WHO: Phun xịt hóa chất khử khuẩn nơi công cộng là "vô ích" với COVID-19?

17/07/2021 - 09:19

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, việc phun xịt các loại hóa chất khử khuẩn ở nơi công cộng nhằm tiêu diệt coronavirus là "không có tác dụng".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra khuyến cáo, việc phun khử khuẩn trên đường phố không những không giúp tiêu diệt được coronavirus mà còn có thể gây nên các nguy cơ cho sức khỏe của người dân.

Việc phun hóa chất với mục đích khử khuẩn chống lại coronavirus đang được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới - Ảnh: Times of India
Việc phun hóa chất với mục đích khử khuẩn chống lại coronavirus đang được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới - Ảnh: TOI

Hãng tin AFP trích một đoạn từ tài liệu của WHO hướng dẫn về vệ sinh phòng dịch bằng cách lau chùi và khử khuẩn các bề mặt nhằm ngăn ngừa virus, trong đó có nêu một chi tiết, việc phun xịt các dung dịch khử khuẩn ở những nơi công cộng hầu như không mang lại hiệu quả gì.

“Việc phun xịt các loại hóa chất và dung dịch khử trùng ở những nơi công cộng như đường phố, khu chợ... không phải là điều được khuyến nghị để diệt virus SARS-CoV-2 hay các mầm bệnh khác vì chất khử khuẩn bị vô hiệu hóa bởi chất bẩn và các mảnh vụn, rác thải ở đó”, chuyên gia của WHO giải thích.

WHO cho rằng, đường phố và vỉa hè không được xem là “ổ vi khuẩn lây bệnh” của COVID-19 và vì vậy việc phun xịt các loại hóa chất khử khuẩn ở môi trường bên ngoài có thể “nguy hiểm cho sức khỏe của con người”.

“Việc phun khử khuẩn không giúp làm giảm khả năng lan truyền virus từ một người nhiễm COVID-19 thông qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc gần”, tài liệu của WHO nêu rõ.

Phun hóa chất khử khuẩn ở môi trường công cộng có thể gây hại cho sức khỏe người dân - Ảnh: P.J.Leo/Jakarta Post
Phun hóa chất khử khuẩn ở môi trường công cộng có thể gây hại cho sức khỏe người dân - Ảnh: P.J.Leo/Jakarta Post

Bên cạnh đó, việc phun xịt hóa chất khử trùng bằng clo hay các loại hóa chất độc hại khác còn có thể tạo ra hiện tượng kích ứng da, gây tổn thương mắt, co thắt phế quản và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Đồng tình với quan điểm này của WHO, giáo sư Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh Truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) cho rằng, hiệu quả của việc phun khử khuẩn ở những khu vực công cộng “là không có căn cứ về mặt khoa học”.

“Việc phun xịt vào môi trường bên ngoài như thế này có thể xem như là hành động tốn kém và không cần thiết”, giáo sư Osterholm khẳng định.

Tuy nhiên, giáo sư Joshua Santarpia, chuyên gia bệnh học thuộc Đại học Nebraska (Mỹ) vẫn khuyến khích việc phun khử khuẩn ở những môi trường kín như các tòa cao ốc hay thậm chí sân bay.

“Đó là ý tưởng tốt bởi chúng ta cần đảm bảo những không gian kín như thế này đã được khử khuẩn trước khi mọi người được cho phép vào bên trong”. Hàng loạt các hãng hàng không ở Mỹ và trên thế giới cũng đang áp dụng hình thức phun khử khuẩn máy bay trước khi đưa chúng vào vận hành.

ệ sinh và khử khuẩn ở những khu vực khép kín là điều nên làm để phòng chống virus gây bệnh - Ảnh: Rodin Eckenroth/Getty Images
Vệ sinh và khử khuẩn ở những khu vực khép kín là điều nên làm để phòng chống virus gây bệnh - Ảnh: Rodin Eckenroth/Getty Images

Trung Quốc, một quốc gia vốn bị xem là “lạm dụng” việc phun khử khuẩn ở những khu vực công cộng có diện tích lớn, mới đây cũng đã thay đổi quan điểm về hành động này. Zhang Liubo, nghiên cứu viên công tác tại CDC Trung Quốc phát biểu trên Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV: “Không nên phun xịt hóa chất thường xuyên ở những bề mặt ở ngoài trời như đường xá, quảng trường hay công viên… Việc phun xịt trên diện rộng và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và có hại cho sức khỏe cộng đồng”.

Các nhà khoa học cho biết, virus gây bệnh lan truyền hầu hết là thông qua đường thở do con người hít vào các giọt bắn do người mắc COVID-19 thở ra chứ không phải từ việc chạm vào các bề mặt.

“Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định coronavirus lây cho con người qua các bề mặt có chứa virus cả”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố trên trang web của mình.

Hạn chế tiếp xúc gần là một trong những cách hiệu quả để phòng tránh COVID-19 - Ảnh: myflowertree
Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần là những cách hiệu quả để phòng tránh COVID-19 - Ảnh: myflowertree

Theo giáo sư Osterholm, thường xuyên rửa tay luôn là một thói quen tốt kể cả khi chưa có đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để phòng tránh COVID-19 thì mọi người cần quan tâm hơn đến việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần với người khác cũng như luôn giữ khoảng cách an toàn khi ra nơi công cộng.

Nguyễn Thuận (AFP, Strait Times, Science Mag)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI