Vì sao dự án Bến Thành – Suối Tiên 'đội vốn' 30.000 tỷ đồng?

04/06/2018 - 15:50

PNO - Theo Bộ GTVT cho biết đã tiến hành thẩm tra dự án Bến Thành - Suối Tiên và đã rút ra hai nguyên nhân lớn khiến dự án này bị chậm tiến độ và tăng vốn đầu tư

Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ GTVT chiều 4/6, ĐBQH đặt vấn đề về việc kéo dài triển khai tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài, gây lãng phí. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, lý do khiến các tuyến đường sắt bị chậm cũng như phát sinh kinh phí cũng có nhiều nguyên nhân.

Bộ trưởng Thể lấy ví dụ về dự án Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn lên tới 30.000 tỷ đồng. Theo đó, Bộ GTVT vừa tiến hành thẩm tra dự án và phát hiện việc đội vốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, giai đoạn 2009 – 2010 lạm phát cao, giá cả tăng liên tục khiến dự án trượt giá.

Vi sao du an Ben Thanh – Suoi Tien 'doi von' 30.000 ty dong?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ ra hai nguyên nhân lớn khiến dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn 30.000 tỷ đồng

Thứ hai, đây là dự án tư vấn trong nước, khi lập giá, đưa quy mô tầm nhìn 2030. Nhưng khi triển khai, TP HCM thấy quá ngắn nên điều chỉnh quy mô, tầm nhìn tới 2040, đưa vào các công nghệ mới, mở rộng cả cầu đường, đường dẫn…

Đây là hai trong số những nguyên nhân khiến dự án bị “đội vốn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cũng thống nhất với ĐBQH về việc một số dự án kéo dài làm tăng chi phí. Bộ trưởng tiếp thu và khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về việc, hàng năm, người dân vừa phải nộp phí BOT vừa phải nộp phí đường bộ "có phải là phí chồng phí?", Bộ trưởng Thể cho biết, trách nhiệm của nhà nước là cung cấp dịch vụ công, nhưng hiện ngân sách eo hẹp, không đủ để phát triển, mở rộng, nâng cấp đường bộ thì phải kêu gọi BOT.

Nhà nước đặt hàng các doanh nghiệp nâng cấp đường để cung cung cấp dịch vụ công. Do đó, việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là phù hợp với chủ trương, đường lối của nhà nước. Những dự án BOT thì nhà đầu tư BOT có trách nhiệm duy tu, nâng cấp. Nếu không duy tu tốt thì dừng không cho thu phí. 

Trả lời ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về việc tại sao không công khai việc các khoản thu từ trạm BOT theo từng ngày, hiển thị trên các bảng thu phí điện tử để người dân theo dõi cho tiện, Bộ trưởng Thể khẳng định đây là việc làm “trong tầm tay”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến cuối năm 2018, Bộ sẽ triển khai thu phí tự động hàng ngày, hàng giờ và trang bị hệ thống này trên Quốc lộ 1, tuyến từ TP.HCM – Tây Nguyên để người dân tiện theo dõi. Khi liên kết các trạm thu BOT với hệ thống thu phí tự động thì có thể theo dõi một cách dễ dàng thay vì theo dõi trên bảng điện tử mà có thể người dân cũng không yên tâm vì sợ bị chỉnh sửa, thay đổi.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI