Ủy ban sông Mê Kông yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn nước

25/08/2020 - 20:43

PNO - Hôm 25/8, Ủy ban sông Mê Kông (MRC) thúc giục Trung Quốc hợp tác với các chuyên gia của cơ quan để chia sẻ dữ liệu thường niên về dòng sông huyết mạch của khu vực Đông Nam Á.

Trước đây, Bắc Kinh luôn giữ riêng dữ liệu nhằm ép các quốc gia ở trung và hạ lưu tham gia tổ chức Mê Kông mới của riêng mình.

Việc kiểm soát các vùng nước trên sông Mê Kông ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu nông dân, ngư dân sống phụ thuộc vào dòng sông. Một báo cáo từ công ty nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ vào nửa đầu năm 2020 cáo buộc Trung Quốc cố tình giữ lại một lượng lớn nước trong đợt hạn hán năm 2019.

Phía Bắc Kinh đã phản đối quan điểm này, khẳng định các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông – đoạn Lan Thương – là nhằm kiểm soát tình hình mưa lũ ở Trung Quốc.

Đợt hạn hán năm 2019-2020 trên sông Mê Kông khiến hàng triệu người dân tại các quốc gia ở hạ lưu như Thái Lan, Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đợt hạn hán năm 2019-2020 trên sông Mê Kông khiến hàng triệu người dân tại các quốc gia ở hạ lưu như Thái Lan, Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Tuyên bố hôm 25/8 của Ủy ban sông Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc hứa chia sẻ thêm dữ liệu quản lý nước từ phần sông của họ với các quốc gia Đông Nam Á.

 An Pich Hatda - quan chức ban thư ký của Ủy ban - cho biết: “Bất kỳ dữ liệu và thông tin nào trong tương lai được chia sẻ bởi các nước thành viên MRC, trong khuôn khổ LMC nên định hình theo sự hợp tác chặt chẽ với ban thư ký MRC để chúng ta có thể kết nối hai nền tảng một cách hiệu quả”.

LMC là sáng kiến “Hợp tác Mê Kông – Lan Thương” do Trung Quốc đề xướng, nhằm hợp tác phát triển, khai thác bền vững dòng sông. LMC - bao gồm Trung Quốc và năm quốc gia Đông Nam Á - đã tổ chức một hội nghị trực tuyến vào hôm thứ Hai 24/8.

Trung Quốc không có hiệp ước về tài nguyên nước với các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông và chỉ chia sẻ dữ liệu một cách hạn chế về dòng chảy trên phần thượng lưu của sông Lan Thương trong mùa gió mùa.

Hai năm hạn hán kỷ lục trên sông Mê Kông dài 4.350km đã tàn phá cuộc sống của nhiều người trong số 60 triệu dân cư có sinh kế phụ thuộc vào con sông.

Quản lý sông Mê Kông trở thành một mặt trận khác trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Thái Lan mô tả việc Trung Quốc tạo ra LMC như một cách để vượt qua MRC, thiết lập chương trình nghị sự riêng của mình về phát triển tuyến đường thủy huyết mạch và dùng nguồn nước làm "con tin" trong mối quan hệ với các nước láng giềng. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI