“Anh ấy là vị tướng độc đáo”

04/11/2021 - 05:22

PNO - 45 năm bên nhau thủy chung son sắt, mặn nồng. Đó là chuyện tình của nữ bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Lại Thị Xuân và thượng tướng - viện sĩ - tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Hiệu.

Bến xe khách - nơi gặp gỡ tình yêu 

Mùa hè năm 1973, tại bến xe khách Yên Định, Hải Hậu, Nam Định, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu, anh lính từ chiến trường khốc liệt Quảng Trị, đứng xếp hàng mua vé về đơn vị sau chuyến thăm quê nhà. 

Cô Lại Thị Xuân sinh viên năm thứ tư trường Y ở Liên Xô vừa về thăm quê sau chuyến tàu hỏa 15 ngày và đêm từ Odessa. Cũng tại bến xe này, cô cùng chị gái xếp hàng mua vé đi Hà Nội, tiếp tục sang nước ngoài học hành.

Hiệu đã biết chị gái và anh trai của Xuân từ lâu, nhưng nay mới có dịp gặp cô em. “Thần giao cách cảm” như báo hiệu một điều kỳ diệu sắp xảy ra cho hai trái tim đầy nhiệt huyết. Được chị gái, anh trai cùng bạn bè tác thành nên hai tâm hồn của đôi trẻ tìm thấy sự đồng điệu qua những cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng nồng nàn. 

 

Trái tim của chàng trai trẻ rực lửa bỗng bừng lên xúc cảm ngọt ngào khi bắt gặp ánh mắt hiền dịu của người em gái cùng quê Nam Định. Anh hạnh phúc lâng lâng khi được người con gái xinh xắn trao đổi địa chỉ liên lạc.

Xuân là con út trong gia đình có bốn anh chị em. Cha là liệt sĩ lúc cô mới một tuổi. Mẹ cô tần tảo nuôi con lớn khôn trong gian khó và chính tuổi thơ khó nhọc ấy đã cho cô ý chí học tập mãnh liệt để vượt qua nghèo khó. Cô đạt được điểm cao trong cuộc thi tại Đại học Y khoa Odessa.

Định mệnh đã khiến xui họ gặp nhau tại bến xe khách. Sau đó nhân duyên ưu ái hơn cho anh lính trẻ khi anh Hiệu đến chơi nhà người anh ruột của Xuân, khi ấy làm việc ở Bộ Ngoại giao. Từ đây, tình cảm của đôi bạn trẻ được chắp cánh với những điều kiện gặp gỡ nhiều hơn. Những tháng ngày ấy cũng qua mau khi anh Hiệu tiếp tục công việc ở chiến trường, còn Xuân lên đường sang Liên Xô phát triển sự nghiệp. Họ bịn rịn chia tay nhau. 

Những cánh thư tình say đắm

Người lính trẻ mang trái tim đầy mộng mơ, yêu đời và yêu người con gái bé bỏng đang học tập ở phương trời xa. Tất cả những điều ấy được anh gửi gắm qua những bức thư tình say đắm. Mỗi khi đánh trận xong, trở về căn cứ, anh lại gói ghém cả thế giới vào lá thư gửi bạn gái.

Núi rừng Quảng Trị hun hút xanh, cảnh vật như hư như thực. Mùa nắng, mùa mưa, mùa khô, mùa lạnh… đều được anh phác họa bức tranh tả thực gửi tới người yêu ở phương xa. Có lần anh viết thư dày tới 20 trang kể về chiến trường, kể về những đêm hành quân mịt mù khói lửa, những giây phút lặng thắt xót xa về sự ra đi của đồng đội, về những ước mơ xa gần… 

Ngày đó, phải mất sáu tháng thư mới tới nơi, nên mỗi khi nhận thư người yêu là anh cảm thấy cả một bầu trời rực rỡ ngát hương, lấn át cả khói bom đạn.

Anh chia sẻ những bức thư từ người con gái phương xa cho anh em, đồng đội để niềm vui được nhân đôi. Điều ấy không những mang lại cho anh hạnh phúc mà còn lan tỏa đến đồng đội về một niềm tin và hy vọng ngày chiến thắng.

Cô sinh viên y khoa yêu chàng lính trẻ nhiệt huyết qua những bức thư nắn nót thấm đẫm tình quê với những tấm hình lãng mạn. Trái tim cô tan chảy xúc động khi ngắm hình ảnh bạn trai mặc quân phục, đội mũ tai bèo nơi chiến hào.

Mùa đông nước Nga lạnh tê tái nhưng cô luôn ấm áp bởi mang bên mình một tình yêu lớn. Họ đã yêu nhau như thế đó và những bức thư tình dày không thể kể xiết trong suốt ba năm (1973-1975). 

 

Hôn nhân đong đầy hạnh phúc

Năm 1976, cô sinh viên y khoa Lại Thị Xuân tốt nghiệp khóa học, trở về Tổ quốc. Anh chiến sĩ Hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính ở mặt trận, được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn. Từ đây anh lại có những dự định mới để cống hiến cho đất nước. 

Ngày cô trở về, anh hẹn đón cô ở cầu Kỳ Lừa (Lạng Sơn). Cách xa bao nhiêu ngày, gặp nhau tình cảm dồn nén. Mãnh liệt, háo hức, nồng nàn nhưng rất nghiêm túc. Anh chỉ dám nâng niu đôi bàn tay bé nhỏ của nữ bác sĩ tương lai, bốn mắt nhìn nhau nồng cháy. 

Ngày 16/8/1976, quả ngọt của mối tình yêu xa, vượt biên giới ấy là một đám cưới tại quê nhà, dưới sự chứng kiến của hai họ, bạn bè và đồng đội. Từ đây, chị luôn là người con hiếu thảo với cha mẹ đôi bên, là người vợ nhất mực dịu dàng và đảm đang bên chồng. Cuộc sống ban đầu của một anh hùng và bác sĩ gói gọn trong căn phòng Nhà nước phân chỉ rộng 9m2 tại Bệnh viện E, Hà Nội. Dẫu khó khăn, nhưng họ hạnh phúc. 

Thời bao cấp, thiếu thốn là chuyện của nhiều gia đình. Thương những người bạn, hàng xóm nghèo khó vất vả nên anh chị sẵn sàng chia sẻ cơm áo với họ. Dù ở thời kỳ nào, anh chị cũng tâm niệm “Thương người như thể thương thân” nên mọi người xung quanh quý mến, kính trọng. Cuộc sống của họ rất nhẹ nhàng. 

Anh chị luôn thống nhất trong nuôi dạy con cái với phương châm “Hiếu học, học giỏi và tôn sư trọng đạo”. Đến giờ điều ấy vẫn lan tỏa đến không chỉ các con, mà cả các cháu. Anh chị có hai con, hai cháu nội và hai cháu ngoại. Các con, các cháu đều thừa hưởng sự dạy dỗ chuẩn mực của anh chị nên đều thành đạt, hiếu thảo. 

Tình đồng hương chắp cánh cho tình yêu của ông bà
Tình đồng hương chắp cánh cho tình yêu của ông bà

Tuổi già thanh thản

Trải qua năm tháng, cô sinh viên năm nào giờ đã là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Lại Thị Xuân. Chàng lính năm xưa nhận các danh hiệu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cấp bậc thượng tướng, là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, viện sĩ, tiến sĩ khoa học quân sự. 

Khi được hỏi về bí kíp của cuộc hôn nhân bền lâu và hạnh phúc, ông Hiệu rạng rỡ chia sẻ: “Có được hôn nhân quả ngọt của ngày hôm nay chính là nhờ vợ - người phụ nữ luôn là hậu phương vững chắc cho chồng. Tôi luôn biết ơn người vợ tào khang, ghi nhận công lao vợ đã kiên tâm dạy dỗ con cái theo phong cách Nho giáo và khoa học”. 

Còn bà thì vui vẻ cho biết: “Hôn nhân hạnh phúc thật ra không có gì to tát, chỉ cần sự chia sẻ. Cả hai phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi và vì nhau. Anh ấy là một vị tướng độc đáo, 26 tuổi được nhận danh hiệu anh hùng, 40 tuổi được phong tướng nên luôn bận công việc tại đơn vị, hiếm có thời gian ở nhà.

Khi ấy, người vợ cần phải biết thông cảm. Lúc ở nhà, anh ấy luôn giúp đỡ vợ con, không nề hà việc gì. Anh ấy xách nước, giặt giũ, nấu nướng… Vợ chồng luôn bên nhau và có nhau trong mọi việc nên hôn nhân hạnh phúc bền vững”. 

Bà theo ông đi rất nhiều quốc gia
Bà theo ông đi rất nhiều quốc gia

45 năm tình yêu son sắt, mặn nồng. Ông đi công tác đối ngoại 67 quốc gia thì bà tham gia với tư cách là phu nhân đến 32 quốc gia. Nghỉ hưu năm 2011, ông vẫn làm việc tại văn phòng viện sĩ, tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho khoa học quân sự. 

Khi tuổi đã cao, ông bà vẫn cùng nhau tham gia trong các chuyến tri ân đồng đội, thăm chiến trường xưa, tham gia từ thiện. Họ luôn nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan để vui sống thanh thản như trong một dịp ông tâm sự: “Chúng ta bán tuổi rong chơi/ Chúng ta thanh thản sống đời hư vô”. 

Khánh Phương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI