Vì sao nhiều di tích bị trì hoãn xếp hạng?

08/04/2015 - 21:58

PNO - PN - Hiện nay ở TP.HCM có rất nhiều di tích đang xuống cấp theo thời gian, nhưng để được xếp hạng, gìn giữ, tu bổ lại là chuyện không dễ…

edf40wrjww2tblPage:Content

Tính đến nay, TP.HCM có tất cả 156 công trình đã được công nhận di tích quốc gia và cấp thành phố (TP). Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng một số di tích mới: trụ sở UBND TP.HCM, Viện Pasteur, các trường học: Marie - Curie, Hồng Bàng, Lê Quí Đôn, Lê Hồng Phong…

Nếu được đưa vào danh sách đối tượng cần bảo tồn, những di tích này sẽ được nhà nước bảo vệ, không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của đô thị. Còn ba công trình mang dấu ấn Sài Gòn xưa chưa nhận được sự đồng thuận do phải chờ ý kiến của đơn vị chủ quản là Chợ Bến Thành, Chợ Tân Định và Bưu điện TP.HCM.

Vi sao nhieu di tich bi tri hoan xep hang?

Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng của TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích

Ngoài điệp khúc thiếu kinh phí, thì theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), nguyên nhân khiến nhiều di tích chưa được xếp hạng là do một số cơ quan chủ quản cố tình trì hoãn. Bởi, khi công trình được xếp hạng di tích thì bất cứ lúc nào muốn trùng tu hay sửa chữa gì (dù nhỏ nhất) cũng phải được sự cho phép của UBND TP hoặc Cục Di sản văn hóa. Vì sợ rắc rối, nhiều đơn vị đã… từ chối việc xếp hạng.

Chưa kể, theo quy định, di tích muốn xếp hạng phải có đơn xin của chủ sở hữu và một khi đã được công nhận thì phải chịu sự chi phối của Luật Di sản và cơ quan quản lý nhà nước, đó là vướng mắc lớn nhất hiện nay. Tùy theo cấp xếp hạng loại di tích mà phân quyền cấp phép khác nhau. Di tích thuộc hạng quốc gia phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa, còn cấp TP thì khi di tích muốn làm gì phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước mới được sửa chữa theo Luật Xây dựng.

Tuy nhiên không thể vì thế mà để những công trình mang dấu ấn lịch sử bị chủ sở hữu toàn quyền quyết định việc xếp hạng. Luật gia Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) bức xúc: “Di tích lịch sử là những công trình văn hóa mang tầm vóc quốc gia và quốc tế chứ không phải do một đơn vị, hay nhóm người nào là chủ sở hữu có quyền định đoạt. Vì vậy theo tôi, những công trình nào nếu hội đủ các yếu tố được xếp hạng di tích thì nhà nước nên tiến hành lập hồ sơ để xếp hạng ngay”.

Theo nhà sử học, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần, TP.HCM đang sở hữu một số lượng lớn di tích, dù ở dạng nào cũng phải được gìn giữ, tôn tạo. Ông khẳng định: “Đã là di sản thì không phải của riêng ai mà là của chung. Những người chịu trách nhiệm trông coi hoặc quản lý di tích ấy phải nhanh chóng tiến hành các thủ tục để được xếp hạng".

 QUỲNH TRÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI