Đói nghèo, chiến tranh "ám ảnh" xã hội Yemen hơn cả COVID-19

21/12/2020 - 20:20

PNO - Bên trong quốc gia đang bị chia cách bởi chiến tranh, dường như đại dịch COVID-19 không tạo ra tác động trầm trọng như dự đoán. Nỗi lo ngại thường trực với người dân Yemen là nguy cơ nạn đói và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tại một khu thuộc Bệnh viện đa khoa Ataq, tọa lạc ở trung tâm quanh năm khói bụi của tỉnh Shabwa - miền Nam Yemen, bé gái 6 tháng tuổi Muna Bassam đang nằm trên giường bệnh. Đôi mắt nhắm nghiền, bé thở từng cơn mệt nhọc.

Nơi góc phòng bệnh là một tấm poster cho thấy hình ảnh trẻ em phải chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng, trước và sau khi được điều trị. Những thân thể gầy gò giữ ánh nhìn cảnh giác dẫu luôn nở nụ cười trên môi.

Một người mẹ chăm sóc con nhỏ bên trong khoa nhi thuộc bệnh viện Ataq. (Ảnh: The Guardian)
Một người mẹ chăm sóc con nhỏ tại khoa nhi Bệnh viện Ataq (Ảnh: The Guardian)

Gia đình đã một lần đưa Bassam đến bệnh viện trước đó. Lo ngại có thể không đủ khả năng chi trả tiếp viện phí, mẹ cô bé đang khẩn thiết cầu nguyện, mong con sớm hồi phục.

“Chúng tôi có 20 người con, 11 trong số này đã chết”, Abdullah - người ông của bệnh nhi - chia sẻ. “Nhưng đấy là chuyện quá khứ. Việc này đáng lý không nên tiếp diễn đến tận ngày nay”.   

Ở nhiều khoa khác trong bệnh viện đông đúc, trẻ nhỏ đang phải chống chọi với dịch tả, bạch hầu và sốt xuất huyết, những chứng bệnh dễ lây lan vốn ám ảnh người dân từ khi chiến tranh bùng nổ 6 năm trước.

Đối với bệnh nhân và bác sĩ địa phương, trước “cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất hiện thời” - như cách Liên Hợp Quốc mô tả, COVID-19 dường như chỉ là một trong hàng chuỗi “cơn ác mộng” đang bủa vây thường trực tại đây.

“Chúng tôi không có chuyên gia phẫu thuật thần kinh, không được trang bị để lập khoa sản. Chúng tôi điều trị cho 20 trẻ bị suy dinh dưỡng mỗi tháng, và ngày càng phải tiếp nhận nhiều ca hơn. Quan ngại không kém là dịch sốt xuất huyết - riêng năm nay đã có hơn 3.000 ca. Máy phát điện ở đây không phải lúc nào cũng hoạt động tốt”, bác sĩ Ali Nasser Saeed - Giám đốc Bệnh viện Ataq bày tỏ. “Dịch corona không phải mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi lúc này.

Một bệnh nhi 4 tháng tuổi đang điều trị ở bệnh viện đa khoa Ataq. (Ảnh: The Guardian)
Một bệnh nhi 4 tháng tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Ataq (Ảnh: The Guardian)

Shabwa, khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ, đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc nội chiến suốt một năm qua. Từ một vùng đất trù phú, có mức sống ổn định hơn so với nhiều tỉnh khác của Yemen, dân cư bản địa giờ đây phải tạm di dời chỗ ở trong nỗi lo sợ thấp thỏm.

Những "lữ đoàn" thương buôn trên Con đường tơ lụa nổi tiếng, trước kia qua lại Ataq để mua bán trầm hương, nay đã mất hút. Thay vào đó, quang cảnh thành phố được bao phủ bởi hệ thống đường ống dẫn dầu và vô số đoàn xe bồn.

Chính quyền Shabwa, từ năm 2018, đã đầu tư hàng triệu USD nâng cấp lực lượng an ninh lẫn cơ sở hạ tầng, nhằm thu hút những công ty xuất khẩu dầu mỏ quốc tế. Mặt khác, cuộc nội chiến đang “giằng xé” Yemen chưa có dấu hiệu dừng lại. Mối quan ngại hàng đầu với người dân, thế nhưng, không chỉ về dầu mỏ và súng đạn. 

Nạn đói “đe dọa” chực chờ

Dân cư Yemen khó lòng né tránh tác động tiêu cực do chiến tranh. Rial, đơn vị tiền tệ chính thức của quốc gia Tây Á đã giảm 2/3 giá trị từ khi nội chiến bắt đầu, và hiện vẫn tiếp tục mất giá. Thực phẩm tăng giá, giữa lúc nhiều khoản viện trợ xã hội bị cắt, đồng nghĩa nạn đói đang chực chờ bùng phát.

Số người bệnh suy dinh dưỡng ở miền Nam Yemen, bao gồm Shabwa, đã tăng 10% trong năm nay, theo một nghiên cứu từ Liên Hợp Quốc.

Ở khu chợ nội thành Ataq, thủ phủ của Shabwa, người bán vẫn trụ lại nhưng đã không còn người mua. Đến gần trưa, quầy bán mật ong và nhóm người chăn cừu vẫn kiên nhẫn trông chờ khách hàng đầu tiên trong ngày với bộ dạng rầu rĩ.

Khaled - chủ một hàng bán dầu mè - cho biết: “Nếu đường dây điện hoạt động, tôi cũng không còn đủ tiền để trả”.

Phụ nữ và con nhỏ bên trong khoa điều trị suy dinh dưỡng ở một trung tâm y tế miền bắc Yemen. (Ảnh: The Guardian)
Phụ nữ và trẻ em tại khoa điều trị suy dinh dưỡng ở một trung tâm y tế miền Bắc Yemen (Ảnh: The Guardian)

Phân nửa số cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Yemen hiện bị tiêu hủy bởi chiến tranh. Hàng trăm bác sĩ đã thiệt mạng hoặc phải rời đất nước. Công chức, nhân viên xã hội ở nhiều tỉnh thành thường không được trả lương đúng hạn, càng gia tăng áp lực cho việc duy trì hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế.  

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu “càn quét” toàn cầu, hàng loạt cơ quan hỗ trợ phúc lợi, chuyên gia y tế tin rằng virus sẽ sớm ảnh hưởng đến Yemen trên diện rộng, với con số dự báo tỉ lệ lây nhiễm lên đến 90%.

Tuy nhiên, bên trong quốc gia đang bị chia cách bởi chiến tranh, dường như đại dịch không tạo ra tác động trầm trọng như dự đoán. Báo cáo thống kê chính thức ghi nhận tổng số ca mắc hiện thời là 2.124, với 611 người chết.

“Khó hình dung” chính xác tình hình dịch bệnh

Với Yemen, xây dựng cơ sở xét nghiệm và thu thập dữ liệu y tế theo tiêu chuẩn là hai yêu cầu khó đảm bảo. Thống kê chính thức kể trên về số ca bệnh, rất có thể đang không phản ánh chân thật tác động của COVID-19 tại đây.    

 Nhân viên làm việc ở trung tâm kiểm soát dịch Covid-19 tại Ataq. (Ảnh: The Guardian)
Nhân viên làm việc ở trung tâm kiểm soát dịch COVID-19 tại Ataq (Ảnh: The Guardian)

Ngoại ô Ataq, tại Trung tâm kiểm soát và điều trị COVID-19, cơ sở được đánh giá là chất lượng hàng đầu Yemen, không có ca mắc mới nào được ghi nhận từ tháng 8. Đến nay, trung tâm đã tiến hành lấy mẫu 4.000 trường hợp, chỉ 90 mẫu xác định dương tính với corona. Tại Shabwa, hiện có 46 người qua đời vì đại dịch.

Lý giải vấn đề, Giám đốc trung tâm Hisham Saeed nhận định: “Ý thức cao và chiều hướng trẻ hóa dân số” đang giúp người dân Yemen chống chọi với dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông lo ngại, định kiến trong cộng đồng bản địa đối với COVID-19, cùng với tình trạng chiến tranh kéo dài gây cản trở giao thông, có thể khiến người nhiễm bệnh bị mắc kẹt tại nhà riêng. “Rất khó hình dung tác động thật sự của đại dịch. Mọi người có thể phớt lờ triệu chứng bệnh, nghĩ đấy chỉ là một cơn sốt. Đôi khi có bệnh nhân hỏi tôi, liệu dịch corona chỉ là sự bịa đặt”.

Một binh sĩ đứng gác bên ngoài trung tâm kiểm soát dịch Covid-19 tại Ataq. (Ảnh: The Guardian)
Một binh sĩ đứng gác bên ngoài trung tâm kiểm soát dịch COVID-19 tại Ataq (Ảnh: The Guardian)

Dữ liệu nghiên cứu từ Đại học Y Nhiệt đới London (Anh) và quỹ nhân đạo sức khỏe MedGlobal (Đan Mạch) chỉ ra, số ca tử vong ghi nhận tại nghĩa trang và số lượng nhân viên y tế qua đời vì COVID-19 ở Yemen, thực tế đang vượt hơn nhiều so với báo cáo chính thức.

Tìm kiếm hy vọng mới

Sau “làn sóng” dịch đầu tiên, người dân Shabwa có quyền kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Một bệnh viện đa khoa quy mô gần trung tâm kiểm soát dịch Ataq, nơi từng bị trưng dụng làm địa điểm giao tranh trong nội chiến, nay được hỗ trợ ngân quỹ để tái thiết.

Bệnh viện mới đang xây gần hoàn thiện tại Ataq. (Ảnh: The Guardian)
Bệnh viện mới đang xây gần hoàn thiện tại Ataq (Ảnh: The Guardian)

Cơ sở mới rộng rãi có sức chứa khoảng 240 giường bệnh, gồm đầy đủ trang thiết bị để thành lập khoa sản, khoa tim mạch và điều trị bệnh truyền nhiễm, đi cùng hệ thống máy phát điện hiệu năng cao hoạt động không nghỉ.

Giới chức trách địa phương kỳ vọng, bệnh viện có thể mở cửa vào đầu năm 2021, dù họ vẫn phải vượt qua chướng ngại như tuyển dụng nhân sự và đảm bảo dự trữ đủ nguồn cung thuốc lẫn thiết bị y tế.

“Tuần trước, tôi mất một bệnh nhi vì sốt xuất huyết, do bệnh biện đã không còn liều thuốc kháng virus nào. Tôi gọi hỏi tất cả cơ sở y tế phía nam nhưng không ai giúp được. Nếu có thuốc, có lẽ đứa trẻ đã sống sót”, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Ataq chia sẻ.

“Cả khi chiến tranh kết thúc, tôi sợ rằng chúng ta có thể đã để mất cả một thế hệ”, người này nói.

Như Ý (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI