Bỏ phố hay trụ lại: Đất quê thênh thang chờ người về

03/10/2021 - 12:59

PNO - Lại những đoàn người chở theo nồi cơm điện, cái chiếu, người chồng cầm lái, đứa con nằm ngủ mệt trên tay mẹ. Chiếc xe chở cả gia tài ở trọ Sài Gòn về.

1.Cha mẹ tôi rời quê khi mảnh ruộng cấy hái màu mỡ bị chuyển đổi canh tác. Ông bà là những người dân quê điển hình với cảnh quanh năm bám vào đất, bòn từ đất, nuôi mấy đứa con ăn học nhờ hoa lợi ruộng đồng.

Thành phố nhiều cơ hội việc làm, thành phố là những nguồn sáng bất tận vô cùng hấp dẫn với người quê. Thanh niên rời làng ra phố học hành, vào xí nghiệp làm việc hoặc những người lên phố bán buôn rồi ở lại thành phố. Người già cũng theo ra phố chăm cháu giữ nhà. Thành phố như một bà mẹ đông con, cưu mang nhiều...

Quê tôi nổi tiếng khắp nước với nghề trồng hành
Quê tôi nổi tiếng với những cánh đồng trồng hành, tỏi 

Tôi từng nhiều lần muốn về quê, nhưng đâu còn quê mà về nữa. Quê hương là nơi cha mẹ sống, là ngôi nhà mình được sinh ra và lớn lên, là cái sân giếng chiều 30 Tết mẹ nấu nước lá mùi già cọ rửa mang tai, kỳ lưng cho mấy đứa con. Quê hương vụ mùa vụ chiêm nối vụ đông, trồng hành tỏi bạt ngàn.

Những khu đô thị mới mọc lên, những nhà máy với ống khói cao nghi ngút. Những khu tái định cư trù phú, những công viên xanh chỉ có trên bản vẽ. Người ở miền quê đó tìm đường lên thành phố.

Khi tôi về quê chồng ăn Tết, tôi ngạc nhiên vì cánh đồng bị bỏ hoang, người ta chỉ cấy một hai vụ lúa, hoặc bỏ luôn cả lúa. Nhiều vùng đồng bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Đất quê mênh mông, nhưng chỉ còn người già không nên đủ sức mà thâm canh tăng vụ, xen canh gối vụ.

Xưa kia nhà nông gối vụ, đất đai xanh tốt quanh năm..
Xưa kia nhà nông gối vụ, đất đai, đồng lúa nhà ai cũng xanh tốt quanh năm...

2.Tôi sống ở Sài Gòn gần 20 năm. Sài Gòn là thành phố sôi động nhất nước, là nơi sinh sống của người dân mọi miền. Dịch bệnh bùng phát, nhìn những dòng người kéo nhau về quê tránh dịch lòng tôi thắt lại.

Trước đó, nhìn những hình ảnh bộ đội và các hội nhóm từ thiện đi phát quà cho dân, tôi đã kinh ngạc vì Sài Gòn có những con hẻm nghèo quá. Sống ở Sài Gòn, gây dựng cơ nghiệp nơi đây tưởng đã biết rất nhiều về Sài Gòn mà thật ra là chẳng biết được bao nhiêu...

Một anh bạn tôi được hội đồng hương rủ về quê tránh dịch, bạn đã xúc động rơi nước mắt mà nói rằng: “Sài Gòn cho mình cuộc sống, lúc này Sài Gòn cần mình, mình không bỏ lại Sài Gòn”. Bạn và vài người anh nữa lập ra nhóm SOS Bình Tân, đi chở nhu yếu phẩm giữa “nơi muốn cho” và “nơi cần nhận” thâu đêm.

Anh trai tôi vẫn ở lại quê hương, ngày đêm cần mẫn trên mảnh đất của mình
Anh tôi vẫn ở lại quê hương, ngày đêm cần mẫn trên mảnh đất của mình

Bây giờ, sau mấy tháng không có việc làm, những người quê ở trọ nơi phố thị không còn đủ sức trụ lại nữa. Họ kéo nhau về quê ngay khi thành phố có chỉ thị nới lỏng giãn cách.

Lại những đoàn người chở theo nồi cơm điện, cái bình nước, manh chiếu để có thể trải nằm nghỉ lề đường bất cứ lúc nào. Người chồng cầm lái, đứa con nằm ngủ mệt trên tay mẹ lặn lội đường xa. Chiếc xe chở cả gia tài bao nhiêu năm ở trọ Sài Gòn.

Biết đâu dòng người hồi hương ấy sẽ phủ xanh lại những cánh đồng
Biết đâu dòng người hồi hương ấy sẽ phủ xanh lại những cánh đồng

Trong số họ nhiều người sẽ trở lại làm việc khi thành phố bình yên, nhiều người sẽ cặm cụi với đất quê mãi mãi, vì không quên được những ngày đói khát khi dịch bệnh xảy ra ở phố. Những cuộc di cư đầy ám ảnh theo cách thật đặc biệt.

Người quê ấy, tôi biết họ ra đồng bẻ đọt rau muống, xúc mớ tép là có ăn. Đất quê thênh thang, cũng không sợ nguồn lây bệnh sát bên như những khu nhà trọ chung một vách tường. Con cái họ sẽ được chạy nhảy giữa cánh đồng xanh biếc.

Trên hành trình mang theo cả gia tài và gia đình trở về quê cũ, tôi mong họ chở đủ niềm hi vọng và họ sẽ bình an...

Hoàng Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI