Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn khai thác trái phép rừng phòng hộ cảnh quan

19/03/2021 - 06:47

PNO - Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho chặt rừng phòng hộ cảnh quan để bán...

Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho chặt rừng phòng hộ cảnh quan để bán, sự việc được người dân phát giác và trình báo lên UBND huyện và kiểm lâm.

Theo trình báo của dân, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (gọi tắt là BQL) đã cho đốn hạ rừng phòng hộ cảnh quan thuộc Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và đem bán vào dịp trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Lượng cây bán ra phải đến vài trăm triệu đồng. Sau khi phát giác, người dân đã làm đơn trình báo lên UBND H.Duy Xuyên. Nhưng cho đến tháng 3/2021, huyện mới chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam xác minh.

Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Phan Hộ - Giám đốc BQL - thừa nhận: “Sau cơn bão số 9 năm 2020, nhiều cây cối trong khu di sản ngã đổ, phần lớn là cây keo tai tượng. Do đó, BQL có chủ trương cho công đoàn thu dọn trước tết, số cây thu dọn sẽ bán đi để trả tiền công và trồng lại cây bản địa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có sai sót là chặt cả cây rừng của người dân nên người dân có ý kiến”.
Tất cả cây rừng mà BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn chặt hạ đều là cây keo, tràm, thuộc rừng phòng hộ cảnh quan, cho nên muốn khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Nam cho phép. 

Trước đây, rừng ở khu vực này do người dân trồng, thuộc dự án PAM 4304 (rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới) nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình nông dân nghèo trồng rừng trên đất trống đồi trọc, giải quyết nhu cầu chất đốt, gỗ gia dụng và nâng cao năng lực phòng hộ của rừng, chống xói mòn, bảo vệ đất và cải thiện môi trường sinh thái. Sau đó, khu vực này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam - cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của người dân và đang xác minh điều tra, thời hạn là 60 ngày. Về việc chặt hạ cây trong rừng phòng hộ cảnh quan của BQL, ông Nguyên cho rằng dù với mục đích nào thì đơn vị này phải làm phương án và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn H.Duy Xuyên, cho biết thêm: ban quản lý di tích nói khai thác để thay thế dần cây bản địa để bảo vệ cây cảnh quan. Nhưng về nguyên tắc thì rừng đặc dụng muốn khai thác thì phải được sự cho phép của UBND tỉnh. Do đó ông Hộ sai khi làm mà không được sự cho phép. Chúng tôi đang chỉ đạo tập trung xử lý. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI