Năm 2020, thế giới đã oằn mình chống đại dịch COVID-19 ra sao?

31/12/2020 - 06:00

PNO - Virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) cách đây một năm và nhanh chóng lây lan khắp toàn cầu. Đại dịch đã để lại những hậu quả khủng khiếp cả về con người lẫn kinh tế, để lại nhiều đau thương và khiến thế giới bị đẩy lùi hàng thập niên.

Chưa phải là đại dịch cuối cùng

Ở mọi lục địa, ai ai cũng đều cảm nhận được sự tàn phá của dịch bệnh, thất nghiệp và phong tỏa. Số người nhiễm ngày càng tăng và kỷ lục số người chết là những nỗi sợ hãi thường trực, ám ảnh nhân loại trong suốt một năm qua.

Tính đến nay, thế giới có hơn 82 triệu ca nhiễm, gần 1,8 triệu người đã chết vì COVID-19. Chưa dừng lại đó, khi một vài nước trên thế giới đã sử dụng vắc-xin nhằm hạn chế ca nhiễm và số người tử vong thì những biến thể mới của COVID-19 lại tiếp tục mang đến những bất an cho loài người. Một số quốc gia bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đan Mạch, Lebanon, Đức, Úc, Thụy Điển và Hà Lan đã báo cáo các trường hợp nhiễm chủng virus mới, có tốc độ lây lan cao hơn 70% so với chủng virus trước đó, khiến số bệnh nhân dương tính COVID-19 tăng cao, đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng căng thẳng.

Đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới có một năm hỗn loạn và mất mát - Ảnh: AP
Đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới có một năm hỗn loạn và mất mát - Ảnh: AP

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại cảnh báo rằng, COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng. “Lịch sử cho chúng ta biết rằng, đây không phải là đại dịch cuối cùng và dịch bệnh là một thực tế của cuộc sống. Trong 12 tháng qua, thế giới của chúng ta đã bị đảo lộn. Tác động của đại dịch để lại những hậu quả sâu rộng đối với xã hội và nền kinh tế. Tất cả chúng ta phải học được bài học mà đại dịch đang dạy cho nhân loại” - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói.

Cuộc chiến kéo dài và căng thẳng

Khi đại dịch COVID-19 đưa thế giới vào tình trạng đối phó, các nước tìm mọi cách nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất về con người, kinh tế thì những xung đột, tranh cãi cũng nổi bật không kém. Các nước châu Âu và Mỹ thường xuyên có những cuộc biểu tình chống phong tỏa, điều này làm cho nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 càng khó khăn hơn và hy vọng cho một ngày đại dịch được khống chế hoàn toàn sẽ dài hơn.

Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia có một phương pháp đối phó đại dịch riêng. Trung Quốc sử dụng quyền lực chính trị của mình để tiêu diệt COVID-19, Brazil phải vật lộn với đại dịch khi tổng thống xem nhẹ virus SAR-CoV-2. Ý chứng kiến cái chết của hàng ngàn người lớn tuổi; nhiều nước buộc phong tỏa đất nước, đóng cửa trường học; Mỹ có gần 20 triệu người nhiễm với hơn 343.000 người tử vong… Tất cả tạo nên một bức tranh ảm đạm mà toàn cầu đã gánh chịu trong năm qua.

Năm 2020 kết thúc với tin tức tích cực khi vắc-xin COVID-19 được phê duyệt trong thời gian kỷ lục. Nhưng thách thức bây giờ là ngoài việc đối phó với những biến thể mới của loại virus này thì việc phân phối vắc-xin một cách rộng rãi và công bằng là điều không dễ dàng. Ông Mike Ryan - Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - cảnh báo rằng, sẽ còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm hơn COVID-19 có thể bùng phát trong tương lai và kêu gọi thế giới chuẩn bị nghiêm túc.

“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Đại dịch này rất nghiêm trọng, nó lây lan rất nhanh và ảnh hưởng mọi khu vực trên thế giới nhưng chưa hẳn là dịch bệnh nguy hiểm nhất. Tỷ lệ tử vong hiện nay vẫn tương đối thấp nếu so với nhiều dịch bệnh mới nổi. Chúng ta cần chuẩn bị cho những căn bệnh nghiêm trọng hơn trong tương lai” - ông nói. 

Thảo Nguyễn (theo AP, Reuters, WHO)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI