“Theo dấu vàng son”- Hành trình truyền cảm hứng về tình yêu di sản xứ Huế

02/07/2025 - 16:02

PNO - Tập sách "Theo dấu vàng son" của nhà báo Bùi Ngọc Long như một cuốn phim du ký giúp mọi người có thể hiểu hơn về cố đô Huế cổ kính, trầm tích.

Mỗi khi một câu chuyện nào đó được mở ra với 3 tiếng vang “Cố - đô - Huế”, có cảm giác chúng ta như phải dừng lại, trầm ngâm giây lâu, bởi bao nhiêu tiếng lòng với Huế lại ùa về.

Nay, được cầm trên tay tập sách Theo dấu vàng son của tác giả, nhà báo Bùi Ngọc Long, cái cảm giác đó lại càng rõ ràng. Tác giả là một người Huế "bản địa" lớn khôn từ sự tảo tần của người mẹ Huế xưa, thấm đẫm Huế từ tuổi hoa niên nơi chốn thiền môn, trưởng thành trong lòng xứ Huế. Tình yêu trầm mặc mà dữ dội anh dành cho Huế còn rộng hơn cả khái niệm "quê hương".

Nhà báo Bùi Ngọc Long - Trưởng Văn phòng liên lạc Báo Thanh Niên tại TP Huế giới thiệu về 'người con tinh thần'
Nhà báo Bùi Ngọc Long - Trưởng Văn phòng liên lạc Báo Thanh Niên tại TP Huế giới thiệu về quyển sách mới xuất bản của mình

Theo dấu vàng son là tinh tuyển những bài báo của tác giả Bùi Ngọc Long đã được đăng trong nhiều năm. Anh chọn một điểm nhìn dễ chịu và nhẹ nhàng - điểm nhìn văn hóa để tiếp cận một đối tượng vốn chất chứa "sức nặng" dễ làm mọi người e ngại: di sản cung đình. Nhẹ nhàng không có nghĩa là dễ dàng mà ở đây là tâm thế tiếp nhận di sản, chủ thể đứng ở thì hiện tại để nhìn vọng, theo dấu di sản bằng tâm hồn yêu quý, trân trọng và tri thức dày dặn. Điều thú vị của cuốn sách là tác giả không sa vào cách tiếp cận của một nhà nghiên cứu chuyên môn sâu mà cũng không hời hợt như một người khách vãng lai.

Điểm nhìn đó làm nên sự hấp dẫn của những bài viết được tập hợp trong sách với "tiết tấu" hài hòa hợp lý vừa hoài cổ thi vị nhưng vẫn thời sự. Từng câu chuyện đều hấp dẫn, tạo ra sức hút về cái đẹp của một vùng dày đặc di sản cung đình, khơi gợi mong muốn tự mình khám phá, trải nghiệm và cả mong muốn được phản biện tranh luận...

Một trong những phần nổi bật của tập sách là loạt bài về phong thủy kinh thành Huế (đã đoạt giải B giải báo chí Hải Triều 2024). Tôi đã bị cuốn hút bởi cách khảo cứu của tác giả thông qua việc tổng hợp các quan điểm, góc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu phong thủy để cung cấp một cái nhìn tổng thể khá gọn gàng về một nội dung vốn rất rộng nhưng ít người kiến giải toàn diện. Anh cũng đã khơi lên cảm hứng tìm hiểu minh triết của tiền nhân khi vận dụng tri thức phong thủy vào xây dựng một công trình tối quan trọng của triều đại.

Những câu chuyện anh dẫn dắt không phải là những câu chuyện đại trà mà cần nền tảng tiếp nhận nhất định. Nền tảng này không hẳn phải là sự am tường về di sản, kiến thức đủ sâu rộng mà trước hết là cần những cảm thức yêu mến cái đẹp, những tinh hoa văn hóa của vùng đất trong tổng thể nền văn hiến của dân tộc.

Bô Nhà báo Bùi Ngọc Long nghe từng lời giới thiệu sách của con trai
Cha nhà báo Bùi Ngọc Long nghe từng lời giới thiệu sách của con trai

Không dừng lại ở mô tả cảnh sắc của dấu tích" Thần kinh nhị thập cảnh" (20 cảnh đẹp xứ Thần kinh) từng được vua Thiệu Trị xếp hạng, chế thơ xiển dương, tác giả đã công phu liên kết những thông tin chi tiết về thắng cảnh từ tư liệu lịch sử với sự tiếp biến hiện tại. Do vậy, tập sách mang đến cho người đọc thông tin sâu sắc, hài hòa để lớp người của hôm nay vẫn hình dung được vì sao những nơi chốn đó được xếp vào thắng cảnh đất Thần kinh, dẫu cho hàng trăm năm đã trôi qua.

Phần những ngọn núi thiêng đưa người đọc “trekking” những ngọn núi đẹp đẽ có vai trò “quý sơn” trong địa cuộc kinh thành Huế. Những ngọn núi rất gần mà cũng "rất xa" khi không phải người Huế nào cũng biết đến như: Duệ Sơn, Kim Phụng (Thương Sơn), Linh Thái...vốn là những nơi tụ khí linh mạch, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử đặc biệt, đến nay vẫn sừng sững trầm mặc bên Kinh thành.

Phần dấu tích vương triều Tây Sơn trên đất Phú Xuân - mà tác giả đã hệ thống lại những nghiên cứu, phát hiện của các nhà nghiên cứu và cả những dấu tích mà tác giả tự du khảo, khám phá - đã thôi thúc mọi người tiếp tục kiếm tìm, soi sáng về giai đoạn lịch sử dù ngắn nhưng hùng tráng của dân tộc. Đây là mảng nghiên cứu vẫn luôn hấp dẫn và rất cần các hoạt động thực địa điền dã, như một thách thức với những người vì đam mê nghiên cứu và cả những người vì thôi thúc tâm linh.

Nhà báo Bùi Ngọc Long tặng sách cho bạn đọc, người thân đến tham dự buổi ra mắt  sách
Nhà báo Bùi Ngọc Long tặng sách cho bạn đọc, người thân đến tham dự buổi ra mắt sách

Phần về tinh hoa võ học xứ Huế cũng gây ngạc nhiên và gợi cảm hứng mạnh mẽ về sự phát triển võ học cổ truyền phát tích từ đất cố đô, từ việc xây dựng Võ miếu, các khoa thi Hương võ và Hội võ, chuẩn hóa võ học thành sách và đưa vào trường học thành Võ kinh... Không những thế, tác giả đã thu thập được những thông tin thú vị về dòng họ Nguyễn Hữu nổi danh võ tướng trên đất Phú Vang và đã chấp nhận truyền dạy môn Bạch hổ sơn quân - một sáng tạo tuyệt với của dòng tộc ra bên ngoài.

Theo dấu vàng son không chỉ là thông tin mà còn truyền tải trọn vẹn cái cách mà tác giả và nhiều người Huế đã yêu xứ sở của mình: không chỉ là đơn thuần cảnh quan, di tích hay ẩm thực mà sâu sắc hơn, Huế là một thực thể tròn vẹn sống động, phong phú, có thể xác, có linh hồn, có tính cách, có ký ức, có hiện tại - vị lai...

Nguyễn Thị Hồng Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI