Điệp vụ biển Đỏ: Trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim

26/03/2018 - 07:44

PNO - Cường độ làm việc của Hội đồng duyệt phim chắc chắn là cao nhưng cũng không thể lấy lý do đó để biện bạch cho những sai sót trong lúc kiểm duyệt, nhất là đối với những sai sót liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Mấy ngày qua, khán giả Việt vẫn chưa thôi phẫn nộ với những hình ảnh cuối phim Điệp vụ Biển Đỏ (Operation Red sea, phát hành tại Việt Nam từ ngày 16/3) - những hình ảnh tuyên truyền hết sức kệch cỡm của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Diep vu bien Do: Trach nhiem cua Hoi dong duyet phim

Một bộ phim đầy màu sắc tuyên truyền kệch cỡm của Trung Quốc, với những thông tin sai trái về chủ quyền Biển Đông, vẫn có thể ung dung ra rạp Việt Nam. Trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim tới đâu trong trường hợp này?

Cụ thể cảnh phim xuất hiện hình ảnh những chiến hạm tối tân của Trung Quốc vây một chiếc tàu, phát cảnh báo, yêu cầu tàu lạ tránh xa, không được xâm phạm vào hải phận Trung Quốc. Cùng lúc, trên màn hình hiện dòng chú thích bối cảnh phim là South China Sea tức Nam Hải - cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Chủ quyền quốc gia, biển đảo luôn là điều hết sức thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam. Để lọt một cảnh phim cho rằng, South China Sea là của Trung Quốc là việc làm hết sức khó hiểu của cả nhà nhập phim, phát hành lẫn Hội đồng duyệt phim.

Một bộ phim đầy rẫy bạo lực, ý đồ lộ liễu như Điệp vụ Biển Đỏ vẫn được cấp phép phát hành tại Việt Nam khiến người xem không khỏi đặt dấu hỏi về mục đích phổ biến phim, khi mà tác phẩm này ra rạp chẳng khác gì cái loa tiếp tay tuyên truyền cho những hành động, âm mưu bá chủ trên Biển Đông của Trung Quốc.

Chưa kể, khi đặt cảnh phim ấy trong tương quan với 130 phút phim trước đó, thấy rõ Điệp vụ Biển Đỏ, với dày đặc những cảnh bắn giết, cháy nổ, đầu rơi máu đổ, chết chóc không toàn thây hoàn toàn là một tác phẩm được làm ra để ca ngợi một cách thái quá sức mạnh quân đội, đặc biệt phô diễn sức mạnh hải quân Trung Quốc như một cách “dằn mặt” cộng đồng quốc tế.

Sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt, Điệp vụ Biển Đỏ đã hoàn toàn vắng bóng khỏi các rạp từ ngày 25/3 với lý do đơn vị phát hành CGV đưa ra là phim ít khách, phải nhường chỗ cho các phim khác.

Tuy nhiên, số liệu cụ thể về lượng vé bán ra thì ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành CGV - cho biết, phải đến 26/3 đơn vị mới tập hợp. Theo ghi nhận thực tế của người viết, đã đến rạp xem phim vào ngày 22/3, phòng chiếu được 2/3 khách lấp đầy, dù phim quả thật rất “khô khan”.

Vụ việc Hội đồng duyệt phim quốc gia để lọt hình ảnh lố bịch của Điệp vụ Biển Đỏ gợi lại lần đoàn làm phim Dạ cổ hoài lang đưa ảnh bà Tống Mỹ Linh lên bàn thờ làm di ảnh cho một nhân vật trong phim. Hội đồng kiểm duyệt cũng không nhận ra, để đến khi ra rạp, chi tiết này bị khán giả phát hiện và hội đồng mới làm việc lại với nhà sản xuất, sửa chữa.

Tất nhiên, so với hai phút cuối phim Điệp vụ Biển Đỏ, sơ suất của đoàn phim Dạ cổ hoài lang chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Nhưng qua đó cho thấy, quá trình và năng lực thẩm định của Hội đồng duyệt phim với trên dưới 10 thành viên vẫn còn nhiều kẽ hở có thể khiến con voi chui lọt lỗ kim.

Ngay cả những khán giả bình thường cũng nhận ra ý đồ bẻ cong sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế của phim thì các “nhà chuyên môn” ở Hội đồng duyệt phim khó có thể nói rằng, mình không biết, không để ý hoặc vì yếu kém. Điều đáng ngạc nhiên là cho đến tận bây giờ, Cục Điện ảnh vẫn chưa lên tiếng chính thức về “sự cố” trên, thậm chí cũng không có động thái nào khác để ngăn chặn tác phẩm tuyên truyền sai trái này.

Động thái rút phim khỏi các rạp là do CGV tự thực hiện, sau phản ứng của khán giả, không phải do yêu cầu từ cơ quan chức năng. Một chuyện cũng đáng ngạc nhiên nữa là phát biểu của ông Nguyễn Hoàng Hải với báo chí: “Tôi nghĩ người xem nhạy cảm quá, nên suy diễn là biển của Việt Nam, chứ trong phim không nói gì”. Ông Hải đang phát biểu với tư cách là công dân nước nào vậy?

Khâu kiểm duyệt phim được đặt ra vốn là để sàng lọc, hạn chế những sản phẩm văn hóa không tốt tiếp cận với công chúng trong tình hình Việt Nam không đưa ra định mức nhập phim ngoại (như Trung Quốc), dẫn đến lượng phim nhập về tăng hàng năm (năm 2016: 194 phim, năm 2017: 265 phim).

Cường độ làm việc của Hội đồng duyệt phim chắc chắn là cao nhưng cũng không thể lấy lý do đó để biện bạch cho những sai sót trong lúc kiểm duyệt, nhất là đối với những sai sót liên quan đến chủ quyền quốc gia. Hơn ai hết, những thành viên trong hội đồng phải có trực giác tốt, nhạy bén chính trị để nhận ra những thông điệp lộ liễu hay ẩn giấu sau mỗi bộ phim. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI