Cần sa xâm nhập ngành du lịch Thái Lan, du khách cần cẩn thận tránh xa

12/08/2022 - 19:00

PNO - Từ khi chính phủ Thái Lan loại bỏ cây cần sa và cây gai dầu khỏi danh sách chất ma túy bị cấm vào ngày 9/6, những sản phẩm từ loại thực vật gây nghiện này ngày càng xuất hiện nhiều tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước.

 

Các sản phẩm cần sa bán tại một điểm du lịch ở Thái Lan - quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa loại cây gây nghiện này.
Các sản phẩm cần sa bán tại một điểm du lịch ở Thái Lan - quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa loại cây gây nghiện này.

Thúc đẩy du lịch nhờ cần sa

Một mùi ngọt ngào đặc trưng thoảng qua chợ đêm Làng chài trên hòn đảo du lịch Koh Samui của Thái Lan, bay lên giữa các quầy bán xôi xoài và xe thùng cocktail.

Quầy bán cần sa Samui Grower chính là nơi tạo ra mùi hương đó. Một chiếc bàn được đặt với các lọ thủy tinh, mỗi lọ trưng bày một chồi xanh khác nhau, với nhãn ghi những thứ khó hiểu như ‘‘Road Dawg hybrid THC25% 850TBH/gram”.

Ở một nơi khác trên đảo, tại câu lạc bộ bãi biển Chi, khách du lịch nằm trên những chiếc ghế dài, cạnh họ là những điếu cần sa vấn sẵn và những chiếc pizza phủ đầy lá cần sa xanh. Trên Instagram, Green Shop Samui cung cấp một thực đơn cần sa gồm các món được đặt tên đầy quyến rũ như Truffle Cream, Banana Kush và Sour Diesel, cùng với bánh quy gai dầu và xà phòng thảo dược cần sa.

Bất kỳ ai từng biết đến Thái Lan, nơi có quan điểm cứng rắn về sử dụng ma túy, đều sẽ ngạc nhiên trước khung cảnh hiện tại ở Koh Samui và tự hỏi liệu họ có hút thuốc quá liều hay không.

Món bánh pizza phủ lá cần sa tại một bãi biển ở Thái Lan
Món bánh pizza phủ lá cần sa tại một bãi biển ở Thái Lan

Trong một nỗ lực rõ ràng để thu hút khách du lịch trong thời kỳ suy thoái hậu COVID-19, chính phủ Thái Lan đã loại bỏ lệnh cấm cần sa và cây gai dầu. Từ đó, các đường phố của Koh Samui bắt đầu xuất hiện những quầy bán cần sa với tên gọi công khai như Mr Cannabis (Quý ông cần sa).

Khách du lịch cũng kể về việc được cung cấp cần sa một cách dễ dàng tại quầy lễ tân của khách sạn. Dường như, các luật về cần sa đang được che phủ bởi một màn sương, mờ ảo hơn nhiều so với làn khói phê pha từ loài cây này.

Vào ngày 9/6, chính phủ Thái Lan đã loại bỏ cây cần sa và cây gai dầu khỏi danh sách chất ma túy bị cấm, để người dân Thái Lan tự do trồng và bán chúng. Tuy nhiên, đường lối của chính phủ quy định cần sa chỉ được phép sản xuất và tiêu thụ vì mục đích y tế, không sử dụng cho mục đích giải trí, và loại cần sa này phải có hàm lượng chất gây nghiện thấp, chứa ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (THC, hợp chất gây ảo giác chính).

Luật không khuyến khích sử dụng cần sa để giải trí. Các quan chức cảnh báo bất kỳ ai bị bắt gặp hút cần sa ở nơi công cộng có thể bị buộc tội tạo ra "mùi khó chịu" nơi công cộng theo Đạo luật Y tế Công cộng và phải đối mặt với khoản tiền phạt 25.000 baht (580 bảng Anh) cùng ba tháng tù.

Nhưng trên các bãi biển của Koh Samui, quy định luật pháp có vẻ không khiến nhiều người bận tâm.

Thực đơn các món cần sa có ghi rõ tác dụng và liều lượng chất gây nghiện bên trong
Thực đơn các món cần sa có ghi rõ tác dụng và liều lượng chất gây nghiện bên trong

Lamb - người ban đầu đã thử dùng cần sa để chữa bệnh cho các vấn đề tiêu hóa của chính mình - đã làm việc với một trường đại học ở Chiang Mai để trồng cần sa dược liệu cho thực đơn mà quán Chi phục vụ.

Lamb cười, nói: “Lúc đầu, tôi chỉ thêm cần sa vào món ăn như một nét phá cách, khoảng vài gram mỗi ngày. Bây giờ mỗi ngày Chi bán được 100g cần sa. Chúng tôi kín khách từ 10 giờ sáng cho đến khi đóng cửa. Các món ăn đã thực sự mở rộng tầm mắt của những người muốn thử tìm cảm giác lạ".

Như Lamb hiểu, luật pháp chỉ cấm anh ta bán hàng cho người dưới 25 tuổi hoặc phụ nữ có thai và nếu ai phàn nàn về mùi, anh phải tạm đóng cửa.

Lamb giải thích thêm: “Tác động của COVID-19 khiến hòn đảo kiệt quệ. Không nghi ngờ gì nữa, việc loại cần sa khỏi danh sách cấm có một tác động tích cực rất lớn. Thử nghĩ xem, nếu có thể nằm trên một bãi biển ở châu Á vào lễ Giáng sinh và phê pha cần sa thì ai sẽ từ chối chứ?".

Du khách cần cẩn thận

Trong một chiến dịch chống ma túy được phát động vào ngày 11/8, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) cho biết, những người đi du lịch dịp hè đang ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với cần sa và các loại ma túy khác ở nước ngoài sau khi các hạn chế đi lại thời COVID-19 được nới lỏng.

Những địa điểm này bao gồm Thái Lan, nơi ghi nhận báo cáo về các trường hợp cần sa được dùng cùng món "samgyeopsal" - thịt heo nướng, rượu soju và bánh quy.

Khách hàng đầu tiên trong ngày, Rittipomng Bachkul, ăn mừng sau khi mua cần sa hợp pháp tại quán cà phê Highland ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 9/6
Khách hàng đầu tiên trong ngày, Rittipomng Bachkul, ăn mừng sau khi mua cần sa hợp pháp tại quán cà phê Highland ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 9/6

"Đi du lịch đến các quốc gia sử dụng cần sa là hợp pháp chắc chắn làm tăng nguy cơ công dân Hàn Quốc trải nghiệm sản phẩm gây nghiện này", Ủy viên KCS Yoon Tae-sik nói.

Ông Yoon bày tỏ hy vọng chiến dịch "có thể nâng cao nhận thức về tất cả các loại ma túy mà khách du lịch có thể tiếp xúc trong kỳ nghỉ lễ".

Chiến dịch nêu ra các trường hợp phổ biến khiến công dân Hàn Quốc tham gia tội phạm ma túy một cách cố ý hoặc vô ý.

Chúng bao gồm việc khách du lịch mua và cố gắng mang theo hàng hóa có chứa cần sa; chấp nhận lời đề nghị từ người lạ về các chuyến du lịch được tài trợ để đổi lại bằng việc họ sẽ mang theo các gói hàng chứa cần sa khi trở về.

Các trung tâm mua sắm ở nước ngoài cũng như Telegram và các ứng dụng nhắn tin mã hóa khác cũng được báo cáo là những kênh tiềm năng cho tội phạm liên quan đến ma túy mà khách du lịch dễ bị lôi vào.

Linh La (theo Guardian, Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI