Đường sách TPHCM lo mất bản sắc

21/07/2025 - 06:29

PNO - Cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Đường sách TPHCM để lại nhiều trăn trở về “sức khỏe tinh thần” của đường sách hiện nay.

Đến đường sách chủ yếu để chụp ảnh, dạo chơi?

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 mới đây, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM - chia sẻ nhiều điều đáng suy ngẫm. Theo ông, thời gian qua, đường sách vẫn luôn sôi động, nhộn nhịp với rất nhiều sự kiện.

“Thế nhưng, các hoạt động thu hút mọi người đến với đường sách chủ yếu là các chương trình nghệ thuật. Trong tổng số 212 sự kiện được tổ chức nửa năm qua, chỉ 49 sự kiện dành cho sách. Nhiều đơn vị có gian hàng cũng không mặn mà việc tham gia tổ chức sự kiện sách dù chúng tôi đã nỗ lực tìm nhiều cách, cũng như đưa học sinh đến với đường sách tham gia các hoạt động giao lưu” - ông Lê Hoàng nói.

Đường sách TPHCM được kỳ vọng sẽ thay đổi và tiếp tục phát triển - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Đường sách TPHCM được kỳ vọng sẽ thay đổi và tiếp tục phát triển - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Đường sách TPHCM vẫn là không gian thu hút đông đảo bạn trẻ, khách du lịch, nhưng theo ông Lê Hoàng, nhu cầu chủ yếu của số đông là chụp ảnh, trải nghiệm, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tận hưởng không gian văn hóa... Nhu cầu mua sách thực sự tại các gian hàng được phản ánh qua doanh thu, với mức tăng trưởng đến hơn 40% của kinh doanh trực tuyến và doanh thu các mặt hàng lưu niệm.

“Tăng trưởng online phản ánh xu thế tiêu dùng của thời đại số, nơi độc giả ngày càng quen với việc mua sách qua mạng, ít phụ thuộc vào không gian vật lý. Nhưng cũng cần nhìn sâu hơn: doanh thu online chủ yếu đến từ một vài đơn vị, trong khi phần lớn các gian hàng tại đường sách vẫn theo phương thức truyền thống là bán hàng trực tiếp. Nếu sự bứt phá của kênh online không đi kèm chiến lược giữ chân độc giả tại không gian thực thì lâu dần, đường sách sẽ khó giữ được bản sắc” - ông Lê Hoàng nhận định.

Nỗi lo “mất bản sắc” là có thật, khi thói quen “đến đường sách và trải nghiệm” có thể sẽ dần bị thay thế bằng “đặt hàng - nhận sách”. Một trong những lý do khiến một số gian hàng tại đường sách hiện thiếu sức hút là trưng bày đơn điệu, không tạo được điểm nhấn nổi bật thu hút bạn đọc.

Một điểm đáng lưu ý khác là vai trò chủ động của các gian hàng trong việc tạo ra hoạt động đang dần thu hẹp. Nhiều sự kiện sách lâu nay là do ban quản lý và các đối tác bên ngoài tham gia tổ chức. “Các đơn vị không chỉ cần đầu tư cho sản phẩm mà còn phải làm sống lại vai trò “người kể chuyện”, cùng kiến tạo không gian văn hóa đọc sống động” - ông Lê Hoàng kỳ vọng.

Thay đổi để vươn mình cùng đại đô thị

Đường sách TPHCM đang chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 10 năm thành lập (2016-2026) - một dấu mốc với nhiều thành tựu và dấu ấn văn hóa mà đường sách đã để lại cho thành phố suốt gần 1 thập niên qua. Đây cũng là thời điểm để các đơn vị làm sách cùng nhìn lại một khúc quanh quan trọng, với rất nhiều thách thức trong hành trình mới: sự chững lại của số lượng sách bán ra, sự thu hẹp đáng lo ngại của mảng sách thiếu nhi, sự sụt giảm hoạt động của các đơn vị tại chỗ; một số khu vực tiềm năng chưa được khai thác đúng mức (chiếu nghỉ, khu sách cũ, sân chơi thiếu nhi...)...

“Đường sách cần phải giữ được bản sắc, là “thánh địa” của người yêu sách.
“Đường sách cần phải giữ được bản sắc, là “thánh địa” của người yêu sách.

Báo cáo sơ kết từ Ban quản lý Đường sách TPHCM đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo ngành xuất bản cũng như các đơn vị có gian hàng đặt tại đây. Nhiều phương án nhằm tăng sức hút và hiệu quả bán sách tại các gian hàng được đề xuất: tăng cường giới thiệu trước gian hàng sách mới, sách “hot”, sách bán chạy trong tháng hoặc quý...; tạo không gian hoặc sự kiện thu hút bạn đọc vào buổi tối; tổ chức các hoạt động vui cùng sách hấp dẫn cho bạn trẻ, thanh thiếu niên và nhi đồng...

Tại Đường sách Thủ Đức, gian hàng của Phương Nam Books luôn trưng bày tốp sách bán chạy của đơn vị ngay mặt tiền. Tại Đường sách TPHCM, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn đặt bảng giới thiệu các tựa sách mới phát hành. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả mà các đơn vị khác có thể tham khảo. Xây dựng “khung giờ vàng” cố định mỗi tuần, tổ chức hội sách mini hằng tháng... cũng là những phương án khả thi được các đơn vị đề xuất nhằm tăng doanh thu cho gian hàng.

“Đường sách cần phải giữ được bản sắc, là “thánh địa” của người yêu sách. Các hoạt động khác chỉ là bổ trợ để không khí nhộn nhịp hơn” - ông Lê Hoàng nhấn mạnh. Dẫu có vị trí “vàng” và nhiều thuận lợi, Đường sách TPHCM vẫn cần có những thay đổi để vươn mình cùng sự phát triển của đại đô thị.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI