10 cuộc xung đột có thể tiếp diễn trong năm 2021

02/01/2021 - 06:01

PNO - Thế giới năm 2021 sẽ bị ám ảnh bởi những di sản để lại của năm 2020, bao gồm chiến tranh và xung đột.

Từ lâu, các nhà lập pháp đã có niềm tin cốt lõi rằng, nếu không có các giải pháp chính trị công bằng, thì phương án quân sự có xu hướng được lựa chọn nhiều hơn. Nhiều người trên toàn cầu đã trải qua năm 2020 trong lo âu, háo hức chờ đợi nó kết thúc. Nhưng như danh sách các xung đột cần theo dõi sau đây cho thấy, cái bóng dài của chiến tranh sẽ còn tồn tại.

1. Afghanistan

Mặc dù có những tiến bộ nhỏ nhưng quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình, rất nhiều điều có thể xảy ra với Afghanistan vào năm 2021.

Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia vào một chiến dịch liên tục chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo ở huyện Achin của tỉnh Nangarhar vào ngày 25/11/2019
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia một chiến dịch liên tục chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo ở huyện Achin của tỉnh Nangarhar vào ngày 25/11/2019

Sau gần hai thập niên chiến đấu, chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận với lực lượng nổi dậy Taliban vào tháng 2/2020. Washington cam kết rút quân khỏi Afghanistan để đổi lấy các cam kết của Taliban trong việc cấm các phần tử khủng bố sử dụng đất nước này để hoạt động và tiến hành đàm phán với chính phủ Afghanistan.

Một thách thức nằm ở cách các bên nhìn nhận các cuộc đàm phán. Kabul công khai cam kết, nhưng các quan chức hàng đầu vô cùng không tin tưởng vào Taliban hoặc coi các cuộc đàm phán là cầu nối dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ.

Ngược lại, các thủ lĩnh Taliban tin rằng phong trào của họ đang phát triển mạnh mẽ, cho rằng việc Mỹ rút quân và tiến trình hòa bình phản ánh thực tế đó. Số phận của Afghanistan chủ yếu nằm ở Taliban, Kabul và sự sẵn sàng thỏa hiệp giữa hai bên - nhưng phần lớn cũng phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ kế nhiệm Joe Biden.

2. Ethiopia

Vào ngày 4/11, lực lượng liên bang Ethiopia bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực Tigray sau một cuộc tấn công của người Tigrayan và tiếp quản các đơn vị quân đội liên bang trong khu vực.

Đến cuối tháng 11, quân đội đã tiến vào thủ đô Mekelle của Tigray. Các nhà lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) đã từ bỏ thành phố, tuyên bố rằng họ không muốn gây thiệt hại cho dân thường.

Tuy nhiên, bạo lực có thể đã giết chết hàng ngàn người, bao gồm nhiều thường dân; khiến 1 triệu người tha hương; và buộc khoảng 50.000 người chạy trốn đến Sudan.

3. Khu vực Sahel

Cuộc khủng hoảng nhấn chìm khu vực Sahel ở Bắc Phi tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, với bạo lực giữa các sắc tộc ngày càng gia tăng và các chiến binh thánh chiến mở rộng phạm vi hoạt động. Năm 2020 là năm đẫm máu nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2012, khi các chiến binh Hồi giáo IS tràn qua miền Bắc Mali, khiến khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài.

Khó có thể đảo ngược sự phát triển của các lực lượng dân quân và quân nổi dậy. Mối quan hệ của các quốc gia với nhiều công dân tại vùng nông thôn của họ đã bị phá vỡ, cũng như hệ thống quản lý xung đột truyền thống thất bại. Do đó, cả chính quyền nhà nước và khu vực đều không thể làm dịu sự gia tăng xung đột giữa các cộng đồng, thường là về tài nguyên.

Một phụ nữ Fulani quan sát sự tàn phá do hỏa hoạn tại khu trại dành cho những người phải di tản ở Bamako, Mali, vào ngày 28/4
Một phụ nữ Fulani quan sát sự tàn phá do hỏa hoạn tại khu trại dành cho những người phải di tản ở Bamako, Mali, vào ngày 28/4

4. Yemen

Chiến tranh của Yemen đã gây ra điều mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) coi là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. COVID-19 đã làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của dân thường, vốn đang chìm sâu vào nghèo đói và các bệnh tật khác. Các quan chức nhân đạo quốc tế hàng đầu một lần nữa cảnh báo về nạn đói.

Một năm trước, có một cơ hội để kết thúc chiến tranh, nhưng những kẻ hiếu chiến đã gạt bỏ nó. Phiến quân Houthi đã trao đổi thông qua các kênh không chính thống với Ả Rập Saudi, nhà tài trợ chính bên ngoài của chính phủ Yemen được LHQ công nhận - do Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi lãnh đạo. Nhưng giao tranh ngày càng leo thang, đặc biệt là ở Marib - thành trì đô thị cuối cùng của chính phủ Hadi ở phía bắc.

Trong mọi trường hợp, khuôn khổ hai bên của LHQ có vẻ lỗi thời. Yemen không còn là đất nước như những ngày đầu chiến tranh; nó đã bị phân mảnh khi xung đột bùng phát.

5. Venezuela

Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi phe đối lập Venezuela, Mỹ, cùng các quốc gia trên khắp châu Mỹ Latinh và châu Âu tuyên bố công nhận nhà lập pháp Juan Guaidó làm tổng thống lâm thời của Venezuela và dự đoán sự sụp đổ của tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro.

Ngày nay, bất kỳ hy vọng nào như vậy đều trở nên vô nghĩa. Một chiến dịch “gây áp lực tối đa” do Mỹ dẫn đầu - kéo theo các lệnh trừng phạt, cô lập quốc tế, ngụ ý đe dọa hành động quân sự và thậm chí là một cuộc đảo chính - đã không thể lật đổ ông Maduro.

Thậm chí, những hành động này đã khiến ông ấy mạnh mẽ hơn, vì các đồng minh, bao gồm cả trong quân đội, đã tập hợp lại phía sau ông Maduro vì sợ nếu ông ấy thất bại, họ sẽ bị nguy hiểm. Điều kiện sống của người dân Venezuela bị tàn phá bởi sự thiếu quyết đoán của chính phủ, các lệnh trừng phạt của Mỹ và do COVID-19.

Những người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaidó đối đầu với lực lượng an ninh Venezuela trên con đường dẫn đến tòa nhà Quốc hội ở Caracas vào ngày 10/3
Những người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaidó đối đầu với lực lượng an ninh Venezuela trên con đường dẫn đến tòa nhà Quốc hội ở Caracas vào ngày 10/3

6. Somalia

Các cuộc bầu cử dự kiến trở thành tâm điểm chú ý ở Somalia, trong bối cảnh tranh chấp gay gắt giữa Tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed và các đối thủ của ông. Cuộc chiến chống al-Shabab đang bước sang năm thứ 15 mà vẫn chưa có hồi kết, trong khi các nhà tài trợ ngày càng hăng hái chi trả cho các lực lượng của Liên minh châu Phi để giúp ngăn chặn các chiến binh.

Nhiều vấn đề có thể được quyết định trong cuộc bỏ phiếu tổng thống vào tháng 2/2021. Một cuộc bầu cử hợp lý trong sạch, mà các đảng chính chấp nhận kết quả, có thể cho phép các nhà lãnh đạo Somalia và những người ủng hộ nước ngoài của họ đẩy mạnh nỗ lực đạt được thỏa thuận về mối quan hệ liên bang, các thỏa thuận hiến pháp và đẩy nhanh cải cách lĩnh vực an ninh.

Mặt khác, một cuộc bỏ phiếu đầy tranh chấp có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị.

7. Libya

Các liên minh quân sự đối địch ở Libya không còn giao tranh và LHQ đã khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm thống nhất đất nước. Nhưng đạt được hòa bình lâu dài vẫn sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn.

Vào ngày 23/10, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) - dưới sự chỉ huy của tướng Khalifa Haftar và được hỗ trợ bởi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nga - cùng Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn dưới sự lãnh đạo của Fayez al-Sarraj, đã ký một lệnh ngừng bắn, chính thức kết thúc trận chiến hoành hành ở ngoại ô Tripoli và các nơi khác kể từ tháng 4/2019. Cuộc giao tranh đã giết chết khoảng 3.000 người và khiến hàng trăm ngàn người phải di tản.

Việc ngừng bắn được hoan nghênh, nhưng quá trình thực hiện nó đang bị chậm lại. Lực lượng LNA và GNA vẫn đang ở tiền tuyến, và các máy bay chở hàng quân sự nước ngoài tiếp tục hạ cánh xuống các căn cứ không quân của họ, cho thấy rằng những người ủng hộ bên ngoài vẫn đang tiếp tế cho cả hai bên.

Các đơn vị của Chính phủ Hiệp ước Quốc gia được Liên hợp quốc công nhận tham gia Chiến dịch Bão táp Hòa bình chống lại dân quân của lãnh chúa Khalifa Haftar ở Libya
Các đơn vị của Chính phủ Hiệp ước Quốc gia được LHQ công nhận tham gia Chiến dịch Bão táp Hòa bình chống lại dân quân của lãnh chúa Khalifa Haftar ở Libya

8. Iran - Mỹ

Vào tháng 1/2020, việc Mỹ giết chết chỉ huy Qassem Suleimani của Iran đã đưa căng thẳng Mỹ - Iran lên gần mức sôi sục. Cuối cùng, phản ứng của Iran tương đối hạn chế và không bên nào chọn leo thang quân sự, mặc dù nhiệt độ vẫn ở mức cao nguy hiểm.

Chính quyền mới của Mỹ có thể xoa dịu một trong những bế tắc nguy hiểm nhất của thế giới, đặc biệt là bằng cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).

Nhưng nếu ông Biden thực hiện điều đó nhanh chóng, việc quản lý các mối quan hệ với Ả Rập Saudi và Israel - cả hai đều đối đầu gay gắt với Iran - rồi sau đó chuyển sang các cuộc đàm phán về những vấn đề khu vực rộng lớn hơn sẽ đặc biệt khó khăn.

Chính phủ châu Âu đang thăm dò khả năng thúc đẩy Iran và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh tham gia vào một cuộc đối thoại nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, và ngăn chặn chiến tranh bùng nổ; chính quyền của ông Biden có thể đặt sức nặng ngoại giao của mình đằng sau một nỗ lực như vậy thay vì trực tiếp đứng ra giải quyết vấn đề.

Người Iran xé cờ Mỹ trong cuộc biểu tình ở Tehran vào ngày 3/1, sau khi chỉ huy quân đội Iran Qassem Suleimani bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ
Người Iran xé cờ Mỹ trong cuộc biểu tình ở Tehran vào ngày 3/1, sau khi chỉ huy quân đội Iran Qassem Suleimani bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ

9. Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không xảy ra chiến tranh, nhưng lại thường xuyên ủng hộ các phe đối lập - như ở Syria và Libya - hoặc tranh giành quyền lực, như ở Caucasus. Họ thường coi nhau là đối tác, ngăn chặn sự bất hòa về một vấn đề kéo các bên khỏi cuộc thảo luận về những vấn đề khác, và hợp tác ngay cả khi các đồng minh địa phương của họ đang đánh nhau.

Tuy nhiên, năm 2015 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay phản lực của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và vụ giết hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 trong các cuộc không kích của lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn cho thấy nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu bất ngờ là rất cao.

Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin tỏ ra khá uyển chuyển trong việc kiểm soát những rủi ro xung đột, bất kỳ sự thất bại nào cũng có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn mà cả hai nước đang vướng vào.

10. Biến đổi khí hậu

Mối quan hệ giữa chiến tranh và biến đổi khí hậu không đơn giản và cũng không tuyến tính. Các kiểu thời tiết giống nhau có thể làm gia tăng bạo lực ở một khu vực, nhưng không phải ở nơi khác. Trong khi một số quốc gia quản lý tốt tác động do khí hậu gây ra, những quốc gia khác lại không.

Phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia có hệ thống quản lý toàn diện hay không, có được trang bị tốt để hòa giải các xung đột về nguồn lực, hay có thể chu cấp cho công dân khi cuộc sống hoặc sinh kế của họ rơi vào bế tắc.

Chưa rõ mức độ bạo lực liên quan đến khí hậu vào năm 2021 là bao nhiêu, nhưng xu hướng rộng hơn là đủ rõ ràng: Nếu không có hành động khẩn cấp, nguy cơ xung đột liên quan đến khí hậu sẽ gia tăng trong những năm tới.

Ở miền Bắc Nigeria, hạn hán đã làm gia tăng các cuộc giao tranh giữa những người chăn nuôi và nông dân vì nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Năm 2019 đã giết chết gấp đôi số người Nigeria so với cuộc đối đầu phiến quân Boko Haram. Trên sông Nile, Ai Cập và Ethiopia đe dọa thực hiện hành động quân sự trước tranh chấp về vấn đề đập Grand Ethiopia Renaissance.

Hiện tại, châu Phi được cho là có nguy cơ xung đột liên quan đến khí hậu nhiều nhất, nhưng các khu vực châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông cũng phải đối mặt với những nguy cơ tương tự.

Dù vậy, vẫn có một số tín hiệu lạc quan. Chính quyền mới của Mỹ đã đưa cuộc khủng hoảng khí hậu lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình và Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi hành động nhanh hơn để giảm thiểu các rủi ro bất ổn liên quan.

Các chính phủ và công ty phương Tây đã cam kết cung cấp cho các nước nghèo hơn 100 tỷ USD hàng năm để thích ứng với khí hậu, bắt đầu từ năm 2020.

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI