Vì sao Dinh Thượng Thơ chưa được xếp hạng di tích?

28/12/2019 - 07:36

PNO - Câu chuyện Dinh Thượng Thơ chưa được xếp hạng di tích một lần nữa trở lại, khi nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm vừa chính thức được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố.

Sau nhiều đóng góp ý kiến của các chuyên gia thông qua các kênh truyền thông lẫn hội thảo do thành phố tổ chức, đến nay, công trình gần 140 tuổi này vẫn đang nằm ngoài mọi ràng buộc của Luật Di sản văn hóa 2009.

Có khi nào bị “lọt sổ”?

Đó là câu hỏi của bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM khi được hỏi về việc Dinh Thượng Thơ đến nay vẫn chưa được xếp hạng, thậm chí không nằm trong danh mục kiểm kê, bảo vệ. Trong khi, giá trị lịch sử, kiến trúc lẫn văn hóa của công trình này đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ rõ. Có không ít công trình có tuổi đời, có giá trị tương tự đã được xếp hạng, thì một dấu hỏi lớn mang tên Dinh Thượng Thơ vẫn chưa có câu trả lời. Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được xếp hạng cấp TP, lẽ ra, Dinh Thượng Thơ cũng phải được xếp hạng cấp TP trở lên.

Vi sao Dinh Thuong Tho chua duoc xep hang di tich?
Dinh Thượng Thơ nhìn từ phía đường Đồng Khởi

Mang một sự hụt hẫng lớn khi Dinh Thượng Thơ tới nay vẫn nằm ngoài mọi ràng buộc của Luật Di sản văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói về những lần mừng hụt, thót tim, lo lắng lẫn mong chờ khi nhắc đến công trình này. 

Trước sự quan tâm của dư luận quanh chuyện phá bỏ hay bảo tồn công trình Dinh Thượng Thơ để mở rộng, xây mới UBND TP, một cuộc hội thảo “Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc” tòa nhà Dinh Thượng Thơ, do Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức, đã diễn ra ngày 28/9/2018. Tại đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra lý do cần bảo tồn về mặt quy hoạch, kiến trúc, lịch sử và giá trị văn hóa của công trình.  

“Tôi nghĩ, đó là một động thái rất kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công luận đối với một công trình lịch sử ở trung tâm TP. Sau đó, chúng tôi rất trông chờ động thái tích cực tiếp theo của các ban, ngành liên quan; đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao có nghiên cứu và đề xuất đưa công trình vào diện kiểm kê, tiến tới lập hồ sơ xếp hạng di tích hay không. Tuy nhiên, cả năm nay không thấy động tĩnh gì nữa cả”, tiến sĩ Hậu nhớ lại.

Phó giáo sư - tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, cho rằng: “Nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm vừa chính thức được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp TP. Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để nhắc lại câu chuyện Dinh Thượng Thơ”. 

Chưa được xếp hạng, nằm ngoài danh mục kiểm kê, cũng đồng nghĩa với việc, bất cứ lúc nào, công trình này cũng có thể bị phá bỏ để xây nhà cao tầng với một lý do rất hợp pháp. Nguy cơ công trình bị phá bỏ là một nguy cơ hiện hữu và thường trực, đã được rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cảnh báo suốt thời gian qua.

“Giống như một cánh hoa mỏng tự tàn, Dinh Thượng Thơ cũng đang tự tàn trong cuống thời gian của mình. Chính quyền cần quyết liệt hơn với câu chuyện Dinh Thượng Thơ như đã quyết liệt với hai công trình ở Thủ Thiêm, để chúng ta giữ thêm được một di sản”, phó giáo sư - tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân nói thêm. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lưu ý phương án “trùm phủ” di sản

Một năm sau ý định phá bỏ tòa nhà cổ Dinh Thượng Thơ để mở rộng và nâng cấp trụ sở UBND TP, với rất nhiều tranh cãi, cũng như đóng góp ý kiến từ phía chuyên gia, mới đây, Thường trực UBND TP đã quyết định bảo tồn dinh thự này để làm nhà truyền thống khi TP nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND và UBND. Theo đó, phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên, bảo tồn công trình hiện hữu, và dự kiến cải tạo thành nhà truyền thống UBND TP được lựa chọn. 

Vi sao Dinh Thuong Tho chua duoc xep hang di tich?
 

“Tôi cực kỳ lo ngại về phương án đó, nhất là với tình trạng bảo tồn ở Việt Nam. Bởi, rất nhiều công trình được bảo tồn bằng cách xây dựng công trình mới ngay bên cạnh, dần dần công trình cũ tự nhiên mất dần giá trị. Dinh Thượng Thơ là công trình kiến trúc vật liệu bền vững chứ không phải thô sơ. Nếu có một đánh giá toàn diện về kỹ thuật, cấu trúc, vẫn có những phương án khả thi hơn là “trùm đầu di sản” như thế”, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu băn khoăn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Chính quyền TP nên làm gương trước

Hiện nay, không chỉ Dinh Thượng Thơ, những công trình kiến trúc Pháp cổ, công trình biệt thự có giá trị của TP lên tới con số hàng ngàn công trình, trong đó phần lớn thuộc sở hữu công, do TP trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, phần lớn di sản này chưa được đưa vào danh sách bảo tồn, kiểm kê và xếp hạng. 

Tôi nghĩ, TP nên làm gương trước, đưa những công trình thuộc quản lý của TP vào bảo tồn; khi đó, TP mới vận động được tư nhân cùng tham gia vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn.

Bà Hậu lý giải, kiến trúc đô thị bao giờ cũng gắn với cảnh quan đô thị. Việc xây một khối kiến trúc mới trùm lên một công trình cũ khiến Dinh Thượng Thơ mất đi cảnh quan hài hòa vốn có của nó, khi gắn liền với không gian xung quanh nối từ đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, kéo dài sang Pasteur. Nếu bảo tồn theo điểm, có lẽ Luật Di sản văn hóa không cần phân ra phạm vi 1, 2, 3 của di tích làm gì… Chưa kể, di sản bị “trùm đầu” như thế, tự bản thân nó cũng giảm giá trị về mặt nghệ thuật - kiến trúc. Đồng thời, hạn chế tầm ngắm của cảnh quan xung quanh, mối liên hệ giữa di sản và cộng đồng có nguy cơ bị đứt gãy. Trong thực tế, TP vẫn mở rộng được trụ sở mà vẫn giữ nguyên dinh thự này. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hoan nghênh quyết định bảo tồn, thay vì phá bỏ của TP. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Đây là dự án vừa bảo tồn vừa mở rộng, xây thêm. Bảo tồn và phát triển là một câu chuyện không hề dễ dàng. Song, đây là một công trình quan trọng của TP, nên chăng, chú trọng bảo tồn, bảo tồn được rồi mới tính chuyện mở rộng”.

Vi sao Dinh Thuong Tho chua duoc xep hang di tich?
Là công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, Dinh Thượng Thơ gần 140 tuổi đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích - Ảnh: Soha

Ông Ngô Viết Nam Sơn đưa ra gợi ý: TP nên xem phương án phủ khối kiến trúc mới lên trên khu dinh thự chỉ là một phương án mà thôi; đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn trình những phương án khác nữa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu được, nên tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ, trưng bày các bản vẽ, để ít nhất giới chuyên gia, nghiên cứu và cả người dân được biết hoặc góp ý, nhằm minh bạch hóa, công khai một vấn đề quan trọng của TP, cũng là một cách lôi kéo cộng đồng tham dự câu chuyện bảo vệ di sản. Nhất là khi, trên thế giới, Gensler không phải là đơn vị mạnh và giỏi về bảo tồn, họ chỉ mạnh về những kiến trúc hiện đại. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: “TP thông minh hay sáng tạo cũng nằm ở chủ thể của đô thị ấy”

Hiện nay, cùng với “cuộc cách mạng 4.0”, “TP thông minh, sáng tạo” là hai  thuật ngữ đang được xem như mốt thời thượng, xu hướng. Nhưng tôi nghĩ, thông minh, sáng tạo hay không nằm ở con người - chủ thể của đô thị ấy. Nếu chủ thể ấy chỉ có những kiến thức về trí khôn nhân tạo, trí tuệ nhân tạo mà không có mối liên hệ nào với quá khứ, không hiểu gì về đặc trưng của vùng đất mình đang sống, liệu sự thông minh ấy dựa trên cái gì để phát triển TP? Và liệu sự phát triển đó có đúng hay không? 

Vi sao Dinh Thuong Tho chua duoc xep hang di tich?
TS Nguyễn Thị Hậu - Ảnh ký họa: HS Hoàng Tường

Bất cứ sự thông minh nào cũng phải dựa trên những thành quả của người đi trước, kể cả thành quả về lịch sử, văn hóa và kinh tế. Kế hoạch về sự phát triển ấy có mang lại hiệu quả hay không, hay chỉ nghĩ ra thế thôi, được thì được, không được thì thôi, rồi lại đi tìm một sự phát triển khác, biết thế nào cho đủ? 

Và cuối cùng, thông minh hay không vẫn nằm ở những người điều hành, và những công dân của TP. Nghĩ ra cái gọi là thông minh cũng là con người, mà điều hành cái thông minh ấy cũng là con người. Nếu chúng ta cứ nói TP thông minh, sáng tạo và cách mạng 4.0, mà không nuôi dưỡng tình yêu lẫn tri thức về vùng đất mà ta đang sống, thì cuối cùng, ta sẽ đi đến đâu, về đâu? Tôi nghĩ, bảo tồn di sản, bồi dưỡng cho con người tri thức về chiều sâu của tâm thức, văn hóa, lịch sử, xã hội, đó sẽ là một nền tảng cơ bản để có thể phát triển, thông minh và sáng tạo một cách bền vững nhất.

Du Nguyên (ghi)

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI