Ăn sạch - từ từ bà chủ ơi!

28/10/2021 - 11:52

PNO - Nhà mình mấy hôm nay ăn theo phương pháp ẩm thực “eat clean”, chồng mất luôn vai trò đầu bếp.

Thường vợ đi làm về đã rất mệt, chuyện bếp núc là của chồng. Hai đứa con cùng thích món Việt, khẩu vị giống nhau. Anh nấu gì cũng được chúng khen tới tấp.

Nhưng giờ, căn bếp trở thành… phòng thí nghiệm. Anh giống cậu sinh viên năm nhất, đụng đâu cũng hỏng.


Hôm đầu tiên em ào về nhà với túi hoa quả đủ màu. Em nói chúng mình điều chỉnh chút thôi. Ngày xưa mỗi bữa một, hai món rau, giờ phải ăn rau đủ loại, đủ màu. Anh thấy cũng dễ. Em giảng tiếp, tinh bột vẫn ăn được, nhưng chỉ ăn tinh bột tốt. Gạo lứt, lúa mì, bánh mì đen… được ưu tiên. Riêng gạo và nếp xôi là tinh bột xấu, phải kiêng hẳn.

Đến đây anh đã bắt đầu thấy khó. Nhà anh ba đời ăn gạo trắng, đến đời con anh cũng vậy. Giờ em cắt phần, e phải… cần thời gian.

Mấy bữa ăn đầu, con cái ăn như chịu đựng. Đồ ăn sạch vẫn ổn, chỉ thiếu… cơm trắng. Mẹ chúng hẹn đến thứ Tư sẽ có cơm. Mỗi tuần chỉ được ăn một bữa, các bữa còn lại để tập quen với gạo lứt và các loại hạt.

Anh ý kiến, muốn sạch gì cũng phải từ từ. Cơm trắng xưa nay là linh hồn của bữa cơm, giờ muốn cắt cũng phải cắt dần dần. Em lừ mắt: “Chuyện bếp núc trong nhà ai là người được quyết, đàn ông hay đàn bà?”. “Ừ thì… phụ nữ”, anh nói.

Từ ngày ăn sạch, em vất vả hẳn. Bởi hễ bữa nào giao bếp cho anh cũng gặp hiện tượng “nêm thừa muối”, “cho đường không cần thiết”. Lượng muối và đường xưa nay anh nêm vẫn vậy, chỉ là giờ đang theo “eat clean”, nó phải… khác.

 

Sáng nào em cũng phải dậy sớm, ngâm đủ loại hạt, để gối đầu. Hôm nay nấu loại này thì mai nấu loại khác, đổi vị. Nhưng con cái không nhận ra nỗ lực đó. Tụi nhỏ phụng phịu: “Con không ăn được xôi đậu”. Có đứa kiên quyết, món xôi nào mỗi tháng con chỉ ăn tối đa hai lần! “Xôi đậu” con nói, tức là mấy loại cơm hạt kê, gạo lứt độn hạt toàn tinh bột tốt. Nhưng dù mẹ phối hợp kiểu gì, nó cũng ra “xôi đậu”.

Chuyện nấu nướng bây giờ rất… hại não. Buổi sáng - buổi trưa - buổi tối em đều có những lưu ý chi tiết cho anh về việc lựa chọn nhóm chất. Anh lơ tơ mơ là… hỏng. Có bữa, buổi tối anh làm hai món thịt. Em ngồi vào bàn là không vui. Trong lúc mấy đứa nhỏ mừng như gặp lại bạn cũ thì em thở dài: “Bữa tối sao lại ăn thịt đỏ, mà đến tận hai món. Cơm thì lại toàn gạo trắng, hạt độn như chỉ để… điểm danh. Tỷ lệ cơm thế này là chưa chuẩn…”. 

Tụi nhỏ lao nhao bênh bố: “Hôm nay là thứ Tư, là ngày “ăn bẩn” mà mẹ! Mẹ ăn mấy món kia đi”. Mấy món kia là đậu hũ hấp và rau luộc ngũ sắc, đúng chuẩn “eat clean”. Tụi nhỏ còn lý luận thêm: “Ăn uống là phải thấy ngon chứ mẹ!”.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Anh như bị… chia hai. Nửa xót vợ tâm huyết với sức khỏe gia đình, nửa thương tụi nhỏ, vì đang yên đang lành thì bị… sốc cơm nhà. Nhưng em nhanh chóng đập tan luận điểm của tụi nhỏ: “Ăn là vì sức khỏe! Chính vì để khẩu vị sai khiến nên người ta mới rước bệnh vào người!”. Anh lẹ làng nháy mắt với con. Lỡ rồi, ngoan ngoãn mà ăn “bữa cơm khẩu vị” đi, từ từ rồi… thích nghi tiếp.

Nhưng anh lo thừa. Vì em đã có các biện pháp mạnh hơn. Em chuyển chỗ gạo trắng bà gửi định kỳ sang một địa điểm từ thiện. Rồi em tuyên bố, từ nay anh không phải nấu ăn nữa!

Anh được nhàn thân mà không có cảm giác “giải phóng”. “Eat clean” có thể là một lựa chọn tốt. Nhưng không có sự thay đổi nào nên bắt đầu bằng một cú sốc, đặc biệt khi nó là thay đổi trong chính bữa cơm thân yêu có quá nhiều thói quen của căn bếp nhà mình.

Từ từ thôi, bà chủ ơi! 

Gia Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI