California cấm sử dụng “hóa chất vĩnh cửu” trong các sản phẩm cho trẻ em

08/10/2021 - 21:33

PNO - Thống đốc California Gavin Newsom đã ký ban hành hai dự luật cấm sử dụng “hóa chất vĩnh cửu” độc hại - hóa chất không phân hủy - trong các sản phẩm dành cho trẻ em và bao bì thực phẩm dùng một lần.

 

Thống đốc Newsom đã ký hai dự luật để cấm sử dụng cái gọi là “hóa chất vĩnh cửu” trong bao bì thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em - Ảnh: UPI
Thống đốc Newsom đã ký hai dự luật để cấm sử dụng “hóa chất vĩnh cửu” trong bao bì thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em - Ảnh: UPI

Hôm 5/10, Thống đốc California Gavin Newsom đã ký ban hành luật các dự luật cấm sử dụng các chất Perfluoroalkyl và Polyfluoroalkyl (có tên gọi chung là PFAS - còn gọi là “hóa chất vĩnh cửu”) vì chúng không phân hủy trong môi trường - gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như ung thư, các vấn đề phát triển của thai nhi và giảm hiệu quả của vắc xin.

Nhóm hóa chất tổng hợp này được sử dụng trong công nghiệp để chống ăn mòn, giảm ma sát, làm cho sản phẩm không thấm nước và chống bị vết ố.

Dự luật Hội đồng số 652, một trong những luật Thống đốc Newsom mới ký, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 - cấm sử dụng các hóa chất nhóm PFAS trong các sản phẩm dành cho trẻ em bao gồm gối, miếng lót thay tã, ghế ô tô và nệm cũi, cùng một loạt các sản phẩm khác.

Theo Nhóm công tác môi trường (EWG), lớp phủ PFAS trên các sản phẩm dành cho trẻ em bong ra do mòn và trẻ em có thể hít phải (như các hạt bụi) hoặc ăn trực tiếp.

David Andrews, chuyên gia khoa học cấp cao của EWG, cho biết: “Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn hại do tiếp xúc với PFAS, nhiều hóa chất PFAS tích tụ sinh học và được tìm thấy trong máu của hầu hết người Mỹ, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

Ông Bill Allayaud, giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến chính quyền California của EWG, cho biết luật mới đặt California lên hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em. Ông nói: “Chúng tôi hoan nghênh Thống đốc Newsom, dự luật này giúp các bậc cha mẹ tin tưởng rằng các sản phẩm họ mua cho con cái mình không chứa PFAS độc hại”.

Dự luật thứ hai mới được ông Gavin ký ban hành luật - Dự luật Hội đồng số 1200 - cấm các “hóa chất vĩnh cửu” được bổ sung vào bao bì thực phẩm dùng một lần, đồ dùng nhà bếp và ống hút bằng giấy - kể từ ngày 1/1/2023. Đồng thời, từ tháng 1/2024, yêu cầu các nhà sản xuất dụng cụ nấu ăn tiết lộ sự hiện diện của tất cả các hóa chất nguy hiểm, bao gồm PFAS, trên các thương hiệu hàng hóa của họ.

"Lần đầu tiên các nhà sản xuất dụng cụ nấu ăn phải tiết lộ các hóa chất có trong lớp phủ bề mặt sản phẩm của họ", Susan Little, chuyên gia cấp cao của EWG, cho biết trong một tuyên bố riêng. Cô cho rằng người tiêu dùng “đã bị giữ quá lâu trong bóng tối” khi không hề biết gì về các hóa chất trong các vật dụng nấu ăn của họ, các chất có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua thực phẩm họ tiêu thụ.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Sinh thái học, 79% chảo nấu ăn và 20% chảo nướng đã được phủ bằng các “hóa chất vĩnh cửu”.

Thực phẩm là vật tiếp xúc chính với “hóa chất vĩnh cửu”, nhưng Andrews cho biết không có lý do gì PFAS cần được đưa vào bao bì thực phẩm. Ông nói: “PFAS có thể ngấm từ bao bì vào thực phẩm và chúng độc hại ở nồng độ cực thấp”.

Các tiểu bang Connecticut, Maine, Minnesota, New York, Vermont và Washington đều đã cấm đưa PFAS vào bao bì thực phẩm.

Thanh Vân (theo UPI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI