Biến thể mới C.1.2 nguy hiểm, nhưng “chưa thể qua mặt” Delta

01/09/2021 - 14:27

PNO - Trong khi biến thể Delta tiếp tục lây nhiễm với mức độ báo động trên toàn cầu, biến thể C.1.2 đột biến cao – xuất xứ từ Nam Phi – đang trỗi dậy mạnh mẽ và đã xuất hiện ở 8 quốc gia trên thế giới.

Biến thể mới SARS-CoV-2 đột biến cao đã được nhận diện ở nhiều quốc gia - Ảnh: CTV News
Biến thể mới SARS-CoV-2 đột biến cao đã được nhận diện ở nhiều quốc gia - Ảnh: CTV News

Giám đốc Bộ phận bệnh truyền nhiễm Đại học Vanderbilt (Mỹ), tiến sĩ David Aronoff là chuyên gia theo dõi chặt chẽ các xu hướng dịch bệnh trên thế giới.

“Biến thể C.1.2 có các sửa đổi đối với protein đột biến ở bên ngoài virus tương tự như những gì chúng ta thấy trong các biến thể khác, dẫn đến dự báo rằng virus có thể bám vào tế bào của chúng ta dễ dàng hơn hoặc kết dính hơn, do đó nó có thể trở thành một mối đe dọa lớn hơn”, tiến sĩ Aronoff giải thích.

Các chỉ số khác cho thấy khả năng trốn tránh kháng thể của C.1.2 cũng tăng lên.

“Điều khiến chúng ta quan tâm là nếu có đủ sự biến đổi của virus bên ngoài các kháng thể của chúng ta - được tạo ra bởi tiêm chủng hoặc lây nhiễm trước đó - sẽ khiến chúng ta dễ bị nhiễm biến thể này hơn”, ông Aronoff nói.

Mặc dù C.1.2 chưa được báo cáo ở Hoa Kỳ, nhưng nó đã được phát hiện ở hầu hết các tỉnh Nam Phi và 7 quốc gia khác ở châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem liệu những thay đổi mà đột biến này mang lại có tàn phá đến mức độ biến thể Delta gây ra hay không.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), còn quá sớm để coi C.1.2 là "biến thể đáng quan tâm" hoặc "biến thể gây quan ngại”, nhưng nó đang được theo dõi chặt chẽ.

Người dân Nam Phi xếp hàng bên ngoài trung tâm tiêm tiêm vắc xin COVID-19 khi nước này mở cửa tiêm chủng cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên ở Cape Town - Ảnh: Reuters
Người dân Nam Phi xếp hàng bên ngoài trung tâm tiêm tiêm vắc xin COVID-19 khi nước này mở cửa tiêm chủng cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên ở Cape Town - Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện biến thể C.1.2 lần đầu tiên vào tháng 5/2021, và mặc dù có nhiều đột biến nhưng vẫn chưa xác định liệu nó có dễ lây lan hơn hay có thể vượt qua khả năng miễn dịch do vắc xin cung cấp hoặc nhiễm bệnh trước đó hay không.

Richard Lessells, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là một trong những tác giả của nghiên cứu về C.1.2, cho biết sự xuất hiện của nó cho chúng ta thấy rằng "đại dịch còn lâu mới kết thúc và virus này vẫn đang khám phá các cách thức để có thể lây nhiễm mạnh hơn cho chúng ta".

Ông Lessells nói rằng mọi người không nên quá lo lắng đối với giai đoạn này và các biến thể có nhiều đột biến hơn nhất định sẽ xuất hiện khi càng vào sâu trong đại dịch.

Dữ liệu giải trình tự bộ gen của Nam Phi cho thấy biến thể C.1.2 vẫn chưa thể thay thế được biến thể Delta đang chiếm ưu thế vào tháng 7, tháng gần nhất có số lượng lớn các mẫu xét nghiệm. Trong tháng 7, C.1.2 chiếm 3% số mẫu so với 1% vào tháng 6, trong khi Delta chiếm 67% vào tháng 6 và 89% vào tháng 7.

Delta là biến thể lây lan nhanh nhất và mạnh nhất mà thế giới gặp phải, và nó đang làm “đảo lộn giả định về COVID-19” ngay cả khi các quốc gia nới lỏng các hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế của họ.

Tiến sĩ Lessells cho biết C.1.2 có thể có nhiều đặc tính né tránh miễn dịch hơn Delta, dựa trên kiểu đột biến của nó và các phát hiện đã được lưu ý cho WHO.

Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Nam Phi khởi đầu chậm chạp, đến nay chỉ có khoảng 14% số người trưởng thành được tiêm chủng đủ hai mũi vắc xin.

Thanh Hiền (theo WKRN, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI