Ba cũng đau nỗi đau mất con…

02/08/2022 - 05:56

PNO - Ba năm từ ngày chồng mất, con gái Nhi hiếm khi nhận được quà từ nhà nội. Nhi cứ đi từ hy vọng, sang thất vọng rồi lại buộc phải thấy cách cư xử đó là lẽ thường.

 

Ba cũng có nỗi đau của ba... (Ảnh minh họa)
Ba cũng có nỗi đau của ba... (Ảnh minh họa)

Một tháng sau ngày trao tay cô cho chú rể, cha của Nhi dường như hoàn thành xong hết trách nhiệm với con cái, nên ngủ quên luôn trong giấc ngủ, không tỉnh lại nữa.

Đôi lúc nhớ ba, Nhi lại tự hỏi: “Nếu mình kết hôn trễ một chút, có thể ba chưa hoàn thành mọi việc, chưa ra đi”. Những khi ấy, dường như cảm nhận được trăn trở của vợ, chồng cô im lặng làm cho cô món nước, hoặc nấu món ăn cô thích, hoặc kéo cô vào lòng.

Nỗi đau mất ba vừa nguôi thì chồng Nhi bị tai nạn, qua đời, để lại vợ và cô con gái nhỏ. Không còn ba, không còn chồng, mẹ ruột lại chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, cô chông chênh. Mọi hy vọng cô gửi gắm vào ông nội.

Sau đám tang chồng, Nhi mệt mỏi, không muốn giao tiếp, không muốn kể đi kể lại câu chuyện chồng bị tai nạn như thế nào, thời gian chồng nằm trong bệnh viện ra sao. Ông nội yêu cầu cô quần áo chỉnh tề, ra ngồi “tiếp khách”. Khách là bà con, là chòm xóm… Những người cô chưa quen, họ khiến cô mệt mỏi. 

Rồi đến chuyện cô giáo chủ nhiệm thông báo con gái Nhi “có dấu hiệu sang chấn tâm lý”. Thay vì hay cười, hay nói vui vẻ và sáng tạo, con bé chỉ ngồi im trong góc phòng, không chơi, không cười. Nhi gọi điện về nhờ ông nội lên chơi với cháu vì Nhi phải đi làm, nhưng ông không đồng ý. 

Chuyện Nhi tạm gửi con về nhà ông bà mấy tháng hè để học thêm chương trình lớp Một, gửi con về quê để con có ông bà, có anh chị, đỡ cô đơn so với việc đối diện căn phòng vắng những tháng hè… ông bà cũng không hào hứng.

Ba năm từ ngày chồng mất, con gái Nhi hiếm khi nhận được quà từ nhà nội. Nhi cứ đi từ hy vọng, sang thất vọng rồi lại buộc phải thấy cách cư xử đó là lẽ thường. Cô hiểu rằng, chồng - chiếc cầu nối của cô và gia đình chồng - không còn, cô có thể mong đợi gì đây!

Dù không vui, nhưng mỗi mùa hè, cô đều tranh thủ sắp xếp đưa con gái về chơi với ông bà nội. Một năm, hai năm, ông bà nội thấy cháu về thì vui lắm. Con gái Nhi, được đi biển, được bắt ốc, được đi chợ cá, được chơi với các anh chị, cười nhiều hơn hẳn.

Cho đến vài ngày trước, trên con đường mòn len giữa vườn bạch đàn, con gái cô nắm tay ông nội “đi thăm ba”. Dưới ánh nắng chiều, nhìn một người tóc bạc trắng, lưng còng, nắm tay đứa cháu chưa vào lớp Một lúp xúp trong chiếc áo khoác rộng, khoe nụ cười răng sún, Nhi chợt thấy lòng chùng lại. 

Dường như Nhi sai rồi. Cô chỉ chăm chăm vào nỗi đau, sự thiệt thòi của mình và con mà quên rằng, ông cũng mất đi một người con trai; quên rằng, ông muốn để hai mẹ con lộ mặt sau đám tang để mọi người biết mặt cô; quên rằng ông không nhận giữ cháu có thể là để cô buộc phải dành thời gian cho con, cũng như sự bận rộn giúp cô kéo mình khỏi nỗi đau mất chồng… Mỗi người có cách quan tâm riêng, lo lắng riêng, ông nội đã chọn cách mà ông nghĩ là đúng. 

Huỳnh Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễnthioanh 04-08-2022 07:37:45

    Câu chuyện cảm động rơi nước mắt. Thương tất cả các nhán vật trong câu chuyện. Mừng vì người phụ nữ mất cha mất chồng ấy dù nỗi đau chồng chất vẫn có các nhìn thấu cảm với mọi người xung quanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh