trong ảnh: Người dân bán cá ở chợ đường phố tại quận Tondo, thủ đô Manila, Philippines) - ẢNH: AFP
Tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao khiến đời sống của người dân châu Á gặp nhiều khó khăn (trong ảnh: Người dân bán cá ở chợ đường phố tại quận Tondo, thủ đô Manila, Philippines) - Ảnh: AFP

Theo báo cáo mới của Công ty Tài chính Nomura (Nhật Bản), giá thực phẩm tại châu Á có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trong đó, Singapore, Hàn Quốc và Philippines ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất. Vào tháng Năm vừa rồi, chi phí thực phẩm của các nền kinh tế châu Á ngoài Nhật Bản đã tăng đến 5,9%/năm, cao hơn gấp đôi so với mức 2,7% của tháng 12/2021.

Nomura lưu ý rằng có độ trễ khoảng sáu tháng giữa sự biến động về chi phí với giá cả tại châu Á. Khi mức tăng giá bắt kịp với tình hình kinh tế của khu vực, dữ liệu lạm phát chắc chắn sẽ trở nên xấu hơn, kéo theo thị trường chứng khoán ảm đạm. Các vấn đề như dịch COVID-19 ở Trung Quốc, dịch tả heo ở Thái Lan và đợt nắng nóng ở Ấn Độ càng làm gia tăng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa. 

Tình trạng tăng giá đã lan rộng từ ngũ cốc, dầu ăn sang thịt, thực phẩm chế biến và cả dịch vụ ăn uống. Gạo - cho đến nay được giữ giá ổn định nhờ lượng dự trữ dồi dào - có thể là mặt hàng “sốt” giá tiếp theo do nhu cầu sử dụng gạo thay thế cho lúa mì đắt tiền tăng cao. Những dấu hiệu cảnh báo trên rất quan trọng đối với các quốc gia nhập khẩu thực phẩm lớn như Singapore, nơi dự kiến tỷ lệ tăng giá thực phẩm sẽ tăng gấp đôi trong nửa cuối năm nay, từ 4,1% hiện nay lên 8,2%. Ấn Độ có thể sẽ đạt mức tăng giá cao nhất là 9,1% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Ở Philippines, tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đắc cử một phần nhờ đã đưa ra cam kết sẽ có biện pháp để giảm hơn một nửa giá gạo. 

Bài toán khó 

Nomura cũng lưu ý, các quốc gia đang phát triển tại châu Á đang chịu áp lực về việc bảo vệ người dân khỏi sự gia tăng giá cả. Cho đến nay, các cơ quan quản lý tiền tệ đã lên kế hoạch ứng phó với tình trạng chi phí của nền kinh tế gia tăng. 

 Mọi thứ có xu hướng trở nên càng tồi tệ hơn khi Indonesia, Ấn Độ… hạn chế xuất khẩu lương thực. Nhà kinh tế Stefan Angrick - công ty phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) - nhận định: “Một số quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra các chính sách bảo hộ lương thực nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và hạn chế lạm phát thực phẩm. Nhưng chiến sự ở Ukraine càng kéo dài thì giá lương thực càng cao và nguy cơ thiếu lương thực càng lớn”. 

Ấn Độ có nguy cơ chịu nhiều tổn thất lớn về sản xuất lương thực khi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến nông nghiệp. Các mối đe dọa đối với Trung Quốc cũng không nhỏ. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và đảm bảo khả năng tự cung cấp lương thực, cho thấy tầm quan trọng của an ninh lương thực.

Trong khi đó, Jakarta và Manila đã phải tăng mức lương tối thiểu để giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao hơn. Malaysia cũng công bố kế hoạch cung cấp viện trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, tương tự các bước đi của nước láng giềng Singapore, nhằm giảm tác động của lạm phát gia tăng đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. 

Tấn Vĩ  (theo Yahoo, Bloomberg, Asia Times, NY Times)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI