Các hãng dược vào cuộc đua sản xuất liều vắc xin bổ sung

11/05/2022 - 06:51

PNO - Các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 đang chuyển hướng vào thị trường vắc-xin tăng cường với liều lượng nhỏ hơn, cạnh tranh hơn sau khi tập trung cho mục tiêu cung cấp nhiều liều nhanh nhất có thể trong 18 tháng qua.

Mục tiêu mới: Thị trường mũi tiêm bổ sung

Các giám đốc điều hành của những nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất, bao gồm Pfizer Inc và Moderna, tin rằng hầu hết người muốn tiêm vắc xin COVID-19 đều đã nhận được mũi tiêm trong 18 tháng qua, tương ứng hơn 5 tỷ người trên toàn thế giới. Từ thời điểm này, hầu hết mũi tiêm chủng COVID-19 sẽ là mũi tiêm nhắc lại, hoặc mũi tiêm đầu tiên cho trẻ em. Pfizer (cùng đối tác BioNTech SE của Đức) và Moderna vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường vắc xin. Theo sau, nhà sản xuất vắc xin của Mỹ là Novavax và CureVac NV của Đức, cũng đang hợp tác với hãng dược GlaxoSmithKline để phát triển các loại vắc xin nhắm mục tiêu vào thị trường mũi bổ sung. Vai trò của vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J), vốn không được ưa chuộng hoặc ít hiệu quả hơn so với các loại vắc xin mRNA, dự kiến ​​sẽ giảm ở thị trường này. 

Hartaj Singh - nhà phân tích tại Công ty Tư vấn tài chính Oppenheimer & Co (Mỹ) - cho biết: “Đây sẽ là cuộc chơi rất cạnh tranh về giá cả và thị phần ngay cả đối với những loại vắc xin được coi là tốt nhất như Pfizer và Moderna”. Hiện thế giới vẫn chưa biết cần bao nhiêu liều tăng cường. Cũng không rõ liệu các nhà sản xuất vắc xin có đưa ra một mũi tiêm được thiết kế lại vào mùa thu này và mỗi mùa thu sau đó hay không. Đó là cách làm với vắc xin cúm để luôn phù hợp với các chủng vi-rút đang lưu hành. 

Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết, những người “đã được tiêm chủng” sẽ là đối tượng chính của nhu cầu vắc xin trong tương lai. Một nghiên cứu mới công bố ngày 9/5 trên tạp chí bệnh truyền nhiễm Lancet cho thấy, liều thứ tư vắc xin mRNA của hãng Pfizer giúp tăng cường mức bảo vệ nhận được từ mũi thứ ba trong một thử nghiệm ở Anh. Qua đó nhấn mạnh lợi ích của vắc xin đối với những người dễ bị tổn thương nhất. 

 

Trong tương lai, nhu cầu vắc-xin COVID-19 sẽ tập trung vào mũi bổ sung, tiêm nhắc lại  với số lượng thấp hơn so với những liều tiêu chuẩn ban đầu - ẢNH: AP
Trong tương lai, nhu cầu vắc xin COVID-19 sẽ tập trung vào mũi bổ sung, tiêm nhắc lại với số lượng thấp hơn so với những liều tiêu chuẩn ban đầu - Ảnh: AP

Nhu cầu mũi tiêm tăng cường không nhiều

Các giám đốc điều hành của Moderna gần đây cho biết những người được hưởng lợi từ mũi tăng cường vắc xin COVID-19 hằng năm bao gồm những người trên 50 tuổi, người có các yếu tố nguy cơ sức khỏe hoặc nghề nghiệp có nguy cơ cao, bao gồm cả nhân viên y tế. Giám đốc điều hành của Moderna - Stephane Bancel - ước tính số lượng này vào khoảng 1,7 tỷ người, tức chiếm khoảng 21% dân số toàn cầu. 

Moderna và Pfizer/BioNTech, những công ty sản xuất vắc xin theo công nghệ mRNA, có lợi thế về khả năng cập nhật mũi tiêm nhanh hơn một chút so với các đối thủ cạnh tranh. Cả hai đang phát triển vắc xin nhắm vào biến thể Omicron. Nhà phân tích Tyler Van Buren của Công ty Tài chính Cowen (Mỹ) nhận định, Mỹ và Tây Âu - nơi có khoảng 600 triệu người được tiêm chủng - sẽ vẫn là những thị trường quan trọng, nhưng doanh số bán hàng có thể chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì đạt được từ hai mũi tiêm đầu tiên. Ông Buren cho biết: “Dự kiến 20 - 25% những người được gọi là có nguy cơ cao vì nhiều lý do khác nhau sẽ cần mũi tiêm tăng cường hằng năm, và tôi nghĩ đó là dân số có nhiều khả năng mắc bệnh nhất”. 

J&J - công ty có vắc xin bị hạn chế bởi tác dụng phụ gây ra chứng máu đông hiếm gặp nhưng đôi khi gây tử vong - từ chối bình luận về việc liệu họ có kế hoạch đẩy thuốc tiêm chủng vào mùa thu hay không. Vào tháng Tư, công ty đã hủy bỏ dự báo bán vắc xin COVID-19 2022 của mình với lý do không có dữ liệu chắc chắn. Riêng Công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi - công ty sản xuất vắc xin J&J ở châu Phi - thì cảnh báo nhu cầu yếu. 

Giám đốc điều hành Aspen - Stephen Saad - trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng: “Sẽ có thị trường cho những mũi bổ sung và tăng cường… nhưng nó không nằm ở mức như trước đây”. Vào cuối tháng Tư, Pascal Soriot - Giám đốc điều hành AstraZeneca - cho biết, mũi tiêm của họ sẽ vẫn có vai trò trong việc chống lại đại dịch. “Chúng tôi tin rằng vắc xin AstraZeneca vẫn còn tiềm năng vì chúng rất dễ quản lý và phân phối. Dù vậy, khối lượng trong tương lai sẽ ít hơn vì mọi người có thể sẽ chỉ cần một mũi tăng cường mỗi năm và không phải ai cũng sẽ tiêm chủng”, ông nói. 

Linh La (theo Reuters, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI