Chạm tới còn đau

28/09/2017 - 06:00

PNO - Tôi là kẻ thô lỗ xông vào phần đời mà mẹ khóa kín. Phần đời đằng đẵng đã 30 năm, chứa đựng nỗi đau và niềm cô đơn chưa từng nguôi ngoai...

Tôi lấy chồng mười năm thì cha chồng xuất hiện, đáng gọi là một cơn chấn động.

Từ khi yêu cho tới cưới, tôi chưa một lần nghe chồng và mẹ chồng nhắc tới người đàn ông của gia đình. Trừ một lần không thể không nói đến là lúc bàn chuyện cưới hỏi, cha mẹ tôi cần biết thân thế sui gia.

Cham toi con dau
 

“Bỏ đi từ khi hai anh em còn nhỏ, bây giờ không biết ở đâu để mời dự cưới”, chồng tôi nói ngắn gọn, cứ như đó chỉ là một thực khách, nếu được mời. Và rõ ràng thông báo luôn là đám cưới sẽ không có mặt người mà anh phải gọi bằng cha. 

***

Tôi làm dâu ba năm trước khi ra riêng. Những ngập ngừng lo lắng của một nàng dâu mới tan biến rất nhanh vì mẹ chồng thương tôi lắm, thậm chí những bữa cơm chiều mà chồng tôi về trễ, chính bà điện thoại la mắng con trai sao để vợ phải đợi. Tôi chỉ định làm dâu vài tháng cho phải phép rồi tìm cách ra riêng, nhưng cuộc sống chung với mẹ chồng êm đềm đến nỗi ba năm trôi vèo qua. Cho tới khi chú út lấy vợ tôi mới phải tính chuyện ra riêng để nhường phòng đón nàng dâu mới. Căn hộ chung cư chỉ có hai phòng cho mẹ và vợ chồng tôi, bấy lâu nay chú út ngủ ở phòng khách. 

Dâu út thì thào hỏi tôi: “Hồi chị mới về làm dâu thì sao?”. Đừng lo, mẹ hiền lắm, thương dâu con lắm. “Khi mẹ giận thì chị làm sao?”, cô ấy hỏi tiếp. Tôi cố nhớ lại khi mẹ chồng giận, lâu lắm rồi, từ khi tôi mới về như dâu út bây giờ, nhiều lo lắng và cũng nhiều tò mò thắc mắc. Tôi tự trả lời thắc mắc tò mò của mình bằng cách lục tìm rồi lật đi lật lại cuốn album gia đình, có những tấm bị cắt đi một góc, tôi đoán đó là nơi từng hiện diện khuôn mặt người đàn ông của gia đình. Có một tấm hình chỉ còn lại một nửa khuôn mặt mẹ thời còn trẻ rất dễ thương và nghiêng vai rất điệu, bờ vai bên cạnh chỉ còn là một vết cắt lạnh lùng.

Cham toi con dau
Mẹ đã âm thầm nuôi giữ nỗi đau 30 năm qua. Ảnh minh họa

Hồi đó tôi còn quá trẻ, chưa hiểu được đó là vết thương chạm tới vẫn còn đau. Tôi khen: “Hồi trẻ mẹ đẹp ghê.” “Sao con biết?”, mẹ ngạc nhiên và mẹ hiểu ra. Tôi nhớ mãi khuôn mặt mẹ khi đó, đỏ bừng và tái nhợt. Tôi là kẻ thô lỗ xông vào phần đời mà mẹ khóa kín. Suốt một tuần mẹ không nói năng gì, cuốn album biến mất, thay vào đó là cuốn album ảnh cưới của vợ chồng tôi, những tấm ảnh nguyên vẹn đẹp đẽ lung linh.

***

Cú điện thoại dâu út gọi như một cơn lốc xoáy: “Chị ơi... cha về. Em phải làm sao đây? Mẹ nín lặng không nói gì hết”.

Tôi cũng không biết phải làm sao. Quá bất ngờ. Tôi từng tò mò về ông cho tới khi cu Tý và bé Bi ra đời cuốn tôi vào bận bịu tít mù. 

“Em không phải làm gì hết”, chồng tôi nói bằng giọng dửng dưng. Tôi nổi cáu, đàn ông dửng dưng thì dễ thôi.  

Tôi đã là mẹ. Tôi hiểu chăm sóc con cái vất vả như thế nào, mà bên cạnh tôi còn có chồng chu đáo tận tình, có mẹ chồng quan tâm thương yêu. Vậy thì một bà mẹ trẻ không có ai bên cạnh, hai đứa con nheo nhóc và nỗi tủi nhục?

Tôi những muốn ôm chặt mẹ chồng và nói tôi đứng về phe của bà, giận dữ lên án và mãn nguyện vì đúng như đời nói, đàn ông đi xa cách mấy rồi cũng quay về. Suốt bao năm dài mẹ đợi ngày này, có phải? 

Và cũng chừng ấy năm dài mẹ để mình phải cô đơn. Mẹ ơi, có nên trao cả đời mình cho tủi hờn và oán hận? Ba mươi năm ôm ấp nuôi giữ nỗi đau là quá lắm rồi. Hãy coi việc cha trở về là một cơ hội để rạch ròi. Không thể tha thứ thì mẹ hãy bước qua và mở ra một cánh cửa khác cho mình. Thay vì giấu biệt cuốn album đầy vết cắt kia như ôm giấu nỗi đau thì hãy để nó thật sự là quá khứ.

“Em không phải làm gì hết”, chồng tôi lặp lại, gay gắt.

Cham toi con dau
“Nói với mẹ là hãy tìm một người tốt hơn cha”. Ảnh minh họa

Mặc kệ, tôi mời ông tới nhà ăn cơm. Dù gì đi nữa, người đàn ông này là ông nội của con tôi và tôi sẽ coi đây là cơ hội giới thiệu hai đứa con kháu khỉnh của mình với ông cũng như cơ hội cho tôi biết mình có thể làm gì được, cho tất cả.

Nhưng tôi chẳng thể làm gì được. Nhìn cách ông ôm cháu, tôi nhói lòng nhận ra có những ân hận quá muộn màng. Nhìn cách ông xúc động khi được tôi gắp thức ăn, tôi đoán có lẽ từ lâu rồi ông không có được bữa cơm gia đình thân thiết.

Ở tuổi ông bây giờ lẽ ra là đầm ấm quây quần.

***

Sau một tuần, ông ra đi. Tôi đưa ông lên bến xe. Gió thổi những cọng tóc bạc trên đầu ông dựng đứng. Chẳng biết nói gì, tôi và ông đứng bên nhau cho tới lúc tài xế thúc hối lên xe. “Cảm ơn con”, ông nói. “Cha giữ gìn sức khỏe”, tôi nói.

Ông lên xe. Chiếc xe rùng rùng chuyển bánh. Khuôn mặt ông bỗng nhô lên sau khung cửa kính. Ông nói gì đó tôi không nghe được. Nhưng rõ ràng ông muốn tôi nghe rõ vì ông nhoài người cố lặp lại, hai bàn tay ông chụm lại làm cái loa cứ như là động tác đó chắc chắn giúp cho âm thanh tới tai tôi vậy. 

“Nói với mẹ là hãy tìm một người tốt hơn cha”, có phải ông nói vậy không? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI