WHO: Thế giới có thể kiểm soát dịch COVID-19 vào năm 2022 “nếu thật sự may mắn”

20/07/2021 - 10:44

PNO - Ngày 19/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định mặc dù biến thể Delta đang lan nhanh trên toàn cầu, thế giới có thể kiểm soát dịch COVID-19 vào năm tới nếu “thật sự may mắn”.

“Tôi muốn COVID-19 sẽ kết thúc vào năm nay nhưng hiện tôi chưa thể nói điều đó. Nếu thật sự may mắn, thế giới mới có thể kiểm soát đại dịch này”, tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO - nhận định.

Mike Ryan tại một cuộc họp báo về loại coronavirus mới ở Geneva, Thụy Sĩ
Tiến sĩ Mike Ryan tại một cuộc họp báo về loại coronavirus mới ở Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Ryan cũng cho rằng đại dịch toàn cầu có chấm dứt sớm hay không phụ thuộc vào việc vắc xin có được phân phối công bằng cho các quốc gia nghèo hơn, các nước có thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, cung cấp đầy đủ nguồn tài chính cho các bệnh viện hay không.

Theo tiến sĩ Ryan, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể chấm dứt đại dịch sớm hơn. Ông cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới vì đã không chia sẻ tối đa nguồn cung vắc xin đang dư thừa cho các quốc gia nghèo hơn.

Trong khi đó, Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO - cho biết nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh mỗi ngày: “Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng tương ứng 11,5% và 1% trên phạm vi toàn cầu”.

Tuần trước, nhiều khu vực trên thế giới cũng ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, trong đó châu Âu tăng gần 21%, Đông Nam Á tăng 16,5%, khu vực Tây Thái Bình Dương tăng khoảng 30% và khu vực Đông Địa Trung Hải tăng 15%. Châu Phi vẫn là khu vực có tốc độ lây nhiễm đáng báo động nhất.

Tại 4 trong số 6 khu vực trên thế giới theo phân chia của WHO, số người thiệt mạng vì COVID-19 cũng đã tăng mạnh trong 7 ngày qua. Cụ thể, Tây Thái Bình Dương chứng kiến số ca tử vong tăng 10%, Đông Nam Á và Địa Trung Hải lần lượt là 12% và 4%.

Quan chức của WHO cho biết thế giới cũng đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp đã được tiêm ngừa COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh, tuy nhiên đa số trường hợp này đều có các triệu chứng nhẹ.

Các biến thể mới có thể làm cho số ca nhiễm mới gia tăng đột biến và có khả năng xâm nhập vào cả những người đã được tiêm vắc xin. “Delta sẽ có thể không phải là biến thể cuối cùng mà thế giới phải đối mặt”, Maria Van Kerkhove cho biết.

Quan chức WHO cũng cảnh báo rằng nếu các quốc gia triển khai các chiến dịch tiêm chủng càng chậm trễ và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội càng sớm thì nguy cơ xuất hiện một biến thể mới và nguy hiểm hơn càng cao.

“Bất kỳ biện pháp nào mà một quốc gia đưa ra trong đại dịch đều có khả năng làm tăng hoặc giảm số ca nhiễm mới. Chúng ta không thể loại trừ mọi rủi ro mà chỉ có thể giảm thiểu rủi ro”, tiến sĩ Ryan nhận định.

Nhất Nguyên (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI