Vụ bé gái 9 tuổi bị bắt cóc: Tại sao cha mẹ Nhật không đưa con đi học?

28/03/2017 - 07:45

PNO - Sự việc bé gái 9 tuổi người Việt Lê Thị Nhật Linh, bị bắt cóc và sát hại những ngày qua khiến các bậc phụ huynh, đặc biệt là tại Nhật Bản, bàng hoàng.

Bé Nhật Linh mất tích ngày 24/3, chỉ ít phút sau khi em bước khỏi nhà để đến lớp, cách nhà chỉ 10 phút đi bộ.

Dọc đường bé Linh đi tới trường, thường có một số tình nguyện viên thường quan sát các em nhỏ đến lớp sao cho an toàn.

Tuy nhiên, ngày bé Linh mất tích, các tình nguyện viên này đều không thấy bóng dáng cô bé.

Nhật Bản là đất nước được cho là an ninh, và trẻ em Nhật có thói quen tự đến trường từ khi còn rất nhỏ.

Sự việc xảy ra với bé Linh là lần đầu tiên với một học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản.

Rất nhiều người thắc mắc, tại sao các bậc cha mẹ tại Nhật lại để con đi học một mình. Bài viết và phóng sự dưới đây là câu trả lời.

Vu be gai 9 tuoi bi bat coc: Tai sao cha me Nhat khong dua con di hoc?
Hành trình đi tới trường của cô bé Noe Ando, 7 tuổi, trong đoạn phóng sự bắt đầu bằng câu thành ngữ Nhật Bản: Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình.

Rất nhiều người ngoại quốc sống tại Nhật Bản ngạc nhiên trước việc trẻ em Nhật tự đi học từ độ tuổi khá nhỏ. Trong khi nhiều nước trên thế giới e ngại về vấn đề này, người Nhật coi đó là chuyện bình thường.

Đoạn phim tài liệu “Sự tự lập của trẻ em Nhật Bản” do Đài truyền hình Úc SBS 2 chia sẻ trên YouTube đã cho thấy nét khác biệt trong việc đến trường giữa một bé gái Nhật Bản và một bé gái Úc, từ đó xem xét các nhân tố xã hội ảnh hưởng đến tính tự lập của trẻ em ở mỗi đất nước.

 

Đoạn phim bắt đầu với câu tục ngữ Nhật Bản “Kawaii ko ni wa tabi o saseyo” có nghĩa là “Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình”.

Câu nói khuyên trẻ em nên trải nghiệm thử thách và khó khăn từ khi còn nhỏ để trở nên tự lập hơn. Một ví dụ nổi bật của tính độc lập từ rất sớm này là cách học sinh ở Nhật tự đến trường và về nhà mỗi ngày.

Vu be gai 9 tuoi bi bat coc: Tai sao cha me Nhat khong dua con di hoc?
Đoạn phóng sự ghi lại cảnh cô bé Noe Ando, 7 tuổi, trên con đường đi học của em.

Người xem đồng hành cùng cô bé Noe Ando, 7 tuổi, trên con đường đi học của em. Ở xa trường, em phải đi học bằng tàu điện, thậm chí còn chuyển tuyến 1 lần ở Nhà ga JR Shinjuku, nhà ga đông nhất thế giới.

Chỉ đi bộ ở đây vào giờ cao điểm thôi đã là một thử thách vất vả cho người lớn chứ chưa nói đến một đứa trẻ.

Trong khi bậc cha mẹ ở nhiều nước không bao giờ nghĩ đến việc để con một mình trên các phương tiện giao thông công cộng, mẹ của Ando chia sẻ quan điểm: “Việc cha mẹ không ở bên cạnh con giúp con học cách giải quyết các vấn đề. Nếu như đi lạc hoặc lên nhầm tàu, cháu phải tự khắc phục.”

Sau đó, đoàn phim phỏng vấn Jake Adelstein, một nhà báo điều tra người Mỹ nổi tiếng với vai trò chuyên gia về tội phạm có tổ chức tại Nhật Bản. Chính ông cũng từng bị sốc văn hóa khi cô con gái 4 tuổi nhất quyết tự đi học.

Trong đoạn phim, ông nhận xét rằng nếu cha mẹ Nhật chịu trách nhiệm đưa đón con em tới trường mỗi ngày, người Nhật sẽ phải tái tổ chức hoàn toàn xã hội và văn hóa làm việc.

Vu be gai 9 tuoi bi bat coc: Tai sao cha me Nhat khong dua con di hoc?
Cô bé Noe Ando, 7 tuổi, trên con đường đi học của em.

Đoàn làm phim phỏng vấn gia đình Fraser ở Úc, nơi bé gái 10 tuổi Emily được cha đưa đi học và đón về mỗi ngày. Nghe kể về thói quen tự đến trường của các bạn Nhật Bản đồng trang lứa, cô bé trả lời: “Thế  thì tuyệt quá!”. Emily đang rất mong chờ vào trung học để được phép tự đi lại và có chìa khóa riêng.

Cuối đoạn phim là cuộc thảo luận ngắn gọn xoay quanh những khác biệt trong kỳ vọng xã hội đối với trẻ em ở Nhật và Úc.

Khi một người Úc bình luận: “Xã hội của chúng ta bị hoang tưởng về việc để con em một mình.”, người tường thuật cũng tiết lộ dân số Nhật Bản gấp 5 lần dân số Úc, nhưng tỷ lệ giết người lại chỉ gần bằng 1/4.

Vu be gai 9 tuoi bi bat coc: Tai sao cha me Nhat khong dua con di hoc?
Cô bé Noe Ando, 7 tuổi, trên con đường đi học của em.

Những người dùng internet từ các nước nói tiếng Anh cũng bình luận trên diễn đàn trực tuyến Reddit:

“Tôi nghĩ ngoài tỷ lệ tội phạm thấp, cộng đồng người Nhật có xu hướng đoàn kết trong vấn đề nuôi dạy trẻ… Nếu trẻ em Nhật bị lạc hay gặp rắc rối, chúng có thể dễ dàng tìm sự giúp đỡ từ người lạ, đặc biệt là người già. Còn tôi được nuôi dạy theo cách đối lập, mọi người lạ đều có thể làm tôi tổn thương.”

“Cô bé trong video không phải là một trường hợp bình thường bởi em phải tự đi một quãng đường rất xa. Thực tế, trẻ em tiểu học ở Nhật đi một quãng đường ngắn hơn nhiều đến ngôi trường gần nhất. Những em nhỏ ít khi tự đi bộ mà sẽ gặp gỡ và đi theo nhóm cùng các anh chị trong khu dân cư. Các em lớn hơn đóng vai trò lãnh đạo.”

“Dù không đúng trong mọi trường hợp hay hoàn cảnh, quan điểm của đoạn phim khá chính xác. Trẻ em Nhật được kỳ vọng trở nên độc lập sớm hơn nhiều những đứa trẻ cùng tuổi ở phương Tây.”

Ngọc Anh - Hoài An (theo Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI