5 câu nói làm hủy hoại hôn nhân

13/04/2016 - 20:00

PNO - Hôn nhân là thứ mong manh. Vì vậy, hãy cẩn trọng với nó, bắt đầu từ chính cách chúng ta trò chuyện với nhau.

Có rất nhiều thứ có thể đe dọa sự yên bình của một gia đình: áp lực tài chính, người bạn đời thiếu chung thủy, ham muốn kiểm soát,... Tất cả những điều này đều lấy đi nhiều nỗ lực và thời gian của các cặp vợ chồng.

Tuy nhiên, có một thứ có thể thay đổi chất lượng cuộc hôn nhân gần như ngay lập tức, đó là cách vợ chồng nói chuyện với nhau hàng ngày. Nếu muốn tránh những cuộc tranh cãi, hãy cố gắng loại bỏ những cụm từ dưới đây ra khỏi từ điển.

1. Anh/em lúc nào cũng/không bao giờ...

Đừng bao giờ bắt đầu câu nói bằng cụm từ này cho dù ở thời điểm đó bạn chỉ muốn ném chúng về phía người bạn đời. Đó là sự buộc tội gay gắt khi nói với chồng hay vợ rằng "anh không bao giờ nghe em nói gì", hay "lúc nào anh cũng đi làm về muộn". Trên thực tế, lời buộc tội đó là không đúng, nó chỉ là sản phẩm của sự tức giận. 

Thay vì sử dụng cụm từ này, bạn hãy hít một hơi thật sâu và nói một câu nhẹ nhàng hơn như: "Đôi lúc em cảm giác anh không lắng nghe hoặc không hiểu đúng những gì em nói. Anh có thể chú ý hơn được không? Đó là điều quan trọng đối với em".  Hoặc "Em biết những giờ làm thêm khiến anh vất vả. Điều đó cũng ảnh hưởng tới gia đình chúng ta. Có lẽ anh và em nên tìm cách để cả hai có nhiều thời gian hơn cho gia đình".

5 cau noi lam huy hoai hon nhan
Ảnh minh họa. Nguồn: she-find

2. "Có một phòng gym mới mở. Anh/em nên đăng ký ngay đi".

Câu nói này có trọng lượng ngang với một cú tát, ám chỉ bạn đang không hài lòng về cơ thể của người bạn đời. Đừng bao giờ nói gì tiêu cực về cơ thể người bạn vẫn ôm ấp mỗi tối.

3. Nếu thực sự yêu, anh/em đã...

Câu nói này giống như một cái bẫy. Nó truyền đạt thông điệp anh/em thật ích kỷ khi không làm điều gì đó. Trên thực tế, không chỉ cảm thấy bị chỉ trích, người nghe có cảm giác ngược lại rằng người nói mới là người ích kỷ bởi họ đòi hỏi và không coi trọng cảm xúc của đối phương.

Có thể có rất nhiều lý do khiến chồng hay vợ bạn không thực hiện hành vi mong muốn. Hãy nhớ rằng không ai muốn bị ép phải làm điều gì. Nếu đó là việc ảnh hưởng tới cả hai, tốt hơn hãy thảo luận để đưa ra quyết định chung chứ đừng đòi hỏi nhân danh "tình yêu".

4. Anh/em là đồ...

Đây là người bạn đời/bạn tâm tình/người đầu gối tay ấp của bạn. Ngay cả khi bạn thấy sự sỉ nhục đó là xứng đáng cũng dừng ngay lại. Hãy có cách cư xử đúng đắn hơn. Đừng phản ứng lại trong các cuộc tranh cãi, hãy cố gắng tránh nó bằng những câu như "Em biết anh không có ý đó. Hãy nói về chuyện này khi chúng ta bình tĩnh hơn", "Lời nói đó làm em tổn thương. Khi nào anh sẵn sàng nói chuyện với thái độ tôn trọng hơn, chúng ta hãy quay lại chủ đề này".

5. "Chồng/vợ A vẫn làm..."

So sánh tạo ra sự phẫn uất và cảm giác không thỏa đáng. Trước khi định nói điều này, hãy nhớ rằng đó là người bạn chọn để gắn bó cả đời, vì vậy, hãy yêu sự lựa chọn của mình. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chấp nhận những thói hư tật xấu của đối phương. Tuy nhiên, cách bạn nói với người bạn đời sẽ đem lại cho họ cảm giác bình yên, muốn được ở bên hay tránh xa bạn.

Thay vì so sánh, bạn có thể diễn giải cảm xúc của mình bằng câu nói như: "Anh biết điều gì làm em cảm giác được yêu thương không? Đó là khi anh giúp em rửa bát/giúp con làm bài tập/tắm cho con...".

Hôn nhân là thứ mong manh. Vì vậy, hãy thận trọng với nó, bắt đầu từ chính cách vợ chồng trò chuyện với nhau. Tông giọng không đúng mực, sử dụng sai từ ngữ hay để sự tức giận bùng phát có thể làm tổn thương hôn nhân hơn chúng ta tưởng. F. Burton Howard - chuyên gia về hôn nhân, gia đình nổi tiếng người Mỹ - có câu: "Nếu muốn thứ gì đó tồn tại mãi mãi, hãy đối xử với nó theo cách khác biệt".

Phương Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI