10 sự kiện thế giới nổi bật của năm 2020: Nhân loại bị ám ảnh bởi đại dịch

28/12/2020 - 06:04

PNO - Chỉ còn vài ngày nữa là thế giới từ biệt năm 2020, một năm đáng nhớ với đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, khiến nền kinh tế suy sụp và làm gần 2 triệu người thiệt mạng. Sau đây là 10 sự kiện đáng chú ý nhất của năm 2020.

10. Thượng viện Mỹ luận tội Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Donald Trump bắt đầu năm mới với tư cách là tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội, cùng với Andrew Johnson và Bill Clinton. Hạ viện Mỹ đã luận tội ông Trump với hai tội danh: lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.

Phiên tòa luận tội tại Thượng viện khai mạc ngày 16/1, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts là chủ tọa. Có lẽ khía cạnh đáng chú ý nhất của phiên tòa là sau khi nghe những người quản lý Hạ viện và nhóm bào chữa của Trump thuyết trình mở đầu, Thượng viện đã bỏ phiếu không gọi nhân chứng hoặc đưa ra trát đòi hầu tòa.

Vào ngày 5/2, Thượng viện tuyên bố trắng án cho ông Trump về cả hai tội danh. Ngày hôm sau, ông Trump tuyên bố chiến thắng, nói rằng phiên tòa chống lại ông là kế hoạch "xấu xa" từ phái đảng Dân chủ.

Tổng thống Trump phát biểu bên cạnh bài báo về việc luận tội ông
Tổng thống Trump phát biểu bên cạnh bài báo về việc luận tội ông

9. Vụ nổ san bằng cảng Beirut, thủ đô Lebanon 

Vào ngày 4/8, một lượng lớn amoni nitrat được lưu trữ thiếu an toàn tại cụm cảng của thành phố Beirut - thủ đô của Lebanon, đã phát nổ. Vụ việc khiến ít nhất 204 người chết, 6.500 người bị thương, thiệt hại tài sản 15 tỷ USD, và ước tính khoảng 300.000 người người mất nhà cửa.

Quang cảnh hoang tàn tại khu cảng phủ bóng đen lên an ninh lương thực ở một quốc gia vốn đang bị bao vây bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Phần lớn lượng thực phẩm nhập khẩu (vốn chiếm đếm 85% nhu cầu của quốc gia) được vận chuyển qua cảng Beirut. Không chỉ vậy, vụ nổ đã phá hủy 120.000 tấn ngũ cốc dự trữ giữ tại cảng.

Ngay sau đó, Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ nổ thông qua việc chuyển phát 150.000 gói thực phẩm đến Beirut. Đồng thời, nhiều quốc gia trên thế giới cũng gửi hàng hóa đến viện trợ cho Lebanon.

Vụ nổ ở cảng Beirut vào ngày 4/8 khiến quốc gia rơi vào khủng hoảng
Vụ nổ ở cảng Beirut vào ngày 4/8 khiến quốc gia rơi vào khủng hoảng

8. Căng thẳng bùng phát giữa Iran và Mỹ

Hiềm khích giữa Tehran và Washington vẫn tồn tại sau 4 thập kỷ. Vào ngày 3/1, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết Qasem Soleimani, thủ lĩnh Lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, ngay sau khi ông này đến Baghdad.

Iran trả đũa trong hai tháng tiếp theo bằng các cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ của Mỹ ở Iraq, khiến hàng chục lính Mỹ bị thương và nhiều người Iraq thiệt mạng. Căng thẳng bùng phát trở lại vào tháng 4 khi một số tàu cao tốc của Iran quấy rối tàu chiến của Mỹ ở Vịnh Ba Tư.

Căng thẳng lại gia tăng vào cuối tháng 11 khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị Israel ám sát. Iran đáp trả bằng cách rời bỏ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

7. Anh, EU đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit

Vào đêm Giáng sinh, sau gần 9 tháng đàm phán gay gắt, Vương quốc Anh (Anh) và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận định hình lại quan hệ thương mại trong tương lai, sau khi giai đoạn chuyển tiếp để Anh rời EU kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Thỏa thuận giúp cung cấp nền tảng pháp lý để Anh và EU tránh được “cuộc chia tay hỗn loạn” và đảm bảo rằng dòng chảy hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD sẽ tiếp tục giữa Anh và 27 thành viên EU.

Thỏa thuận thương mại - dài tới 2.000 trang - có quy mô chưa từng có, bao gồm các điều khoản về các chủ đề từ hợp tác hạt nhân dân dụng và kết nối năng lượng, đến đánh bắt cá và hàng không. Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất quá trình Brexit, gần 5 năm sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Anh và EU cuối cùng cũng có một thỏa thuận chia tay tạm gọi là êm đẹp
Anh và EU cuối cùng cũng có một thỏa thuận chia tay tạm gọi là êm đẹp

6. Hiệp định Abraham và hòa bình Trung Đông

Một điểm sáng trong năm 2020 đến từ Trung Đông. Vào ngày 13/8, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố họ đã giúp môi giới một thỏa thuận trong đó Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) công nhận Israel để đổi lại cam kết của Israel từ bỏ, ít nhất là sáp nhập lãnh thổ ở Bờ Tây.

Vào ngày 11/9, Bahrain tuyên bố sẽ tham gia thỏa thuận này. Bốn ngày sau, ông Trump tổ chức buổi lễ ký kết Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng và bày tỏ hy vọng rằng chúng sẽ dẫn đến “hòa bình thực sự ở Trung Đông”. Sudan tham gia thỏa thuận vào tháng 10, và tiếp theo là Morocco vào tháng 12.

Khi năm 2020 kết thúc, những suy đoán vẫn tiếp tục về việc liệu Ả Rập Saudi có tham gia hiệp định hay không. Tuy hiệp định quan trọng, nhưng nó không giải quyết vấn đề cốt lõi trong các nỗ lực xây dựng hòa bình ở Trung Đông - xung đột giữa người Israel và người Palestine.

5. Cái chết George Floyd

Phân biệt chủng tộc được xem như bản chất của nước Mỹ. Vào ngày 25/5, George Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi, bị bắt tại Minneapolis vì bị cáo buộc sử dụng tờ 20 USD giả.

Một trong những cảnh sát đã đè đầu gối vào cổ Floyd trong 8 phút 15 giây, giết chết anh ta. Cái chết của Floyd dưới bàn tay của các sĩ quan có nhiệm vụ “bảo vệ và phục vụ” là giọt nước làm tràn ly, sau hàng trăm vụ cảnh sát sát hại người Mỹ da màu tương tự, bao gồm Trayvon Martin, Tamir Rice và Breonna Taylor.

Video về vụ giết Floyd gây ra các cuộc biểu tình trên khắp Mỹ và khơi mào cho cuộc xung đột kéo dài về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Thậm chí các cuộc biểu tình, đối thoại về công lý và bình đẳng đã vượt xa biên giới của nước Mỹ. Từ Paris đến Nairobi hay Rio de Janeiro, người dân xuống đường để phản đối cái chết của Floyd và nêu bật sự bất bình đẳng về chủng tộc tại chính quốc gia họ.

Những cuộc biểu tình Black Lives Matter - BLM nổ ra khắp thế giới theo sau cái chết của George Floyd
Những cuộc biểu tình "Black Lives Matter - BLM" nổ ra khắp thế giới sau cái chết của George Floyd

4. Biến đổi khí hậu

Năm 2020 bắt đầu với việc Úc trải qua mùa hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, với khoảng 6% đất nước chìm trong biển lửa và gần ba triệu động vật bị giết.

Miền Tây nước Mỹ cũng phải đối mặt với những trận cháy rừng kỷ lục tương tự vào cuối năm. Các khu vực khác của Mỹ, Trung Mỹ và Đông Nam Á hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới khổng lồ. Trong khi đó, một đợt hạn hán kéo dài ở Tây Nam Mỹ có thể là tồi tệ nhất trong vòng 1.200 năm, và sa mạc Sahara tiếp tục phát triển.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã triệu tập cuộc họp vào tháng 12 để đánh dấu kỷ niệm 5 năm Hiệp định Khí hậu Paris và đưa ra những cam kết ấn tượng nhằm hướng tới một thế giới không có carbon. Tuy nhiên, những lời hứa đó dễ nói hơn làm.

Hình ảnh chú kangaroo trốn chạy giữa đám cháy rừng tại Úc
Hình ảnh chú kangaroo trốn chạy giữa đám cháy rừng tại Úc

3. Trung Quốc trỗi dậy

Ý tưởng rằng sức ép kinh tế sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh trở thành “một bên liên quan có trách nhiệm” trong chính trị thế giới, xem chừng đã sụp đổ vào năm 2020.

Vào đầu năm 2020, các quan chức Trung Quốc leo thang chính sách ngoại giao “chiến binh sói”, tấn công mạnh mẽ (và phi lý) vào các quốc gia và cá nhân mà họ tin rằng coi thường Trung Quốc.

Vào tháng 4, Trung Quốc trả đũa lời kêu gọi của Úc về việc điều tra nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19 bằng cách phát động một cuộc chiến thương mại.

Vào giữa tháng 6, vài ngày sau khi một thỏa thuận được ký kết nhằm giảm bớt tình trạng bất ổn ở biên giới với Ấn Độ, quân đội Trung Quốc khơi mào các cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Nhiều tuần sau đó, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông nhằm bóp chết phong trào ủng hộ dân chủ. Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng trong các giao dịch với Đài Loan khi chính quyền Trump tăng cường mối quan hệ với hòn đảo.

Trong suốt một năm, Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Hoa Đông và thậm chí gửi cả “đội tàu đánh cá quái vật” đến châu Phi và châu Đại Dương để tạo sức ép với các nước quanh khu vực.

2. Ứng viên Joe Biden giành chức Tổng thống Mỹ

Người Mỹ cực kỳ quan tâm về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bằng chứng là hơn 159 triệu người đã bỏ phiếu. Con số này tương đương với 66,7% cử tri đi bỏ phiếu, cao nhất kể từ năm 1900.

Hơn 100 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, lần đầu tiên trong lịch sử có nhiều người bỏ phiếu trước ngày bầu cử hơn là trong ngày bầu cử.

Quy mô của cuộc bỏ phiếu qua thư và một số bang cạnh tranh dẫn đến việc phải đến ngày 7/11, bốn ngày sau ngày bầu cử, truyền thông mới gọi tên ông Joe Biden là người chiến thắng.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump từ chối nhượng bộ. Một mực khẳng định mình đã thắng, ông Trump yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số bang, cáo buộc gian lận bầu cử quy mô lớn và đệ đơn kiện lên tòa án bang và liên bang để lật ngược kết quả. Dù vậy, không nỗ lực nào của ông được đền đáp. Vào ngày 14/12, cử tri đoàn chính thức xác nhận ông Biden giành chiến thắng.

Ông Biden đã giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ
Ông Biden đã giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống "chưa từng có tiền lệ" của nước Mỹ

1. Đại dịch COVID-19

Một loại virus tưởng chừng nhỏ bé có thể định hình lại thế giới. Ít người chú ý khi tin tức xuất hiện vào tháng 12/2019 rằng Trung Quốc bắt đầu theo dõi sự bùng phát của một loại virus mới gây viêm phổi, hoặc thậm chí vào ngày 11/1 sau khi Trung Quốc báo cáo cái chết đầu tiên vì căn bệnh này. Gần một năm sau, COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân toàn cầu.

Vào tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tới 10% dân số thế giới đã mắc COVID-19; vào cuối năm, gần 2 triệu người sẽ chết vì căn bệnh này. Khi các quốc gia thực hiện các biện pháp đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng và tỷ lệ nghèo đói tăng vọt.

Sau 1 năm xuất hiện, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát đại dịch COVID-19
Một năm sau khi đại dịch COVID-19 phùng phát, thế giới vẫn chưa thể kiểm soát nó 

Các tranh luận sẽ tồn tại trong nhiều năm về lý do tại sao cuộc khủng hoảng lan rộng, mà dường như bắt nguồn từ sự lãnh đạo kém, ưu tiên đảng phái chính trị và sự thiếu tin tưởng vào chính phủ. Năm 2020 kết thúc với tin tức tích cực khi vắc-xin CPVID-19 được phê duyệt trong thời gian kỷ lục. Những thách thức bây giờ là phân phối chúng một cách rộng rãi và công bằng, trong khi chuẩn bị một kế hoạch tốt hơn để ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI