Vắc xin COVID-19 tăng cường rất quan trọng để duy trì hệ miễn dịch

16/07/2022 - 21:15

PNO - Theo một nghiên cứu mới, việc tiêm các mũi vắc xin COVID-19 tăng cường là rất quan trọng để duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể.

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Trường Y tế công và Đại học Bắc Carolina (UNC) thực hiện, được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Khoa học quốc gia (Mỹ). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng kháng thể có được sau khi tiêm vắc xin mRNA sẽ cao hơn lượng kháng thể được sinh ra từ việc bị nhiễm bệnh tự nhiên. 

Điều này có nghĩa là, những người đã tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ tránh bị tái nhiễm tốt hơn những người chưa tiêm và đã khỏi bệnh COVID-19.

Nhóm các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu việc tiêm vắc xin mRNA hoặc tiêm nhắc lại giúp duy trì khả năng miễn dịch tránh bị nhiễm COVID-19 trong bao lâu.

vắc xin mRNA có thể tạo ra nhiều kháng thể hơn tại “thời điểm sản xuất cao nhất”, và do đó có khả năng bảo vệ cao hơn so với việc bị nhiễm bệnh tự nhiên.
Vắc xin mRNA có khả năng bảo vệ cao hơn so với việc bị nhiễm bệnh tự nhiên

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng kháng thể được sinh ra sau khi tiêm vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) và vắc xin vectơ virus (AstraZeneca và Johnson & Johnson) so với kháng thể được sinh ra từ việc bị nhiễm bệnh tự nhiên.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, vắc xin mRNA có thể tạo ra nhiều kháng thể hơn tại “thời điểm sản xuất cao nhất”, và do đó có khả năng bảo vệ cao hơn so với việc bị nhiễm bệnh tự nhiên. Trong khi đó, vắc xin vectơ virus chỉ tạo ra lượng kháng thể tương đương với lượng kháng thể được sinh ra từ việc bị nhiễm bệnh tự nhiên tại thời điểm này.

Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này có nghĩa là vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson dự kiến ​​sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ ngắn hạn hơn, và thấp hơn trong việc tránh “sự lây nhiễm đột phá sau tiêm chủng” (tức những trường hợp đã tiêm liều vắc xin đầu tiên hoặc đã tiêm liều đầu tiên và nhắc lại nhưng vẫn nhiễm bệnh). Chính xác hơn, vắc xin mRNA giúp kéo dài thời gian bảo vệ gần gấp 3 lần so với vắc xin vectơ virus.

Tuy nhiên, dù khả năng bảo vệ của những loại vắc xin này mạnh đến đâu thì cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Do đó, để đạt được sự bảo vệ tương đối chắc chắn tránh bị tái nhiễm, cần phải tiêm các mũi tăng cường, nhất là những mũi tiêm của các vắc xin đã được điều chỉnh và cập nhật để chống lại các biến thể mới.

“Chúng ta đang chạy đua vũ với loại virus này. Nó sẽ tiến hóa theo cách tránh được cả phản ứng miễn dịch tự nhiên và phản ứng miễn dịch do vắc xin tạo ra. Như chúng ta đã chứng kiến với biến thể Omicron, các loại vắc xin đã từng được sử dụng để chống lại những chủng virus ban đầu lại trở nên kém hiệu quả hơn trong việc chống lại các chủng mới”, Alex Dornburg - trợ lý giáo sư tại UNC và là thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết. 

Jeffrey Townsend - Giáo sư khoa Thống kê sinh học tại Trường Y tế công Yala, và là tác giả chính của nghiên cứu - cũng nói thêm: “Điều quan trọng cần nhớ là miễn dịch tự nhiên và tiêm chủng không loại trừ lẫn nhau. Nhiều người sẽ có khả năng miễn dịch một phần từ nhiều nguồn. Vì vậy, hiểu được “độ bền tương đối” của khả năng sinh ra miễn dịch từ những nguồn này là chìa khóa để quyết định khi nào cần tăng cường cho hệ miễn dịch”.

Nhất Nguyên (theo JPost)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI