Từ đâu, ngọn gió giang hồ?

19/04/2020 - 09:32

PNO - Trong 20 tiếp viên lưu động của quán N. ở H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, Hiếu “đắt hàng” bậc nhất. Mới 26 tuổi, lại vừa chuyển địa bàn từ H.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) qua Chợ Mới nên với khách ở nơi này, Hiếu là “của lạ”.

“Con bị bắt mười mấy ngày, mới được thả ra sáng nay nên con dọt dìa quê liền”.

Tôi đang trên chuyến xe đò đêm từ TP.HCM về Châu Đốc (tỉnh An Giang) thì nghe câu nói kèm tiếng ho hung hắng vào điện thoại của cô gái ở hàng ghế trước. Nghe từ “bị bắt” cùng tiếng ho, tôi nghĩ ngay đến chuyện “cách ly” vì COVID-19. Tôi nín thở nghe như bị hút vào câu chuyện. 

“Má con còn nợ 250 triệu…”

Tôi tránh nhìn vào màn hình điện thoại to đang bật sáng trưng giữa chiếc xe tối mù. Nhưng giọng cô gái vẫn sang sảng:
- Con mới được thả ra sáng nay hà dì Năm. Cảnh sát bỏ vô chiếc xe tối hù, hụ còi om sòm, rồi còng ra tới sân bay Mã (Malaysia - PV), đưa vô tới chỗ chờ luôn rồi cho bay về Việt Nam”. 

- Có đeo khẩu trang không con?

- Nó (cảnh sát - PV) không cho đeo khẩu trang, đi mặt nhơn nhơn nhục muốn chết. Lên máy bay đói bụng mà không có tiền ăn, may xuống sân bay con gặp chị Hà, mượn tiền mua cái bánh bao tính ăn, nhưng được thả mừng quá nên ăn cũng không được.  

- Tội nghiệp, con gái con đứa mà phải ở tù… - Người dì không giấu giọng xót xa.

- Lần này công an bự bắt nên không thoát được. Tiệm của con bị bắt 26 người, còn tiệm massage Thái Lan gần đó bị bắt năm mươi mấy người. Nó đem về đồn nhốt, phòng con ba mấy người là đỡ lắm, có phòng năm mươi mấy người nữa. Y như trong phim vậy Năm.

- Có phải mặc đồ tù không con?

- Không Năm, vô “nó” bắt mua bộ đồ gần 500 ngàn tiền Việt mình.

- Có một bộ rồi làm sao giặt?

- Tụi con chỉ giặt nửa cái thôi. Giặt quần thì mặc áo…

- À, trong đó ăn no không con, có đồ ăn không? Con có ốm không?

- Có Năm! Mà con đâu soi gương, giờ rảnh nói chuyện với Năm, nhìn vô camera nhưng thấy mờ mờ hà.

Mặc kệ những chuyện “kinh khủng” trong lời kể của cô gái, người dì vẫn chỉ hỏi liên tiếp những chuyện ăn, mặc, gầy, ốm. Bất giác, bà hỏi:

- Rồi mơi mốt con tính làm gì?

- Thì con làm lại passport rồi qua bển làm tiếp - giọng người cháu tỉnh rụi.

- Thôi, bỏ nghề đi con, kiếm cái gì khác mà làm, chớ làm nghề này tủi nhục mà bị bắt bớ thấy sợ quá.

- Chưa được Năm ơi! Mẹ con còn thiếu dì Thủy 250 triệu, con phải trả hết cho mẹ rồi ráng làm kiếm tiền mua cho anh Trung chiếc xe hơi chạy dịch vụ. Rồi con còn lo cho thằng Phương ăn học, mua cho thằng Gin cái nhà hay miếng đất để sau này làm của. Mơi mốt êm êm con qua làm lại.

- Nghĩ kỹ đi con... Hay con đi bán quán ăn đi.

Nghe tới đây, cô gái giãy nảy:

-Trời, cái này trớt quớt với con. Mà con làm nghề này khỏe lắm Năm ơi, con làm một tháng bên đó bằng Năm làm một năm bên này. 

- Lỡ nó nhốt luôn rồi sao?

Bất chợt có tiếng phụ xe: “Xuống Rạch Sâu nè chị gái ơi”. Cô gái bật dậy, xuống xe với hành lý chỉ có đúng món đồ chơi siêu nhân cô mua từ điểm dừng chân.  

Chiếc xe còn đậu lại chốc lát để dỡ mấy thùng hàng. Cô gái bước về hướng sông, nơi có bến đò Rạch Sâu (tỉnh Đồng Tháp). Bên kia bến đò, cô là “cứu tinh” của gia đình có món nợ 250 triệu, người anh trai cần xe hơi để làm “tài xế công nghệ”, và hai đứa em cần cái chữ, miếng đất làm của để dành.

Cuộc điện thoại với người dì trên đường về quê cũng là những câu hỏi mà xã hội này muôn đời đặt ra: “Nếu bị bắt thì sao? Sao không chọn nghề khác? Lẽ nào các cô không tủi nhục, không sợ tù tội, không sợ những rủi ro từ những vị khách vô danh?”. Phải đâu các cô dại dột, mê muội mà không biết? Các cô biết hết…

Phơi sương đất mẹ

Trong 20 tiếp viên lưu động của quán N. ở H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, Hiếu “đắt hàng” bậc nhất. Mới 26 tuổi, lại vừa chuyển địa bàn từ H.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) qua Chợ Mới nên với khách ở nơi này, Hiếu là “của lạ”. Nhưng hỏi ra mới biết, ở tuổi 26, Hiếu đã có kinh nghiệm bảy năm trong nghề.

Hôm ngồi nói chuyện với tôi, Hiếu kể: “Em cũng từng lên Sài Gòn làm giúp việc nhà. Mà bị đuổi, người ta nói em trẻ quá, sợ mấy ông chủ nhà ham. Em ra làm bưng bê, rửa chén cho quán ăn, sau mới kiếm được việc. 

Rồi chẳng đợi tôi hỏi, cô nói: “Tới khi bà má gọi lên biểu gửi về ba triệu trị bệnh, hai triệu lo giỗ quảy, một triệu đi đám tiệc… em mới tá hỏa. Làm cả tháng được ba triệu mấy, đâu đủ nuôi ai”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hành nghề ở Sài Gòn không yên, vì phải chi “hoa hồng” cho “ma cô” cai quản địa bàn, Hiếu “dạt” về Hồng Ngự, rồi qua An Giang. Mà chuyện vào nghề cũng có cả quá trình. Ban đầu là tiếp thị bia, rồi “thấy khách có nhu cầu, mà mình cần tiền, nên...”.

Hiếu là “tiếp viên lưu động”, tức là không túc trực mà cũng không nhận lương từ quán, chỉ xuất hiện khi khách có nhu cầu và nhận thù lao từ khách. Còn Ngọc, là “lính” cắm chốt thường xuyên. Ngọc là nhân viên đặc biệt, cô luôn đi làm với hai đứa con và không bao giờ “đi khách”, chỉ tiếp khách tại bàn.

Hai đứa con Ngọc, đứa chín tuổi, đứa sáu tuổi, luôn được “lệnh” ở yên trước sân quán khi mẹ “làm việc”. Mỗi ngày, ba mẹ con Ngọc được một người đàn ông chở đến “chỗ làm”, hết giờ lại đón về. Anh ta là chồng Ngọc, và là cha của hai đứa bé.

Tôi hỏi Hiếu, sao không kiếm chỗ nào xa xa mà làm, để đỡ mang tiếng với chòm xóm. Hiếu cười, nói lỡ rồi. “Với lại, người ta nói riết cũng im. Mình cứ phấn đấu có tiền, cha mẹ anh em nở mặt nở mày rồi cũng chẳng ai nói nữa chị ơi!”.  

Chị chủ quán nhậu N. - nơi vẫn chứa chấp những pha phục vụ lập lờ của các cô gái nói với tôi: “Gia đình tụi nó còn không cản, mắc mớ gì nó phải bỏ nghề?”. Mà đúng vậy. Hiếu được cả gia đình ủng hộ đi “làm gái” đã đành, Ngọc thậm chí còn được chồng đưa rước mỗi ngày.

Cô gái mà tôi tình cờ biết chuyện trên chuyến xe đò về An Giang cũng chẳng giấu nghề với cha mẹ, anh em. Thế nhưng, sự đồng lõa của gia đình dường như không phải là một niềm an ủi - mà còn giống như một sự thật đầy bất hạnh về cuộc đời của những cô gái làng chơi. Làm một “ca-ve” - đã không còn là một lựa chọn cá nhân. Khi nó được sự đồng thuận từ gia đình, thì nó đã trở thành một 
thân phận.

Quyền từ chối của một ca-ve

Hôm đó, Ngọc đang tiếp khách ở cái chòi phía sau quán thì đứa con gái sáu tuổi chạy đi tìm mẹ. Trông thấy con khi đang “bận bịu” giữa những bàn tay tham lam của khách, Ngọc như sổ khỏi cái chòi lá, nhấc đứa trẻ về sân trước, rồi đánh con tới tấp. Vừa đánh, người mẹ vừa mắng xối xả “đã dặn phải ở yên trên này”. Đồng nghiệp của Ngọc giật lại đứa trẻ, mắng Ngọc “điên rồi”. Người mẹ trẻ vẫn vừa chửi, vừa khóc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm đó là lần đầu Ngọc sơ ý để con bước vào “vùng cấm”. Cái sân trước của quán bia vốn là khu vực an toàn bấy lâu vẫn giữ gìn hai đứa trẻ trong hiểu biết đơn sơ về công việc của mẹ. Cả làng, cả họ, và cả người bạn đời đều biết - chỉ riêng với hai đứa con, Ngọc khăng khăng che giấu. Điều giữ cô lại, chính là nỗi sợ “con nhìn thấy”. Để trong chính cái phút nổi điên giữa quán của Ngọc, tôi mới nhận ra một mảng cảm xúc thường tình của một người phụ nữ vốn được cho là “không biết nhục”, là “bất chấp miệng đời”.

Bà Tám, hàng xóm của Ngọc và Hiếu lý giải rất đơn giản: “Vì làm biếng nên phải đi bán thân”. Nhưng, cuộc hành nghề phơi sương, thí mạng cho pháp luật, cả những rủi ro thường trực với những người khách giang hồ - cũng đâu kém phần vất vả, rủi ro so với những cuộc mưu sinh chân chính? Còn những nhục nhã nọ - tôi cũng từng tưởng họ “vô can”, nghĩ họ đã rèn cho mình không còn biết xấu hổ khi sống-trong-thế-giới-của-gái-làng-chơi. Nhưng, khi đối diện một đứa trẻ, họ vẫn hy vọng được làm một người phụ nữ bình thường.

Những cô gái trẻ dường như đã chỉ lớn lên với gánh nặng không tên, với mục đích sống đơn thuần trong không gian trưởng thành quá chật hẹp. Họ chỉ biết khi có sức dài vai rộng rồi thì phải ra đời, phải làm nên cơm cháo, phải đổi cái nhà cho cha, sắm bộ xơ-men cho mẹ, mua cho anh/em chiếc xe. Và trong những cuộc mưu sinh quên mình đó, họ cũng không nhận ra rằng sức lao động, sự cố gắng của họ phải dành cho niềm hạnh phúc của chính họ, trước khi muốn mang lại hạnh phúc cho ai.

Có lẽ, chỉ khi dừng tất cả những kỳ vọng, đòi hỏi người phụ nữ về những giá trị nằm ngoài bản thân họ, khi đủ kiên nhẫn để họ trưởng thành và nhận thức về giá trị của mình - thì xã hội này mới mong họ bớt bất hạnh, sai lầm. 

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI