Trung tâm nghiên cứu Mỹ có thêm bằng chứng đập thủy điện Trung Quốc giữ nước sông Mê Kông

14/04/2020 - 07:00

PNO - Phát hiện của Eyes on Earth Inc. - công ty nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu về nước - được công bố trong một nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ, có thể làm phức tạp các cuộc thảo luận khó khăn giữa Trung Quốc và các nước Mê Kông khác về cách quản lý dòng sông dài 4.350km, hỗ trợ sinh kế cho 60 triệu người, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh về nguồn nước

Một đoạn sông Mê Kông khô hạn tại Thái Lan vào tháng 8/2019.
Một đoạn sông Mê Kông khô hạn tại Thái Lan vào tháng 8/2019

Hạn hán năm 2019, mực nước hạ lưu sông Mê Kông rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm, đã tàn phá cuộc sống hàng triệu nông dân và ngư dân. Dòng sông trơ đáy cát dọc theo một số đoạn và chuyển từ màu nâu đục thường thấy sang màu xanh sáng vì nước rất nông và thiếu trầm tích.

Chính phủ Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của các quốc gia, nói rằng khu vực thượng nguồn chảy qua Trung Quốc (đoạn Lan Thương) có lượng mưa thấp trong mùa gió mùa năm ngoái.

Các phép đo vệ tinh về độ ẩm bề mặt trên đất liền ở Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam, nơi thượng nguồn sông Mê Kông, cho thấy khu vực này thực sự có lượng mưa và tuyết tan kết hợp trên trung bình một chút trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10. Ông Alan Basist - nhà khí tượng học và Chủ tịch của Eyes on Earth cho biết: “Nếu Trung Quốc tuyên bố rằng họ không góp phần vào hạn hán, dữ liệu cho thấy điều ngược lại”.

Mực nước đo được ở hạ lưu từ Trung Quốc trở xuống, dọc biên giới Thái Lan-Lào có lúc thấp hơn tới 3 mét so với mức cần thiết. Điều đó cho thấy Trung Quốc không cho phép nước chảy ra trong mùa mưa, dù việc này tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán ở hạ lưu.

Tác động bất hợp lý

Ảnh hưởng 11 đập thủy điện của Trung Quốc đối với thượng nguồn sông Mê Kông đã được tranh luận từ lâu, nhưng dữ liệu vẫn còn khan hiếm vì Trung Quốc không công bố hồ sơ chi tiết về lượng nước mà đập đang sử dụng để lấp đầy hồ chứa. Eyes on Earth chỉ ước tính chúng có công suất kết hợp là hơn 47 tỷ mét khối.

 

11 đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mê Kông - đoạn Lan Thương chảy qua Trung Quốc, được cho là nguyên nhân góp phần dẫn đến khô hạn ở vùng hạ lưu.
11 đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mê Kông - đoạn Lan Thương chảy qua Trung Quốc, được cho là nguyên nhân góp phần dẫn đến khô hạn ở vùng hạ lưu

Trung Quốc - nơi không có hiệp ước về nước chính thức với các nước hạ lưu sông Mê Kông - hứa sẽ hợp tác để quản lý dòng sông và cũng để điều tra nguyên nhân của hạn hán kỷ lục năm 2019.

Nhưng Mỹ - đối thủ đang thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, nói rằng Bắc Kinh về cơ bản kiểm soát sông Mê Kông. Năm 2019 tại Bangkok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng hạn hán xảy ra sau quyết định giữ nước ở thượng nguồn của Trung Quốc .

Bắt đầu từ năm 2012, khi các đập thủy điện trên sông Mê Kông của Trung Quốc xuất hiện, mô hình và mực nước sông bắt đầu phân kỳ trong nhiều năm, trùng với thời kỳ các hồ chứa của Trung Quốc tích đầy trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô. Sự khác biệt đặc biệt rõ rệt vào năm 2019.

Trung Quốc bác bỏ những phát hiện từ Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với Reuters: “Lời giải thích rằng việc xây dựng đập Trung Quốc trên sông Lan Thương đang gây ra hạn hán ở hạ lưu là không hợp lý”.

Bộ này cho biết tỉnh Vân Nam đã bị hạn hán nghiêm trọng vào năm 2019 và lượng hồ chứa tại các đập Trung Quốc trên sông đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, Brian Eyler - Giám đốc Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson, cho biết khẳng định đó không phù hợp với dữ liệu nghiên cứu mới: “Một là Bắc Kinh đang nói dối, hai là những người điều hành đập của họ đang nói dối. Có người nào đó đang che giấu sự thật”.

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI