Vĩnh biệt Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Buồn ơi... chào ông!

15/04/2016 - 07:47

PNO - Chiều 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng sau ba tuần nhập viện.

Gia đình đưa ông về nhà khi ông có dấu hiệu không qua khỏi, để ông một lần nữa ngả lưng ở ngôi nhà nhỏ của mình trước khi ra đi vĩnh viễn. Người đàn ông kiệm lời, chỉ nói những gì mình muốn nói bằng tiếng đàn ấy từ nay không còn nữa.

Gần một tháng trước, ông ngã bệnh, người già ai cũng lắm bệnh, huống chi ba năm trước ông đã gặp vấn đề về thận, tim và hen suyễn mạn tính. Nhưng, thông tin về việc ông ngã bệnh cũng nhẹ quá, khiến nhiều người nghĩ sẽ vẫn được gặp ông ở một sân khấu nào đó sau này. Vì thế mà việc ông ra đi gây bàng hoàng.

Người biết ông thì sẽ hiểu vì sao đến thông tin ông ngã bệnh cũng không giống như của bao người khác, không gây chấn động, không tạo lo lắng. Cách ông sống với đời cũng như vậy. Ông lúc nào cũng cứ sợ làm phiền người khác, bằng sự khó khăn hay nỗi buồn của mình. Rồi, ông sợ người khác tổn thương nếu mình to tiếng quá hay dửng dưng quá.

Vinh biet Nhac si Nguyen Anh 9: Buon oi... chao ong!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh

Những ngày tháng sau này ông không đi ra ngoài nhiều, nếu có hẹn tiếp chuyện với ai đó ở nhà mình, ông cũng xuất hiện với trang phục lịch sự và chỉn chu. Với ông, không chỉn chu về trang phục cũng là một sự thất thố. Thậm chí, ông ái ngại khi khách muốn chào người bạn đời của mình chỉ vì bà đang lăng xăng nấu bếp. Với ông và bà, tươm tất là cách đối đãi phải phép. “Nỗi sợ” thất thố ấy ông không chỉ dành cho người lạ vừa gặp, cho những ai thân quen… mà cả với những đứa con của mình.

Cả cuộc đời mình, ông không to tiếng với con, không giận dữ đến run người như bao ông bố khác. Những gì cần biết về con ông sẽ hỏi, một lần rồi thôi. Những khi gặp thị phi, ông đổ bệnh vì buồn, cái buồn của kẻ cả đời coi trọng ứng xử nhưng bị mắng về ứng xử. Ông sợ hãi những cuộc điện thoại. Những cuộc gọi ấy khiến ông phải giải thích. Dẫu vậy ông cũng không thể phớt lờ tiếng chuông của nó.

Ông nói, ông không quen được việc phớt lờ khi người khác hỏi han, dù mỗi lần nói về chuyện đó là mỗi lần ông chất thêm nỗi buồn trong lòng. Một năm sau cái ngày một ca sĩ dành cho ông cụm từ “nguỵ quân tử”, dù rằng sau đó ca sĩ này đã gửi đến ông lời xin lỗi, ánh mắt ông vẫn chùng xuống khi nhắc lại.

Hỏi ông vì sao về sau này ông không sáng tác nữa, ông bảo vì sáng tác không phải là niềm vui to lớn của ông, và vì cách sống với âm nhạc của những người như ông đã quá xa lạ với bây giờ. Ông kể, những người bạn nhạc sĩ thế hệ ông thỉnh thoảng vẫn sáng tác, nhưng những bài hát nằm ở trong ngăn kéo lòng họ, hay họ chỉ khoe nhau mà không phải để nó được một ca sĩ nào đó thể hiện. Âm nhạc, với ông và những người bạn của ông, là thánh đường để nâng niu và tôn thờ. Đến cả việc phải tấu lên thanh âm từ cây đàn điện, ông cũng có cảm giác mình là m tổn thương thánh đường đó, cũng thấy mình có lỗi.

Với các cuộc tiếp xúc, nhất là với truyền thông, ông hạn chế kể về mình như rằng đời ông nhỏ nhoi quá để người ta phải bận tâm. Trong một lần hiếm hoi nói về đời mình, ông dành nụ cười buồn trước khi mở đầu. Ông nói, người ta biết ông và ngợi ca ông qua Cô đơn, Không, Lặng lẽ tiếng dương cầm, Tình khúc chiều mưa… còn ông thì chỉ ước ai đó nhận ra ông qua những tiếng đàn. Lòng ông ở đó, đặt tay lên phím đàn là nó tuôn ra.

Thói quen bộc bạch bằng ngôn từ ông không có kể từ khi ông còn bé, tiếng đàn là thanh âm duy nhất để ông giãi bày. Và, ông nhắc đến hai chữ “cô đơn” - cái cô đơn ám ảnh của người nghệ sĩ luôn thấy mình bất lực, không phải niềm cô đơn người ta có thể hiểu được trong bài hát Cô đơn nổi tiếng của ông.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI