4 lý do khiến trẻ sợ đến trường

18/09/2017 - 10:26

PNO - Khi trẻ sợ không muốn đến trường, phụ huynh (PH) thường sẽ cố động viên, hết kiên nhẫn thì quát mắng, thậm chí dùng biện pháp mạnh như lôi kéo, ép trẻ lên xe chở đến trường.

Những biện pháp trên có thể gây sốc cho trẻ. Lẽ ra, PH phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có cách khắc phục thích hợp.

Trẻ sợ đơn giản chỉ vì... sợ:

Nỗi sợ dạng này chỉ xảy ra với những học sinh mới lần đầu đến trường. Trẻ sẽ bắt đầu một cuộc sống khác hẳn những gì đã quen thuộc: bạn, những người mới, quy tắc ứng xử mới… Để giải tỏa giúp trẻ, nếu trẻ không có anh chị em, PH nên mời bạn bè có con đã đi học tiểu học đưa con đến nhà mình chơi.

4 ly do khien tre so den truong
Ảnh minh họa

Tạo điều kiện cho bọn trẻ kể về các bài học, về giáo viên, về bạn học... PH cũng có thể kể  cho con nghe về những kỷ niệm thời đi học của mình, trẻ sẽ bình tĩnh hơn khi biết chính cha mẹ cũng từng trải qua nỗi sợ tương tự.

Trẻ sợ bạn cùng lớp:

Nếu trẻ vào lớp Một mà chưa qua mẫu giáo, trẻ có thể gặp phải vấn đề trong giao tiếp, sợ gặp bạn cùng lớp, sợ cảm giác không thoải mái khi tiếp xúc với mọi người. PH có thể cho trẻ chơi trò chơi “ở trường”: quan sát xem trẻ có đặt tên các món đồ chơi bằng tên bạn học hay không và nếu thấy giữa những đồ chơi đó nảy sinh xung đột, thì đó chính là một cách thể hiện nỗi ám ảnh của trẻ với những người bạn.

Nếu PH từng có vấn đề tương tự trong thời thơ ấu của mình, thì nên tìm hiểu những tài liệu về tâm lý để tìm biện pháp khắc phục hành vi của con. Nếu trẻ đã học lớp Hai, lớp Ba nhưng vẫn còn nỗi sợ đó, là dấu hiệu cho thấy bạn cùng lớp đã khiến trẻ sợ hãi. Lúc này, PH nên cùng trẻ đi xem phim, đi bộ, tổ chức các ngày hội và các bữa tiệc cho trẻ.

Trẻ sợ giáo viên:  

PH nên làm quen trước với giáo viên đầu tiên của con mình. Nếu khi tiếp xúc, PH có cảm giác lo lắng với cách hành xử của giáo viên đó thì phải tìm mọi cách làm rõ vấn đề, ví dụ như tìm hiểu ý kiến của các PH khác về giáo viên đó, chẳng hạn. Nếu những nỗi sợ hãi được xác nhận, tốt nhất là PH nên chuyển con sang lớp khác, thậm chí trường khác.

Cũng có khi, trẻ gặp khó khăn với một môn học nào đó nên bị giáo viên cho điểm thấp, khiến trẻ phát sinh ám ảnh về sự không thành công và những đánh giá xấu về mình của giáo viên. PH phải trò chuyện với trẻ, cố gắng tách sự thất bại của trẻ khỏi hình ảnh của giáo viên. Ví dụ: "Cô cho con điểm xấu không phải vì ghét con mà chỉ vì con làm bài không đúng".

PH phải biết động viên khi con thất bại và khen ngợi nếu con có thành tích trong các lĩnh vực khác. Những điều đó rất quan trọng, giúp trẻ nhận ra mình có thể thành công trong một việc gì đó và không mất toàn bộ hứng thú với việc học.

Trẻ sợ vì cảm nhận được là cha mẹ cũng sợ:

Những ký ức tiêu cực về trường học, sự lo lắng thái quá của cha mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tự tin của trẻ. Nếu chữ "trường học" được phát âm với tần số báo động liên tục ở nhà, nó chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí trẻ.

Nhiều PH thường xuyên nhắc nhở con về kỷ luật ở trường, về những khó khăn trong việc học, thậm chí còn tỏ ra thương xót vì con phải đi học… Những điều đó có thể gây nên tâm lý sợ hãi việc đi học của trẻ. Trong trường hợp này, PH phải tự điều chỉnh bản thân, gạt bỏ những nỗi sợ bên trong của mình.

Khi con đi học về, hãy hỏi những chuyện tốt đẹp hay buồn cười mà con gặp ở trường. PH cũng cần lưu ý không nên chỉ nói về những thuận lợi và tốt đẹp về trường học. Điều quan trọng nhất là làm sao cho trẻ hiểu, luôn có cách vượt qua khó khăn.

Thúy Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI