Bạo lực gia đình: Đừng im lặng, nhưng phải biết cách lên tiếng

28/03/2022 - 17:45

PNO - Sáng 26/3, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Kao Việt Nam và Hội LHPN Q.Bình Tân tổ chức truyền thông chuyên đề “Bạo lực gia đình: Đừng im lặng!” cho nữ công nhân, người lao động.

Quen im lặng khi bị bạo lực

“Vợ ngoại tình bị chồng đánh là đáng, vì phụ nữ phải đảm đang mọi việc trong gia đình mà đi ngoại tình là không được”, một trong số 200 dì, chị, nữ công nhân, lao động ngồi trong hội trường nêu quan điểm. Khi báo cáo viên đặt tình huống ngược lại, nếu người ngoại tình là ông chồng, thì bà vợ có được phép đánh chồng không, chị trả lời: “Chồng ngoại tình thì vợ không thể nào đánh chồng được mà phải có cách xử lý dịu dàng, thuyết phục để giữ êm ấm gia đình”.

Nhiều chị em đã mạnh dạn trao đổi với các chuyên gia về bạo lực gia đình cũng như những vấn đề họ đang gặp phải ẢNH: PHÙNG HUY
Nhiều chị em đã mạnh dạn trao đổi với các chuyên gia về bạo lực gia đình cũng như những vấn đề họ đang gặp phải - Ảnh: Phùng Huy 

Tình huống đó đã đặt ra nhiều vấn đề để các chị cùng nhìn nhận. Chính họ - những người phụ nữ đang vướng vào định kiến rằng mình là người có lỗi, từ đó cho người khác cái quyền được bạo lực. Mặc cảm sai trái khiến họ im lặng, chấp nhận những đòn roi từ người chồng. Ngoài ra, việc tự đặt mình ở vị trí thấp kém hơn cũng khiến họ không thể làm gì khác ngoài chuyện dịu dàng thuyết phục khi chồng có hành vi sai trái.

Ở trên chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ chọn im lặng trước bạo lực gia đình. Chị Lê Thị Kim Anh (P.Bình Trị Đông) bế tắc với các luật sư: “Vì đứa con mà em tôi luôn phải cố gắng chịu đựng trong cảnh bạo lực gia đình. Chuyện đã lặp đi lặp lại nhiều năm rồi, chắc chỉ đến khi nào em không còn chịu đựng được thì mọi chuyện mới kết thúc”. 

Mặc dù những câu chuyện bạo lực gia đình vẫn thường xuyên xảy ra nhưng chị Nguyễn Hải Âu - người gần gũi với chị em phụ nữ trong vai trò Chi hội trưởng khu phố 7, P.Bình Hưng Hòa A - chỉ biết qua dư luận xì xào. Chị cho biết, phần lớn nạn nhân đều là phụ nữ và họ đều im lặng. Có người im lặng là vì con. Họ không muốn lớn tiếng gây gổ để con nghe thấy. Cũng có người im lặng vì ngại với hàng xóm. 

Lên tiếng trước bạo lực gia đình là vì tương lai con mình

Qua bao nhiêu vụ bạo hành, chúng tôi luôn kêu gọi chị em không được im lặng, vì im lặng là tội ác. Bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ, lứa tuổi vị thành niên, gây ra nhiều sang chấn tâm lý. Tôi khuyên chị em phụ nữ phải mạnh dạn tố cáo để chấm dứt bạo lực gia đình. Làm điều đó, các chị không chỉ bảo vệ mình mà còn giữ cho tương lai của con cái mình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân - cho biết trong nhiều trường hợp, người bị bạo lực chưa mạnh dạn lên tiếng phần lớn là do đặc trưng của phụ nữ vẫn hay chịu đựng, tự mình vượt qua để vun vén gia đình mà không báo cho cơ quan chức năng để được can thiệp, hỗ trợ kịp thời. “Ở góc độ địa phương, công tác phối hợp giữa các cơ quan vẫn còn có sự đùn đẩy, chưa có sự thống nhất, đồng bộ; cũng như chưa có sự vào cuộc quyết liệt khiến nhiều trường hợp người bị bạo hành phải đi tới đi lui trình báo, gây cảm giác mệt mỏi, bỏ cuộc” - bà Tuyên nói thêm. 

Từ câu chuyện bạo lực gia đình, mở rộng ra câu chuyện bạo lực giới, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM - thông tin đối tượng bị bạo lực không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái mà còn là những đối tượng yếm thế trong xã hội, không chỉ xảy ra ở riêng một độ tuổi nào, mà có thể xảy ra trong suốt cuộc đời một con người, từ khi chưa được sinh ra (dưới hình thức phá thai lựa chọn giới tính) cho đến khi chết. Bạo lực sẽ gây ra những tổn thương dài lâu về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo lực, dẫn đến tan vỡ gia đình. Đặc biệt, những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực có xu hướng trở thành người bạo lực trong tương lai.

Biết cách lên tiếng

Từ vô vàn hệ lụy đó, bà Thanh Nhã gửi gắm thông điệp: “Đừng im lặng! Một người lên tiếng, hai người lên tiếng sẽ khiến câu chuyện được lan tỏa đến nhiều người. Đó là cách chúng ta góp phần đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới”. 

Luật sư Nguyễn Sơn Lâm giải đáp các thắc mắc cho chị em ẢNH: PHÙNG HUY
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm giải đáp các thắc mắc cho chị em - Ảnh: Phùng Huy

“Tuy nhiên, “Đừng im lặng!” không có nghĩa là đứng ở đâu cũng la lên tôi khổ quá, tôi bị bạo lực”, thạc sĩ Nhã nhấn mạnh. Kêu gọi chị em đừng im lặng, bà yêu cầu những đối tượng bị bạo lực hoặc phát hiện câu chuyện bạo lực không chỉ lên tiếng mà còn phải học cách lên tiếng. Ngoài những số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các vụ việc phòng, chống bạo lực, người lên tiếng có thể gặp chính quyền địa phương để trình báo, gặp chuyên gia để nhờ tư vấn, tháo gỡ.

“Phải nói rõ, nói thật, nói đúng về câu chuyện của mình. Phải hiểu rằng, ngay khi bạn sai, bạn vẫn có quyền con người, vẫn có thể thương lượng chứ không phải mặc cảm, giấu giếm. Khi đó, vấn đề sẽ không được giải quyết hợp tình hợp lý”, theo thạc sĩ Thanh Nhã.  

“Các chuyên gia giải đáp rất thỏa đáng. Tôi làm công tác hòa giải nhưng chưa biết cách làm sao để giải quyết mọi chuyện thật chính xác. Thông qua buổi tư vấn hôm nay, tôi đã học hỏi được rất nhiều, tự tin hơn trong việc can thiệp và hỗ trợ tốt hơn nếu các sự việc tương tự xảy ra trong khu phố. Tôi hy vọng những chuyên đề như trên sẽ được tổ chức thường xuyên và rộng rãi hơn bởi đó là cơ hội tốt để những người phụ nữ, đặc biệt là những người có vai trò tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ ở các địa phương có thêm kiến thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cả lối xóm, người xung quanh” - chị Lê Thị Ngữ (P.Tân Tạo) hài lòng và hy vọng. 

Ông Shoichi Hasegawa - Tổng Giám đốc Công ty Kao Việt Nam: Đồng hành vì hạnh phúc phụ nữ

Với khát khao đem lại một cuộc sống đẹp hơn và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ, Kao sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ để giúp phụ nữ có đời sống tinh thần phong phú hơn. Đó cũng là lý do mà Kao Việt Nam - nơi sản xuất những sản phẩm thiết yếu theo tiêu chuẩn Nhật Bản như tã giấy em bé Merries, băng vệ sinh phụ nữ Laurier, sản phẩm chăm sóc da Bioré, bột giặt, nước giặt Attack… quyết định đồng hành với Báo Phụ Nữ TP.HCM trong chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nữ công nhân, lao động nhập cư. Chúng tôi mong muốn sẽ phần nào chia sẻ được khó khăn và làm cho cuộc sống của người phụ nữ dễ dàng, thoải mái và thuận tiện hơn, giúp phụ nữ có thêm thời gian chăm sóc bản thân, học hỏi và phát triển để từ đó tự tin tỏa sáng cũng như tận hưởng một cuộc sống văn minh và bình đẳng hơn. 

Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Chi hội phó Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM: Nếu mãi im lặng thì hành vi bạo lực sẽ ngày càng tăng

Bạo lực gia đình rất phổ biến và có nhiều mức độ khác nhau, không phải chỉ là đánh và gây thương tích mà còn là bạo lực về tinh thần, sức khỏe, tình dục… nhưng đôi khi người bị bạo lực lại không hề nhận ra. Thậm chí, khi đã biết đó là bạo lực gia đình thì đa số người dân vẫn không biết cách nhờ pháp luật hỗ trợ, can thiệp mà chỉ xử lý theo thói quen, coi như chuyện bình thường, cứ cam chịu thì mọi chuyện sẽ qua. 

Những người bị bạo lực gia đình, dù ở mức độ nhẹ hay nặng, đều phải lên tiếng bằng nhiều cách thức khác nhau. Đầu tiên là nói với người đang gây ra hành vi bạo lực (vợ nói với chồng, con nói với cha mẹ) rằng những hành vi đó là phạm pháp luật, là xâm phạm đến lợi ích cá nhân để họ không tiếp tục. Nếu không nói được với người trong gia đình thì bắt buộc phải nói với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để họ có biện pháp tuyên truyền, vận động và ngăn chặn kịp thời. Chỉ khi chúng ta lên tiếng thì quyền lợi chính đáng của chúng ta mới được bảo vệ, còn nếu mãi im lặng thì hành vi bạo lực sẽ ngày càng tăng lên. Nạn nhân thì chịu đựng trong uất ức, người gây bạo lực không hiểu và ngày càng bạo lực, cuối cùng sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Thu Lê - Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI