Cha mẹ đừng lôi trẻ vào cuộc cãi nhau

08/05/2019 - 17:16

PNO - Trong khi trẻ còn đang ngơ ngác giữa mâu thuẫn bùng phát của ba má thì lại khổ sở thêm vì một trong hai người thi nhau lôi kéo con làm đồng minh.

Tôi đến nhà bạn chơi khi vợ chồng bạn vừa hạ màn một cuộc cãi vã. Những xích mích vợ chồng đến vào lúc người trong cuộc khó kiểm soát nhất. Nhìn gương mặt còn nặng nề của hai người và đặc biệt tâm trạng u buồn của con gái họ, tôi hiểu người trong cuộc đã gắng gượng thế nào để dập tắt mọi mâu thuẫn. Gia đình họ muốn đón bạn đến chơi trong tình trạng tốt nhất có thể.

Cha me dung loi tre vao cuoc cai nhau
Ảnh minh họa

Tôi cố vờ như không biết chuyện gì vừa xảy ra, nhưng mọi gắng gượng của cả khách lẫn chủ chỉ khiến mọi người đối xử với nhau khách sáo hơn mà thôi. Có cái gì như khiên cưỡng trong bầu không khí gia đình, trong cách hai bạn hỏi đáp với nhau và với khách. Chồng bạn dường như muốn thoát khỏi bầu không khí u ám nên nói đi ra ngoài mua bao thuốc. 

Còn lại ba người phụ nữ, mọi thứ cởi mở hơn. Chưa đợi tôi hỏi cớ sự, bao nhiêu uẩn ức được cô bạn thân bấy lâu dồn nén giờ như được dịp bung ra. Bạn nức nở qua từng câu kể lể, rằng chồng là người vô tâm. Ba vợ vừa phát hiện ung thư, cần rất nhiều chi phí chữa trị, anh là phận con rể, không những không chung tay gánh vác, còn lờ đi coi như đó không phải việc nhà mình. Bằng chứng là anh vừa tự quyết mua trả góp chiếc ô tô mà không thông qua ý kiến vợ. Bạn cằn nhằn, nói kinh tế đang trong tình trạng căng thẳng, tiền nong để dồn vào chi phí chữa bệnh cho ba trước, khi ông tai qua nạn khỏi rồi muốn làm gì thì làm. Nhưng chồng cự cãi, nói mua xe là để làm ăn. Nếu không có chiếc xe để phô trương thanh thế, bạn hàng khó đặt niềm tin để ký hợp đồng. Còn chuyện bệnh tật của ba vợ là cuộc chiến lâu dài. Anh không thể đợi đến khi ba khỏi hẳn mới tính việc lớn, cơ hội làm ăn chỉ đến một, hai lần trong đời.

Trong câu chuyện bạn kể, nhằm lôi kéo thêm đồng minh, mỗi câu nói bạn đều hướng về đứa con gái tám tuổi đang ngồi buồn rầu trên ghế: “Má nói vậy đúng không con?”. Hay thi thoảng, bạn hướng mắt về phía con gái: “Không tin mày hỏi cái Nhím xem. Có nó chứng kiến má nó vất vả vừa lo đi làm, vừa cơm nước, nhà cửa và chăm ông ở bệnh viện, có thấy ba nó giúp sức gì không? Toàn thấy ổng mải quảng giao khách khứa ở đâu đâu”.

Đứa con gái khổ sở trên ghế, lên tiếng bênh vực má không được mà nói đỡ cho ba cũng chẳng xong. Thấy khó cho con trẻ, tôi nháy bạn vào phòng riêng trò chuyện. Việc cãi nhau chuyện tiền bạc giữa hai người khi có mặt con cái đã là thiếu sót. Vì chúng chẳng giúp được gì trong câu chuyện, ngược lại còn tiêm nhiễm vào đầu chúng mặt trái của đồng tiền. Và cách ba má không quản lý được cảm xúc chỉ vì không nhất quán trong việc sử dụng đồng tiền ấy chỉ khiến con trẻ thêm bấn loạn.

Trong khi trẻ còn đang ngơ ngác giữa mâu thuẫn bùng phát của ba má thì lại khổ sở thêm vì một trong hai người thi nhau lôi kéo con làm đồng minh. Mặt trái của cuộc sống, muốn hay không trẻ cũng sẽ từ từ đón nhận nhưng trong tâm thế chủ động và đúng với lứa tuổi.

Nguôi cơn giận, bạn nhận ra mình cư xử quá nóng vội và thiếu tế nhị với con. Bạn ra phòng khách, dịu dàng cúi xuống nói nhỏ với con: “Nhím gọi điện cho ba về nhé. Má cùng cô Nhung trổ tài nấu bún bò Huế, món hai ba con yêu thích nhất, chịu không con?”. Con bé mặt sáng lên, mừng rỡ đón chiếc điện thoại từ tay má nó. 

Ngọc Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI