Cán mốc trăm tuổi nhờ trung thành với… “cơm vợ nấu”

06/04/2022 - 05:20

PNO - Suốt cuộc đời dài hơn thế kỷ, ông ăn uống giản dị, lấy cơm “làm chuẩn”, tích cực áp dụng “bí kíp”: ăn cơm vợ nấu.

Đợt dịch bệnh năm 2021, cụ ông tuổi ngoài trăm “ém quân” rất kỹ. Là người liên tục cập nhật tin tức thời sự qua ti vi, cụ còn thông tin lại cho con cháu rằng nguyên thủ nước nào bị dính COVID-19, vắc-xin nước nào có tỷ lệ bảo vệ cao, nơi nào ở TP.HCM vừa bị phong tỏa… 

Canh me thấy cụ bà mon men ra cửa, mở cửa là cụ ông đi theo để kéo lại: “Bà ra cửa chi vậy? Lỡ có con vi-rút nào bay trong luồng gió thì sao? Bà vào nhà với tui ngay đi! Bà có bề gì thì tui ở với ai?”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Vậy mà một ngày không đẹp trời, ông bất ngờ bị dương tính với vi-rút. Cả nhà ban đầu lo lắng vì tuổi ông quá cao nhưng dần được trấn an vì bệnh nhân vẫn không có nhiều triệu chứng và đã được tiêm ngừa. Bà tuổi cao sức yếu không thể theo ông vào khu cách ly nên cử con gái đi cùng để săn sóc ông. Vì lạ chỗ, ông cứ đi tới lui suốt, ngày cũng như đêm. Con gái phải thức để theo sát bước chân ông. Khẩu vị món ăn khác lạ với cơm vợ nấu cứ làm ông nôn nao ngày về.

Mới xa nhà vài ngày, ông đã khẩn khoản xin bác sĩ: “Bác sĩ cho tôi về nhà đi! Nhà tôi không có ai trông, sợ trộm ăn cắp mất xe của con cháu tôi. Giường tôi gần cửa, tôi nằm trông cửa suốt nên bọn trộm không làm gì được khi có tôi. Với lại tôi cũng trông chừng các con cháu buổi tối đã về đủ hết chưa”. 

Bác sĩ bật cười và lựa lời hoãn binh để “người quan trọng nhất nhà” an tâm nán lại khu cách ly vài ngày nữa. Cụ ông bảo về để giữ nhà chứ người con hiểu thật ra là ông nhớ “nửa kia” đang chờ trông.

Sau khi bệnh, chân ông có yếu hơn, dễ té hơn nên bà cứ ngồi tại giường cho ông có bạn. Bà nói: “Ông có muốn đi vệ sinh thì cứ vệ sinh tại giường rồi tui dọn cho, có gì đâu mắc cỡ”. Sức khỏe ông khá hơn, bà nhờ con mua gậy chống bốn chân cho ông tự di chuyển an toàn. Dần dần ông phục hồi, cứng cáp, lấy lại phần nào phong độ nhờ tích cực áp dụng “bí kíp” xuyên thế kỷ - ăn cơm vợ nấu. 

“Thuốc lá không hút, rượu không uống, lâu lâu đám tiệc chỉ uống một chút, ông nhà tôi là vậy đó. Nhờ vậy mà trăm tuổi vẫn sống tốt, đánh bay COVID-19. Vợ lo lặn lội buôn bán kiếm tiền. Chồng cũng lo lặn lội chạy xe lam kiếm tiền. Cả đời tích cóp không ăn chơi nên về già vợ chồng an nhàn, được con cháu yêu thương, chăm sóc chu đáo”, cụ bà chia sẻ. 

Suốt cuộc đời dài hơn thế kỷ, ông ăn uống giản dị, lấy cơm “làm chuẩn”, không cao lương mỹ vị, không dùng thức ăn công nghiệp hay thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất, không chơi bời tiệc tùng. Ông dễ tính, dễ chịu, con cháu cho gì mặc đó, dù có khi đó là bộ đồ quá sặc sỡ, hoa lá hẹ, ông cũng… mặc tuốt, không chê. Nhờ vậy mà có khi ông… nổi nhất nhà.

“Điều đặc biệt là ba giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng ức chế như những ông chộn rộn với vợ lớn - vợ bé, rồi ăn thua đỏ đen, đổ nợ nần, rồi vợ chồng cãi cọ, lục đục. Ba sống mực thước, trong sáng, lành mạnh và mỗi ngày sống là một ngày vui vẻ, thanh thản, hạnh phúc” - người con gái vừa nói vừa trìu mến xoa vai “cục cưng” trăm tuổi. 

Đến đoạn thay đồ đẹp cho bố, hai mẹ con vừa chọn đồ vừa “quát” bố để cùng tìm bộ phù hợp nhất. Cụ ông bị/được “quát” như thế khoảng hai năm nay từ khi đôi tai bắt đầu xuống cấp, cứ rè rè ù ù.

Biết đang nói về tai mình, cụ ông thanh minh: “Tôi già nên nghe kém, nói cũng dở, tiếng nói cứ ngọng đi, tai thì điếc đặc, may ra mới nghe được vài tiếng”. Vậy mà khi bà hạ giọng kể chuyện hồi xưa trước khi bố mẹ bắt gả cho ông, bà có nhiều người ngấp nghé, có anh là giáo sư đi xe hơi, có anh cùng quê… thì ông bất ngờ chêm vào “cùng quê ngoài Bắc ấy” khiến cả khách cả người nhà đều ngạc nhiên. 

Đến ngày cưới, bà mới biết mặt ông, thậm chí trước đó bà phản đối cuộc hôn nhân vì chưa hiểu gì về nhau và chênh lệch đến mười tuổi. Tất cả là do bố mẹ bà thấy ông tuy mồ côi nhưng chịu khó làm ăn, tính hiền, đàng hoàng, không rượu chè bê tha, có thể là nơi cho con gái mình nương tựa suốt đời nên quyết tâm kén rể.

Không kể hết kỷ niệm gần 70 năm chung sống, đọng lại sâu sắc nhất nơi ông bà là lần căn nhà cho thuê và cái máy cày bị cháy, mỗi khi đến nhìn cảnh hoang tàn, bà lại buồn, sốc và xỉu nên ông không dám chở tới nữa. Ông nói: “Còn người là còn của, chứ bà mà có bề gì, tui biết sống với ai?”. 

Từ nhỏ sống trong mái ấm của trẻ mồ côi nên ông khá vụng về trong việc chăm sóc gia đình, nhất là chăm vợ sau sinh con, còn non ngày tháng. Nghe lời ai đó dặn sau sinh phải ăn uống khô khan cho bụng mau thon gọn lại, ông cứ món thịt kho mà phang tới. Hàng xóm lại khuyên ông nên cho bà ăn rau cải, ông cũng vẫn giữ nguyên tắc “bà đẻ phải ăn đồ khô”.

Một tháng trôi qua, bà nuốt không nổi, lại thấy ông ăn canh rau, thèm quá nên xin nhưng ông không cho, bà bất ngờ xỉu tại chỗ. Hàng xóm lại giục ông cho bà ăn canh rau, ông mới lật đật đi mua hành luộc cho bà ăn. Nhớ chuyện mình, khi ông vào tuổi xế chiều, cứ thèm ăn gì là bà đi chợ mua về nấu, không kiêng cữ nhiều, đầy đủ chất là tốt, là khỏe. 

Mùa xuân năm nay, đại gia đình có tin vui vì có thêm đứa cháu vừa tốt nghiệp đại học, đã có chỗ làm tốt. Ông vài lời, bà vài lời góp lại thành câu chuyện tròn trịa, đáng tự hào về cháu. “Để tôi bật đèn sáng lên cho cô nhìn rõ hình của cháu đang nhận bằng. Tui với ổng mừng hết sức! Giờ già thì niềm vui là con cháu được mạnh khỏe và có công ăn chuyện làm ổn định”, đôi mắt bà ánh lên theo lời kể. Ông không nghe rõ, cũng cười phụ họa.

Cụ ông ngoài trăm tuổi vẫn nhớ tên các cháu, thấy cháu nào về thăm, cụ cũng vui mừng, hỏi han đủ thứ và gật gù khi con cháu đáp lại bằng “tiếng quát”. Đoạn cuối cuộc trò chuyện, đến lúc người viết bài xin chụp hình lưu niệm, cụ ông tinh nghịch choàng tay qua vai cụ bà, vội hỏi “bà có còn thương tôi không bà?” rồi chưa đợi phu nhân đáp lời, ông đã rụt tay lại, cười giòn… 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI