Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?":

Bệnh ức hiếp mẹ

27/09/2020 - 05:41

PNO - Đọc bài của tác giả Khánh Phương đăng trên Diễn đàn “Văn minh = bất hiếu?” báo Phụ nữ TPHCM ngày 23/9/2020, tôi chợt thấy cái bệnh “ức hiếp mẹ” hình như là một dịch bệnh, có trong rất nhiều đứa con. Tôi là một “bệnh nhân” như thế.

Không hiểu sao, trong lúc má hiền lành và kiên nhẫn với tôi, tôi lại hay nảy sinh cảm giác bực bội vô cớ trước má. 

Gần đây nhất, khi tôi cho con về quê chơi và cho chúng tắm sông. Má tôi ngăn: “Đừng cho hai đứa nhỏ tắm sông con ơi, mùa này nước đổ, bệnh chết”. Câu này nếu nghe người khác nói thì tôi chỉ cười trừ, nhưng không hiểu sao từ má thì tôi chỉ toàn cảm nhận tiêu cực. Tôi la oai oái: “Má kỳ quá hà, con cháu mà đi trù bệnh chết”. Ánh mắt má chùng xuống, buồn thiu. 

Rồi tôi dẫn bọn nhỏ xuống sông tắm. Má cố gắng ngăn lần nữa, giọng như van nài, nhưng không dám nói lớn: “Đừng cho hai đứa nhỏ tắm sông con ơi”. Tôi gắt: “Má kệ con đi, má đừng can thiệp vô chuyện con của con”. Rồi tôi cho bọn nhỏ tắm sông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Được bơi lội thỏa thích, bọn nhỏ cười sung sướng. Nhìn lên, thấy má đã bắt ghế ngồi trên bờ sông tự bao giờ. Tôi biết má đang canh tụi nhỏ. Tôi biết má đang có nỗi lo đè nặng. 

Ngày xưa, con gái áp út của má - tức chị tôi, đi tắm sông với chị gái lớn trong lúc má ra đồng, ngay cái bến sông mà con tôi đang tắm, rồi bị nước cuốn trôi khi mới sáu tuổi. Má mang nỗi buồn, ám ảnh sông từ đó.

Từ đó, má không cho tôi và sau này là các con, cháu tôi được tắm sông nữa. Nhưng tôi không tin và không cam tâm vì một chuyện buồn mà tước đoạt niềm vui của những đứa trẻ khác. Tôi không muốn má tôi suốt đời phải đắm chìm trong nỗi lo sợ. Tôi vẫn cho bọn trẻ tắm sông ngày hai ba lượt. 

Trên bờ sông, má tôi vẫn ngồi đó, không biết nỗi lo có vơi theo năm tháng, hay vẫn còn nặng lòng về ký ức đau buồn và lời phán của ông thầy hay không. Chỉ có một điều chắc chắn: mỗi lần cho con tắm sông, là tôi lại gây với má. 

Mỗi khi tôi đưa hai con về quê chơi thì mâu thuẫn của tôi với má càng tăng. Má tôi thương cháu, bảo bọc hai đứa nhỏ như gà mẹ lúc nào cũng ấp ôm gà con. Hai bé nhà tôi lười ăn, má tôi cần mẫn ngồi năn nỉ, đút từng đứa. Trong khi tôi luôn để chúng tự ăn.

Vậy là tôi lại: “Má kỳ quá, má để tụi nhỏ tự ăn đi”. Con tôi rất thích bạn, nên về quê là con nít trong xóm kéo đến tụ tập đầy nhà. Má tôi sợ con tôi bị ăn hiếp, nên rất hay la những đứa trẻ to hơn đến gần con tôi. Tôi phân tích, giải thích cho má hàng chục lần, và kêu má để mặc cho bọn trẻ chơi, có bị thương chút cũng chẳng sao. Nhưng má vẫn không yên. Chỉ cần tôi đi khuất ra nhà sau là má đuổi bọn trẻ trong xóm về hết.

Con tôi tiu nghỉu và tôi lại cự: “Má kỳ quá hà. Chuyện con nít má can thiệp làm gì?”. Như bao lần, má không nói tiếng nào, nhưng đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn và vẫn kiên quyết không cho mấy đứa trẻ khác tiếp cận các con tôi. Tôi lại cự má và dùng “vũ khí“ mới: “Má vậy nữa con không về quê đâu”. Má chỉ im lặng.

Con tôi tắm mưa, má rầy: “Đừng tắm mưa con, mưa đầu mùa bệnh chết”. Tôi gạt ngang: “Con cho tụi nó tắm mưa hoài, không sao đâu”. Má tôi mắt đã kèm nhèm, nhưng biết tụi nhỏ bỏ dép tắm mưa liền la: “Sân có nhiều gạch đá lắm, mang dép vô đi con”. Tôi lại cự: “Má kệ tụi nó đi”.

15 phút sau, con bé Nếp của tôi gào lên: “Mẹ ơi, em đứt chân”. Nhìn ra, thấy con gái nhỏ đang đau đớn ôm cái chân máu phun thành vòi, tôi hấp tấp chạy ra bồng con vào. Lần đầu tiên, tôi nghe tiếng phản kháng của má: “Đã nói là không cho tắm mưa, phải mang dép mà không nghe.Từ trước tới giờ tao nói không bao giờ bây nghe, vừa mở miệng ra là bây cự, bây nạt”.

Lần này đến lượt tôi sựng lại. Lần đầu bà cụ 86 tuổi phản kháng tôi. Mãi suy nghĩ, và quýnh quáng, tôi ôm con lên xe và quệt chân đau của con vào cửa xe, con bé la oai oái: “Mẹ làm con đau, mẹ kỳ quá”. Như một tiếng nổ dội vào đầu tôi. Tôi đang lo lắng tột cùng cho con, nó lại nói tôi kỳ.

Những trận cãi vã với má trong suốt mấy chục năm qua như bộ phim dài lướt nhanh qua đầu. Và câu: “Má kỳ quá, mơi mốt con không về quê nữa đâu” như con dao cứa vào tim tôi. 

Gia Khánh
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI