Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19: Họ vẫn trong tim người ở lại

19/11/2021 - 10:35

PNO - Trong đại dịch COVID-19 cả nước có hơn 23.000 người qua đời, trong đó, TPHCM có hơn 17.000 người. Vào lúc 20g ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức lễ tưởng niệm cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19.

Cùng thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất

Đêm nay, vào thời khắc tiếng chuông chùa và nhà thờ cùng còi tàu vang vọng khắp thành phố để tưởng niệm những bệnh nhân COVID-19 qua đời, gia đình bà Nguyễn Thị Nga - 68 tuổi, ở P.An Lạc, Q.Bình Tân - sẽ ngồi quây quần bên nhau cùng nhớ về người đàn ông trụ cột của gia đình. Chồng bà Nga là ông Ung Kim Điệp - nguyên bảo vệ dân phố khu phố 5, P.An Lạc - đã qua đời hôm 20/8 do COVID-19. Ngày 5/10, ông được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Nga đang xem lại hình ảnh của người chồng quá cố và kể cho hai cháu ngoại nghe những kỷ niệm đẹp lúc ông Điệp còn sống
Bà Nga đang xem lại hình ảnh của người chồng quá cố và kể cho hai cháu ngoại nghe những kỷ niệm đẹp lúc ông Điệp còn sống

Bà Nga kể, vợ chồng bà cưới nhau đã hơn 40 năm. Hồi còn trẻ, ông bà cùng làm ở công ty lương thực. Lúc về hưu, ông Điệp tham gia công tác ở tổ dân phố, khu phố suốt hơn 10 năm qua. Những ngày dịch bệnh lây lan nhanh ở P.An Lạc, ông Điệp bám trụ ở các chốt phong tỏa và đi phát túi an sinh cho người dân. Nhiều hôm, ông đi thâu đêm, đến gần sáng mới về nhà nghỉ ngơi.

Đầu tháng 8/2021, ông Điệp xét nghiệm COVID-19, cho kết quả dương tính. Sau đó, bệnh trở nặng, ông được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Q.Bình Tân. Người nhà của ông Điệp sau đó cũng lần lượt mắc COVID-19. Do có bệnh nền, thể trạng yếu nên bà Nga được đưa vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương. Vài ngày sau đó, ông Điệp trở nặng, cũng được chuyển vào bệnh viện này. Vợ chồng ông bà nằm điều trị cách nhau một vách ngăn nhưng chưa từng gặp nhau.

Bà Nga kể: “Hôm 18/8, ổng chuyển nặng nên được đưa vào Bệnh viện Trưng Vương. Lúc đó sức khỏe tôi còn yếu, tụi nhỏ sợ tôi xúc động, ảnh hưởng sức khỏe nên không cho hay. Hai ngày sau thì ổng bỏ tôi mà đi. Khi sức khỏe tôi đã ổn định, tụi nhỏ mới cho hay ổng mất rồi”. 

Hơn 40 năm gắn bó vợ chồng, bà Nga cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có được một người chồng chịu khó, thương vợ con và hết lòng vì cộng đồng. Hôm chính quyền địa phương đưa tro cốt ông Điệp về nhà, bà con ở tổ dân phố 111, khu phố 5 xếp hàng dài trên con đường Ngô Y Linh, cúi đầu tiễn biệt người bảo vệ dân phố hết lòng vì dân. Bà Nga cho hay, trong ngày TPHCM tưởng niệm những người mất do đại dịch COVID-19, bảy người trong gia đình bà sẽ ngồi bên nhau, cùng thắp nén hương tưởng nhớ chồng bà. 

Hôm 13/11, ông Nguyễn Thành Minh được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.8 gửi thư mời đến chùa Long Hoa để dự lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Đã hơn hai tháng kể từ ngày người vợ mất vì COVID-19, người đàn ông 60 tuổi này vẫn cảm thấy hụt hẫng, trống vắng: “Đợt dịch này gây đau thương, mất mát dữ quá. Tôi sẽ cùng gia đình đến dự lễ tưởng niệm, cầu siêu cho bà ấy ở chùa Long Hoa, sau đó sẽ về nhà thắp một nén nhang, nhớ lại những vui buồn mà chúng tôi đã trải qua”.

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.8, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, có 435 người mất do COVID-19 tại quận này, đồng thời có 2.396 người mất tại các bệnh viện, được Bộ Tư lệnh TPHCM chuyển tro cốt về. Tối 19/11, nhiều người dân Q.8 sẽ ra bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để thả hoa đăng tưởng nhớ những người đã mất trong đợt dịch vừa qua. 

Chị Vương Tố Trân (P.14, Q.8) tâm sự: “Trong đợt dịch vừa qua, gia đình tôi có 12 người mắc COVID-19. Không may, hai người dì của tôi đã không qua khỏi. Đêm tưởng niệm, gia đình chúng tôi sẽ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé thả hoa đăng, sau đó sẽ về thắp nhang lên bàn thờ của hai dì”.

Người ở lại nguyện sống tốt hơn

Hơn một tuần qua, chị Nguyễn Thanh Thảo (30 tuổi, ở P.17, Q.Gò Vấp) lụi cụi làm một gian phòng thờ cha mẹ mình. Với chị, đây không chỉ là căn phòng thờ mà còn là nơi lưu lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong những ngày chị còn cha mẹ ở bên. 

Bà Nga đang xem lại hình ảnh của người chồng quá cố và kể cho hai cháu ngoại nghe những kỷ niệm đẹp lúc ông Điệp còn sống
Hình ảnh bà Vang (trái) lúc đi phát bánh mì cho người dân ở khu phong tỏa được nhiều người lưu lại để tưởng nhớ về người tổ trưởng hết lòng vì mọi người

Chị Thanh Thảo là con gái duy nhất của ông Nguyễn Văn Thức - Tổ trưởng tổ dân phố 85, khu phố 11, P.17, Q.Gò Vấp. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, trong lúc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở địa phương, ông Thức không may bị nhiễm COVID-19 và qua đời vào ngày 27/7. Mẹ chị Thảo cũng nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 3/8. Chị Thảo tâm sự: “Mất cùng lúc hai người thân yêu là nỗi đau không thể nói bằng lời. Cha mẹ tôi một đời sống vì gia đình và cộng đồng nên tôi cũng sẽ cố gắng noi gương ông bà, sống tốt”.

Những ngày TPHCM bước vào cuộc sống “bình thường mới”, người dân ở ấp 4A đã tới căn nhà nhỏ của bà Đào Thị Vang - Tổ trưởng tổ nhân dân 7, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh - để thắp nén nhang cho bà. Ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng ấp 4A - cho biết, ngoài làm tổ trưởng tổ 7, bà Vang còn tham gia Hội Chữ thập đỏ và Hội LHPN xã Vĩnh Lộc B.

Những ngày dịch COVID-19 còn phức tạp, bà Vang nấu cơm, phát thực phẩm cho người dân và lực lượng tham gia chống dịch. Ngày 23/7, bà Vang được phát hiện mắc COVID-19, đến ngày 4/8 thì qua đời. “Bà con ở đây ai cũng thương chị ấy vì tính hiền lành, nhiệt tình, hết lòng vì mọi người. Hôm hay tin chị Vang mất, chị em trong các khu trọ công nhân cũng bàng hoàng, xót xa” - ông Bùi Quốc Dũng kể.

Chị Trần Thị Tường Vi - con gái út bà Vang - cho biết, mẹ chị làm tổ trưởng từ sáu năm nay. Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mẹ chị đi tham gia chống dịch từ sáng cho đến tận khuya mới về nên hai mẹ con ít gặp nhau. Mấy tháng qua, những lúc thấy trống vắng trong lòng, chị thường ra bàn thờ thắp hương, rồi ngồi xem lại những tấm hình của mẹ mình trong những ngày tháng tham gia chống dịch COVID-19.

Chị nói: “10 năm trước, tôi đã mất ba, bây giờ mất mẹ. Đau thương thì rất nhiều, nhưng tôi cũng tự hào về những việc mẹ tôi đã làm. Mấy anh em chúng tôi sẽ gắng sống thật tốt để xứng đáng với những gì mẹ kỳ vọng”.

20g30 đêm nay, cả thành phố sẽ lặng im để tưởng nhớ, cầu nguyện cho hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước đã qua đời trong đại dịch COVID-19. Hồi chuông tưởng niệm sẽ vang lên để mọi người tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất nhưng đồng thời cũng cảnh tỉnh mọi người về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chúng ta - những người ở lại - không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh và cần xây dựng lối sống lành mạnh để sống chung an toàn với COVID-19. 

Vận động người dân tắt đèn, thắp nến trong lễ tưởng niệm

Tối 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19. Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra ở Hội trường Thống Nhất và 22 điểm cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tại điểm cầu Hà Nội dự kiến sẽ có 300 đại biểu tham dự lễ tưởng niệm diễn ra ở công viên Thống Nhất.

Tại TPHCM, lễ tưởng niệm tại Hội trường Thống Nhất sẽ diễn ra từ 20g đến 20g30; từ 20g32, các địa phương sẽ bắt đầu nghi thức tưởng niệm của địa phương, kết thúc sớm nhất lúc 21g và có thể kéo dài tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn thực hiện nghi thức tưởng niệm.

Lúc 20g30, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn thành phố sẽ cùng gióng chuông, đánh trống. Tàu, thuyền, sà lan… đang neo đậu tại các khu vực cảng kéo còi để tưởng niệm.
Ngoài ra, trong lễ tưởng niệm còn có nghi thức thả đèn hoa đăng sẽ được thực hiện tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. 

Trong thời gian diễn ra lễ tưởng niệm, TPHCM vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch.

 Sơn Vinh

 

 

 

 

 
TIN MỚI