Ai muốn tết thảnh thơi kệ họ, tôi chỉ thích tết bày vẽ

28/01/2022 - 23:03

PNO - Cứ sang tháng cuối năm, các con đã bắt đầu hỏi: tết năm nay làm mứt gì hả mẹ, có làm bánh thuẫn không, mua cành đào hay cây quất… làm tôi cũng nôn nao chờ tết.

Những ngày cuối tháng Chạp dù công việc bận rộn tất bật nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian buổi tối để làm mứt tết. Hai đứa con háo hức phụ mẹ, lăng xăng rửa cà rốt, gọt bí đao rồi đảo mứt trên bếp. Tôi luôn tự tay nấu những mâm cỗ, trang trí nhà cửa chứ không mua sẵn hay thuê dịch vụ.

Chồng tôi thấy thế bảo: “Tết có mấy ngày đâu mà em bày vẽ cho mệt người”. Nhưng ngược lại, tôi chẳng thấy mệt, thậm chí rất vui, cảm giác bận rộn đưa tôi trở về những ngày tết xưa. Hơn hết, tôi muốn giữ cho con những kỉ niệm thật vui về tết như tôi đã từng có.

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình tam đại đồng đường vì bố làm con trưởng nên không khí tết được giữ nguyên vẹn. Mỗi khi tết về, bà và mẹ luôn chuẩn bị mọi thứ tươm tất. Bà bảo: “Phụ nữ là linh hồn của gia đình, phải biết thu vén chu toàn thì mới trong ấm ngoài êm”.

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình tam đại đồng đường ất coi trọng và luôn giữ cho mình những điều thiêng liêng về tết
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình tam đại đồng đường nên rất coi trọng và luôn giữ cho mình những điều thiêng liêng về tết. Ảnh minh họa

Những món ăn tết của bà luôn có vị riêng đặc biệt không thể lẫn vào đâu được. Bà nói, nếu người nấu dành hết tình cảm, sự quan tâm khi nấu thì nhất định sẽ có những món ăn ngon. Mâm cỗ tết ở nhà tôi bao giờ cũng đủ các món truyền thống, cả nhà tất bật chuẩn bị tết vào đầu tháng Chạp.

Trải qua một tuổi thơ ngọt ngào, tôi rất coi trọng và luôn giữ cho mình những điều thiêng liêng về tết. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác thích thú chờ đợi để được mặc bộ quần áo mới vào đêm giao thừa. Nó là kết quả một năm chắt chiu tem phiếu của bố mẹ. Mẹ đã đưa tôi đi may đo từ nhiều tháng trước, áo quần được giặt rồi cất cẩn thận trong tủ. Mùi long não hòa với mùi xà phòng ngai ngái vương trên bộ đồ tết những năm tháng đó vẫn đọng mãi trong kí ức của tôi.

Đêm 30 tết, cả nhà quây quần canh nồi bánh chưng, ông bà luôn dặn tôi ngủ sớm để thức dậy đón giao thừa. Trong cơn mơ màng của giấc ngủ, tiếng pháo đầu năm làm tôi tỉnh giấc, háo hức nhận lì xì, thích thú mở hộp mứt bánh trên bàn để lấy mấy viên kẹo bi màu trắng.

Năm đầu tiên về nhà chồng, tôi rất hụt hẫng khi tết đến vì cứ nghĩ sẽ tươm tất như nhà mình. Nhưng không, ba mẹ chồng kinh doanh, tận giao thừa vẫn còn cộng trừ sổ sách tính toán và đón tết qua loa. Vào năm sau, khi tôi kể tết nhà mình và mong muốn sẽ được chuẩn bị tết như thế thì chồng bảo: “Nhà anh trước giờ không rườm ra như vậy, mỗi nhà có một cách đón tết riêng”.

Ba năm sống chung với ba mẹ chồng, tết đơn giản chỉ làm một mâm cúng chay lúc giao thừa là xong. Sau này ra ở riêng, tôi quyết tâm giữ vị tết cho con khi bắt tay vào chuẩn bị tết từ đầu tháng Chạp. Tôi lên kế hoạch dọn dẹp, lập danh sách những thứ cần mua cho tết.

tôi muốn giữ cho con những kỉ niệm thật vui về tết như tôi đã từng có.
Tôi muốn giữ cho con những kỉ niệm thật vui về tết như tôi đã từng có. Ảnh minh họa

Quan trọng nhất là chuẩn bị thực phẩm, bây giờ tết không phải lo tích trữ như xưa và đồ ăn thì phong phú, ăn uống cũng hài hòa hơn. Ngoài những món ăn truyền thống để làm cỗ, tôi bổ sung thêm những món phù hợp với khẩu vị gia đình, phối hợp thực phẩm sao cho hài hòa không ngán, không để đồ bị thừa quá nhiều.

Hàng năm, bố mẹ vẫn đều đặn gửi cây mùi già, bánh chưng và giò xào, măng khô… lên cho gia đình tôi. Chiều 30 tết, tôi nấu một nồi nước mùi già để cả nhà tắm rửa. Mọi thứ đều được chuẩn bị tươm tất trước giờ đón giao thừa.

Điều làm tôi vui nhất chính là sự háo hức của hai đứa con, con trai đã biết dọn dẹp trang trí nhà cửa, con gái biết bày mâm cỗ cúng tết. Cứ sang tháng cuối năm, các con đã bắt đầu hỏi: tết năm nay làm mứt gì hả mẹ, có làm bánh thuẫn không, mua cành đào hay cây quất… làm tôi cũng nôn nao chờ tết và như được sống lại cảm xúc thời thơ bé.

Vũ An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI