Bỏ phố hay trụ lại: Về quê ăn rau, ăn cháo...

02/10/2021 - 11:30

PNO - Hàng ngày, phải trông chờ quà từ thiện từ phường và các nhà hảo tâm, tôi thấm thía sự bất lực. Tôi muốn về nhà.

Xem các clip dân nghèo TPHCM đùm túm nhau lên xe máy về quê phía các tỉnh miền Tây, mấy ai không rơi nước mắt.

Người miền Tây chúng tôi có câu nói vui: “Làm ăn thất bát thì đi Bình Dương bán nước tương”. Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… là những địa danh thu hút nguồn lao động, tạo nhiều công ăn việc làm. Có bằng cấp thì xin vào công ty này, sở kia. Không bằng cấp thì làm công nhân, phụ hồ, phụ quán ăn. Có chút vốn thì sắm xe bánh mì, hủ tiếu gõ hay gánh xôi cũng kiếm được tiền.

Lý do về Trà Vinh của một lao động nữ ngeh thật xót xa
Lý do về Trà Vinh của một người trong dòng xe xin ra khỏi cửa ngõ Sài Gòn là "không trụ nổi". Ảnh: Dân Trí 

Sài Gòn bao dung, dung chứa hết mọi người để ai cũng có chén cơm. Những tháng qua Sài Gòn cưu mang bao người bằng những phần lương thực thực phẩm đầy nghĩa tình. Sài Gòn đã cố hết sức. Sài Gòn đã nặng oằn vai. Người nghèo hay người giàu đều mệt. Sài Gòn đắt đỏ, dịch bệnh càng làm mọi thứ đắt đỏ

Cuối tháng 6/2021, công ty tôi có ba F0, toàn bộ nhân viên  phải đi cách ly. Chúng tôi còn tếu với nhau "ước gì mang theo được mấy lon bia hoặc bộ bài tây, vào đó cả đám chơi đánh bài búng tai chắc rất vui".

14 ngày trong khu cách ly, dù có nhiều bất cập trong sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe nhưng chẳng ai ca thán. Ba mẹ gọi lên, hốt hoảng. Tôi tỉnh rụi: "Con vô đây như đi nghỉ dưỡng, ba mẹ đừng lo lắng quá”.

Hết thời gian cách ly, tôi trở về phòng trọ. Đồ ăn trong tủ lạnh mốc meo, mấy cái trứng vịt chuyển màu xám ngắt. May, chị chủ trọ cho chục trứng gà và bó rau muống. Nhà còn ít gạo và nửa thùng mì, tôi dè xẻn, lây lất qua ngày. Ba mẹ giục tôi về nhà, nhưng tôi vẫn lạc quan Sài Gòn rồi sẽ ổn.

Một tháng sau, khu phố tôi được bộ đội tiếp tế thực phẩm. Có cả con cá cam và mấy trái bí, thịt hộp. Tôi yên tâm chờ ngày đi làm trở lại.

Tỉnh ra thông báo tổ chức đưa người lao động về quê. Tôi từ chối. Mẹ năn nỉ: “Bỏ việc cũng không sao con ơi. Về nhà có mẹ có con”.

Nhiều người không có xe máy, họ đạp xe về quê trên con đường vạn dặm ( Ảnh: Tam Nguyên)
Nhiều người không có xe máy, họ đạp xe về quê trên con đường vạn dặm ( Ảnh: Tam Nguyên)

 

Không trụ lại được ở TPHCM, người nghèo tìm cách về quê bằng bất cứ phương tiện gì họ có (Ảnh: Tam Nguyên)
Không trụ lại được ở TPHCM, người nghèo tìm cách về quê bằng bất cứ phương tiện gì họ có (Ảnh: Tam Nguyên)

Ba tôi trước giờ ủng hộ con gái đi làm xa, phát triển sự nghiệp, giờ ông lo lắng cho tôi tới mức ngơ ngẩn. Ra vườn, nhìn ngó mông lung là ba buồn. Ba ước gì gửi gà vịt, rau trái lên cho con gái. Ở quê thừa mứa đồ ăn, trong khi con gái ba muốn mua cũng khó.

Ở lâu ngày trong phòng trọ kín mít, tôi bắt đầu quẩn chân. Tôi thèm bạn bè, thèm quán xá, thèm hơi người đông đúc của cuộc sống đời thường. Nếu không có chiếc điện thoại, không biết dịch bệnh kiểu này người ta kết nối với nhau như thế nào.

Hàng ngày, phải trông chờ quà từ thiện từ phường và các nhà hảo tâm, tôi thấm thía sự bất lực. Tôi muốn về nhà.

Tôi nghiệm ra nhu cầu của mình không nhiều, chỉ cần đủ cơm ăn, vài ba bộ đồ thay đổi, những thứ đó ở quê ba mẹ luôn dành sẵn cho tôi. Tôi thèm không khí trong lành ở quê. Thèm buổi sáng thức giấc trong tiếng gà gáy, tiếng cá nhảy lủm bủm trong ao. Thèm xách rổ ra vườn hái rau, câu cá. Thèm nghe mẹ cằn nhằn: “Con gái ngủ muộn coi chừng ế chồng”. Thèm tiếng ba rổn rảng: “Ngoài cây ổi có nhóc trái chín, lát con hái ăn”…

Mẹ nghẹn ngào: “Mẹ không cần con kiếm nhiều tiền. Mẹ cần nhìn thấy con yên ổn quanh quẩn trong nhà”. Ba tôi nghẹn lời: “Đời ba chỉ có mỗi niềm hy vọng là con. Về nhà đi con”. Tôi nghe mà chảy nước mắt.

Ba mẹ tôi đều gọi về nhà đi con (Ảnh minh họa)
Ba mẹ tôi đều gọi "về nhà đi con" (Ảnh minh họa)

Tôi xa nhà là để có tương lai, để chứng tỏ bản thân, kiếm nhiều tiền để ba mẹ an hưởng tuổi già. Dịch bệnh đã khiến tôi hiểu ra tiền bạc, danh vọng đều là phù du. Chỗ yên ổn, hạnh phúc nhất của tôi là ở cạnh ba mẹ, ở chốn quê nhà bình yên. Tôi muốn về nhà!

                                                                                                                                                                                                                                                                       Mi Mi (Đồng Tháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI