Âm nhạc trị liệu trẻ tự kỷ

13/03/2024 - 10:44

PNO - Âm nhạc trị liệu là sự kết hợp đa ngành giữa âm nhạc và y học trong trị liệu nhằm cải thiện sức khỏe và các chức năng của cơ thể.

Từ giữa đến cuối tháng 3/2024, HiFuture Project và TPLEX phối hợp tổ chức chuỗi chuyên đề hỗ trợ can thiệp sớm và hướng nghiệp. HiFuture Project là Dự án hỗ trợ kỹ năng và hướng nghiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, thuộc dự án Tìm lại ước mơ. TPLEX là Trung tâm Đào tạo và phát triển tài năng (quận 7, TPHCM). Chương trình không thu phí tham dự.

PGS – TS – TTND – NS Nguyễn Văn Thọ và NSƯT Hoàng Điệp tại buổi chuyên đề Âm nhạc trị liệu
PGS TS Nguyễn Văn Thọ và NSƯT Hoàng Điệp tại buổi chuyên đề Âm nhạc trị liệu

Chuỗi chuyên đề gồm: Chúng ta tự giúp mình an, Những điều rối ren (các vấn đề hòa nhập - hướng nghiệp) - ngày 15/3, Trao niềm tin cho con - 16/3, Nấu ăn cùng con - 17/3, Liệu pháp Lego - 23/3, Vận động cùng con - 23/3, Hướng nghiệp - 30/3, Tự lập để hướng nghiệp - 30/3, Vận động cùng con - 31/3...

Mở đầu chuỗi chuyên đề là chương trình Âm nhạc trị liệu, diễn giả là PGS TS Nguyễn Văn Thọ và NSƯT Hoàng Điệp - thạc sĩ, nhạc trưởng, chuyên gia về âm nhạc trị liệu thực nghiệm.

NSƯT Hoàng Điệp chia sẻ, tự kỷ là một rối loạn của não bộ mang tính suốt đời. Hội chứng tự kỷ có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và phương thức trị liệu. Can thiệp càng sớm trước 3 tuổi có thể làm giảm dấu hiệu về tự kỷ.

Mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể độc lập không có sự trùng lặp. Mục tiêu điều trị là quan sát, tìm ra mô hình can thiệp phù hợp cho mỗi cá thể. 

Âm nhạc trị liệu là sự kết hợp đa ngành giữa âm nhạc và y học trong trị liệu, là cách sử dụng âm nhạc nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và các chức năng của cơ thể. Trị liệu bằng âm nhạc là một liệu pháp sáng tạo nghệ thuật, không dùng thuốc và không bị phản ứng phụ.

NSƯT Hoàng Điệp thực hành bài tập âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ
NSƯT Hoàng Điệp thực hành bài tập âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ

Tâm đắc với phương pháp âm nhạc trị liệu, PGS TS Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Khi hoạt động âm nhạc, tri giác về những khía cạnh cụ thể của âm nhạc có thể giúp trẻ bỏ qua ngôn ngữ lời nói và có thể thỏa mãn những nhu cầu diễn tả của trẻ không bằng lời nói. Âm nhạc giúp trẻ tự kỷ “đi tắt” trên con đường phát triển nhận thức, bỏ qua tư duy trừu tượng thông qua ngôn ngữ lời nói - vốn khó khăn với trẻ. Với âm nhạc trị liệu, có thể sử dụng âm nhạc đệm cho múa. Các nhạc cụ như: piano, organ điện tử, guitar, các loại đàn dây, chuông chùm (chime bar), trống lớn, nhạc cụ hơi…”.

Đắm mình trong buổi hòa nhạc vui nhộn với đủ loại nhạc cụ, kể cả những nhạc cụ không đụng hàng như lục lạc, những tờ giấy A4, đồ đấm lưng... do NSƯT Hoàng Điệp sáng chế, chị Kim Huyền (một phụ huynh ở quận 6, TPHCM) hào hứng chia sẻ: “Trước đây nghe âm nhạc trị liệu, tôi có cảm giác xa vời và khó  tiếp cận. Giờ đây, với sự dẫn dắt của thầy Thọ, cô Điệp, tôi và con tôi thấy thật gần gũi, vui tươi. Âm nhạc tạo không khí cởi mở, thoải mái, giúp cho cả mẹ và con phấn chấn, dễ dàng vượt qua những rào cản giao tiếp với người bên cạnh”.

NSƯT Hoàng Điệp hướng dẫn bài tập âm nhạc trị liệu tay cho người quan tâm

Cùng với câu chuyện truyền cảm hứng của chị Tô Thụy Diễm Quyên (từng được chẩn đoán là trẻ rối loạn phổ tự kỷ, nay trở thành chuyên gia giáo dục - công nghệ thông tin nổi tiếng), phụ huynh có niềm tin hơn, lạc quan hơn, cảm thấy hành trình của mình không đơn độc. Phụ huynh chủ động kết nối với nhau, với chuyên gia để học hỏi và chia sẻ kiến thức bổ ích cũng như hỗ trợ tâm lý cho nhau...

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI