Tuy nhiên, có những nỗi niềm mà luật không phân xử nổi. Đó là trái tim người phụ nữ, là nước mắt, là ánh nhìn lo âu, là đôi vai trĩu xuống gánh nặng cuộc đời… Trong bất cứ “lối thoát” nào, ngay cả khi cánh cửa pháp luật đã mở, người phụ nữ vẫn luôn còn chút ngập ngừng khi bước chân đi. Do vậy, lối thoát đôi khi đã có nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có thể bước đến tự do.

Thoát khỏi “xác nhà”
Hạnh Dung dùng “xác nhà” như một hình ảnh tượng trưng cho những tài sản chung của vợ chồng, cái vỏ vật chất của hôn nhân và những ràng buộc vật chất khác quanh cái vỏ vật chất đó, mà tựu trung có thể hiểu “còn cái vỏ mà không còn cái ruột”. Nhiều chị đã ly hôn nhưng tài sản vẫn còn chung, chưa bán được nhà, chưa chia được tài sản, nên không thể thoát, thậm chí còn bị giam cầm nặng nề hơn vì những mâu thuẫn phát sinh sau ly hôn. Nhiều vụ vợ hoặc chồng đã bỏ đi, không rõ tăm tích, nhưng tờ giấy đăng ký kết hôn vẫn ràng buộc người còn lại, không biết làm sao để thoát. Cũng có người đã đi mất từ xưa lắc xưa lơ, người còn lại tự giải thoát mình bằng một hạnh phúc mới, bỗng dưng một ngày người cũ quay lại, đòi nhà, đòi chồng, khiến người kia rơi vào thế bí trước cả pháp luật lẫn tình yêu.
Ví như, ngày mới cưới nhau, thuê nhà ở trọ, anh chị đã ước mơ một mái ấm của riêng mình, bé xíu thôi cũng được. Ngày đủ tiền sang lại được nửa căn chung cư xập xệ, anh chị mừng rơi nước mắt. Trong căn nhà nhỏ, chị bồi hồi: “Cảm ơn anh đã cho em mái ấm hạnh phúc”, anh vòng tay ôm lấy chị che chở “Không có em, anh cũng không làm được gì đâu. Em mới là hạnh phúc của anh”. Từ đó mỗi tháng khỏi lo tiền thuê nhà. Chị vẫn nhớ cảm giác lội qua con đường vô chung cư, nước ngập trên đầu gối, tới nhà mình, được tắm, được thay bộ đồ thơm mát mặc ở nhà, chị cảm ơn đời đã cho mình mái nhà bình yên. Vậy mà, 26 năm sau, trong ngôi nhà rộng, chị thấy mình thừa thãi, hết lau rồi dọn, chẳng còn thấy niềm hạnh phúc nhuốm đầy sắc màu tạ ơn ấy đâu nữa. Thay vào đó chỉ có hận thù. Tòa xử ly hôn, “nhà chia dọc thóc chia ngang”, nhưng chia làm sao được khi chiều ngang căn nhà mặt tiền là 3,8m. Anh chiếm luôn mặt tiền đang buôn bán, đuổi mẹ con chị lên lầu. Mỗi ngày đi về, ngang qua tầng trệt, nhìn anh ôm ấp người mới, chị chỉ muốn ăn sống nuốt tươi cả hai. Những sáng Chủ nhật, chị quanh quẩn trên lầu không dám xuống đi mua đồ ăn sáng cho con sớm, sợ đi ngang căn phòng trễ nải của vợ chồng họ. Bán thì cỡ nào anh cũng không chịu giá, chắc muốn ép mẹ con chị phải bỏ nhà đi, hay phải chịu thua thiệt trong chia chác. Chị nhất định không thua, chị sẽ bám trụ đến cùng. Chị héo mòn đi trong thù hận, sân si.
Có thể nói, con đường dẫn đến hôn nhân coi vậy mà đơn giản, còn lối thoát ra khỏi những cuộc hôn nhân thất bại, tưởng là chỉ một - ly hôn, nhưng phức tạp gấp trăm ngàn lần.
Thoát hay không, trong hoàn cảnh ấy, do chính mình mà thôi. Các luật sư khuyên thôi chịu thiệt mỗi bên một ít, nên bán nhà để chia đôi, bởi chỉ còn là hai người lạ. Nhưng thua thiệt thế nào là “ít”, tự mình phải lượng giá. Nếu cộng thêm vào đó những tủi cực của mình, những ghen tuông, thù hận thì chẳng bao giờ “ít” được, nên cũng chẳng bao giờ thoát được. Đã chấp nhận ly hôn là chấp nhận mất mát, bỏ cái cũ làm lại cái mới, vậy nên quý thời gian và sức lực của mình, ngồi lại với nhau, lựa cách chia để dứt khoát mọi thứ, để mình có thể thoát hẳn ra mà làm lại cuộc đời. Chưa thoát được cái “xác nhà”, khó lòng có thể xây dựng được tổ ấm khác, ngay cả khi tổ ấm mới chỉ có mẹ và con. Vận dụng tất cả những trợ giúp của pháp luật, đòi hết những quyền lợi của mình nhưng thực tế, cũng cần giải quyết với nhau bằng sự thu xếp có tình có lý, chút thiệt thòi, nếu có, là để trả giá cho tự do và sẽ được bù đắp bằng bầu không khí trong lành cho con cái.
Đôi chân, đôi mắt và con đường
Những người phụ nữ sau ly hôn thường có đôi mắt buồn u uẩn. Nỗi buồn thấm đến tận dáng vẻ của họ, bỏ bê, xoàng xĩnh, nhàu nhĩ. Cũng đúng thôi, vì những chị đến buổi tham vấn đều đang gặp vấn đề, có khi khóc đêm này sang đêm khác, đến hội trường còn lau nước mắt… Vậy mới thấy gia đình đúng là nền tảng, khi nền tảng nứt vỡ, mọi thứ khác đều xiên lệch theo.
Nhưng, trời đã phú cho con người đôi chân có thể đứng trên bất kỳ nền tảng nào. Đôi chân tự điều chỉnh cân bằng, có thể bên co bên duỗi, có thể bước trái phải tới lui, thậm chí khi cần có thể đứng trên một chân, tất cả là để giúp con người đứng vững, đứng thẳng. Có khi do thời gian phụ thuộc lâu quá, lúc đột ngột bị tách rời, người ta loạng choạng, mất thăng bằng khi đứng trên đôi chân của mình, nhưng sau đó, nếu tự chủ được, họ sẽ dần đứng vững lại.
Lối thoát - con đường đã được vạch ra, mọi người cũng sẵn lòng trợ giúp nhưng nếu người phụ nữ không tự bước đi trên đôi chân của mình, thì không thể thay đổi được gì. Bước tới rồi, viễn cảnh sẽ đổi thay, có khi mắt sẽ bớt u uẩn.
Có gặp hết bao nhiêu cảnh đời sau ly hôn, mới thấy con đường ly hôn không hề chóng vánh, đơn giản. Để đi hết con đường đó đến tự do thực sự, cũng mòn mỏi lắm: ba tháng, tám tháng, mười năm và cũng có thể biệt mù tăm tích. Nếu chuẩn bị bước vào con đường đó thì chị em mình cần có sức khỏe, sự vững vàng về tâm trí, cả sự tỉnh táo trong tình cảm, lẫn sự kiên nhẫn và bình tĩnh để tránh bớt rủi ro. Quyết định ly hôn trong một cơn ghen tuông hoặc nóng giận bột phát là một sai lầm mà nhiều phụ nữ từng mắc phải. Con đường ly hôn mang một diện mạo hoàn toàn khác, đó là con đường dài dặc, đòi hỏi người ta phải tỉnh táo, chi tiết, tỉ mỉ nếu muốn mình “thoát” khỏi sai lầm hôn nhân mà vẫn vẹn nguyên được phẩm giá, tư cách và còn đủ điều kiện để bắt đầu một cuộc đời khác.
Tham gia buổi tư vấn “thoát ly” này, đột nhiên Hạnh Dung nghĩ, lẽ ra các bạn trẻ chưa lập gia đình cũng nên đến dự. Chi vậy? Để họ biết sai lầm trong hôn nhân phải trả giá lớn đến thế nào, khó đến thế nào, mà không vội vàng khóa đời nhau vào một góc kẹt nào đó, hay lỡ mà còn thu xếp được, thì đừng xô đẩy nhau để đến nỗi phải đưa nhau ra trước tòa mới tìm thấy “lối thoát” cho cả hai…
Hạnh Dung