Trung Quốc gieo mối lo “cuộc chiến cá” ở Nam Mỹ

24/08/2020 - 08:36

PNO - Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá gần quần đảo Galapagos trong gần một tháng qua không chỉ làm dấy lên lo ngại về tác hại đối với môi trường, hoạt động của họ còn phản ánh sự cạnh tranh ngày càng tăng về tài nguyên, gây lo ngại tranh chấp về cá có thể leo thang thành xung đột vũ trang.

Các tàu hải quân Ecuador bao vây một tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters
Các tàu hải quân Ecuador bao vây một tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters

Trang mạng tin tức quốc tế Business Insider cho biết, hải quân Ecuador vào cuối tháng 7 đã xác định được khoảng 260 tàu, trong đó có nhiều tàu mang cờ Trung Quốc, ngay bên ngoài khu bảo tồn biển của quần đảo Galapagos. 

Cuối năm 2017, thủy thủ đoàn của một tàu cá Trung Quốc đã bị Ecuador bỏ tù sau khi họ bị bắt trong khu bảo tồn với 300 tấn cá trên tàu, bao gồm cả cá mập có nguy cơ tuyệt chủng. Ecuador đang theo dõi đội tàu Trung Quốc để tránh một sự cố tương tự khác, các chuyên gia nói rằng những tàu đó đã đổ rác thải nhựa và đe dọa động vật hoang dã trong vùng biển được bảo vệ.

Một tàu đánh cá ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos, nhìn từ máy bay của hải quân Ecuador, ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters
Một tàu đánh cá ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos, nhìn từ máy bay của hải quân Ecuador, ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia sinh vật học cũng lo lắng về việc đánh bắt quá mức. Một cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador cho biết hoạt động đánh bắt hung hãn của các tàu (Trung Quốc) là "mối đe dọa lớn đối với sự cân bằng của các loài thủy hải sản”.

James Bosworth, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Hxagon, cho biết đội tàu cá nhắm mục tiêu vào một khu vực nhạy cảm về sinh thái diễn ra khi các chính phủ trong khu vực đang phải tập trung vào đối phó với COVID-19.

Ecuador theo dõi các tàu đánh cá xuất hiện và chia sẻ thông tin với các nước láng giềng, nhưng "các lựa chọn thực tế để ngăn chặn các tàu này còn hạn chế", ông Bosworth nói. Ecuador cho biết Trung Quốc đã đồng ý cho phép giám sát các tàu đánh cá của nước này trong vùng biển gần Ecuador, tuy nhiên việc này rất khó khăn vì khu vực đánh bắt cá của các tàu Trung Quốc rất lớn.

Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Ecuador khi nói rằng đã đến lúc "Trung Quốc phải dừng các hoạt động đánh bắt không bền vững, vi phạm quy tắc và cố ý làm suy thoái môi trường". Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ đã "đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm" và khuyến cáo Washington nên "tập trung hơn vào các vấn đề của riêng mình”.

Đánh bắt cá “tham lam”

Một tàu đánh cá (Trung Quốc) nhìn từ máy bay của hải quân Ecuador ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters
Một tàu đánh cá (Trung Quốc) nhìn từ máy bay của hải quân Ecuador ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos ngày 7/8/2020 - Ảnh: Reuters

Những con tàu “phục kích” ở vùng biển Nam Mỹ minh chứng cho tầm hoạt động của đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc, đội tàu lớn nhất và hùng hậu nhất trên thế giới.

Các tàu cá của Trung Quốc được sử dụng để khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi đánh cá gần Trung Quốc cạn kiệt, họ vươn ra biển xa, gây ra nhiều tranh chấp với các nước khác.

Indonesia mô tả hoạt động đánh cá của Trung Quốc là "tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia" và đã bắn cháy ít nhất một tàu đánh cá của Trung Quốc. Các nước châu Phi cũng bắt giữ các tàu Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt trái phép.

Các nước Mỹ Latinh ngày càng cảnh giác hơn đối với Trung Quốc. Argentina thường xuyên phản đối việc Trung Quốc đánh bắt cá trái phép và đã bắn để đánh chìm tàu ​​thuyền của Trung Quốc. Bộ Tư lệnh Phương Nam của Hoa Kỳ, cơ quan giám sát hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, năm 2018 cho biết "sự thèm muốn vô độ đối với cá" của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với vùng biển ở đó.

Các tàu đánh cá của Trung Quốc, bao gồm cả một số tàu ngoài khơi bờ biển của Ecuador, đã cố gắng che giấu vị trí của họ trong khi đánh bắt.

Một binh sĩ Argentina bắn vào tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Argentina, ngày 22/2/2018 - Ảnh: AP
Một binh sĩ Argentina bắn vào tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Argentina, ngày 22/2/2018 - Ảnh: AP

Trung tâm Stimson cho biết, Bắc Kinh trợ cấp rất nhiều cho các đội tàu đánh bắt xa bờ, sự hiện diện ngày càng rộng của các đội tàu Trung Quốc nhắm đến lợi ích kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh ở nước ngoài và liên quan đến Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng, ông “không biết có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với chính phủ Trung Quốc hoặc sự bảo vệ của cơ quan thực thi pháp luật đối với những con tàu đó, nhưng tất nhiên luôn có vấn đề về trợ cấp của nhà nước, giúp cho những hoạt động ở vùng biển xa có thể thực hiện được".

Tất cả “không thay đổi một sớm một chiều”

Người dân Ecuador biểu tình phản đối Trung Quốc sau khi hải quân nước này bắt được một tàu gắn cờ Trung Quốc chở theo 300 tấn cá đánh bắt trái phép ngày 14/8/2017 - Ảnh: AP/Getty Images
Người dân Ecuador biểu tình phản đối Trung Quốc sau khi hải quân nước này bắt được một tàu gắn cờ Trung Quốc chở theo 300 tấn cá đánh bắt trái phép ngày 14/8/2017 - Ảnh: AP/Getty Images

Đánh bắt bất hợp pháp là một mối quan tâm nghiêm trọng, và các quan chức cho biết sự cạnh tranh về nguồn lợi hải sản có thể châm ngòi xung đột bạo lực. Trả lời phỏng vấn năm 2017, Đô đốc Hải quân Mỹ về hưu James Stavridis nói rằng Bắc Kinh trợ cấp cho các đội đánh bắt cá xa bờ, đôi khi hoạt động với nhiệm vụ “cảnh sát biển”, thực chất là một biến tướng của tranh chấp, buộc các nước khác phải thúc đẩy luật pháp quốc tế để ngăn chặn hành vi trên.

Thậm chí, sĩ quan Cảnh sát biển Hoa Kỳ Jay Caputo từng cảnh báo trong một bài viết năm 2017 rằng các cuộc chiến chính trị có thể được thay thế bằng cuộc chiến tranh giành tài nguyên, đặc biệt là cá. Một năm sau, một chỉ huy Cảnh sát biển Hoa Kỳ - Kate Higgins-Bloom - đã viết: “Khả năng tranh cãi về quyền đánh bắt cá có thể biến thành một cuộc xung đột vũ trang lớn đang ngày càng tăng lên”.

Bắc Cực là một điểm đến mới nổi cho cuộc đua tranh, với "sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế đối với các nguồn tài nguyên và các nguồn cung cấp protein", Phó đô đốc Steven Poulin, tư lệnh cảnh sát biển Hoa Kỳ Khu vực Đại Tây Dương cho biết trong tháng này. Đáng chú ý, một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã đồng ý cấm đánh bắt cá thương mại không được kiểm soát ở Bắc Cực trong vòng 16 năm.

Một tàu cá Trung Quốc bốc cháy sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắn súng phóng lựu để ngăn chặn tàu xâm nhập vùng biển ngoài khơi đảo Hong (Hàn Quốc) ngày 29/9/2016 - Ảnh: AP
Một tàu cá Trung Quốc bốc cháy sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắn súng phóng lựu để ngăn chặn tàu xâm nhập vùng biển ngoài khơi đảo Hong (Hàn Quốc) ngày 29/9/2016 - Ảnh: AP

Nhiều tài nguyên đại dương nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, có nghĩa là cần có những nỗ lực quốc tế để quản lý việc sử dụng chúng. Cũng cần hợp tác gần bờ hơn, đặc biệt là giữa các quốc gia có nguồn lực hạn chế.

Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador trong tháng này thừa nhận rằng cần có các thỏa thuận song phương, ông nói rằng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp sẽ không "thay đổi trong một sớm một chiều". Ông nói, các nước Mỹ Latinh cần có phản ứng thống nhất để gây áp lực buộc Trung Quốc hạn chế hoạt động đánh bắt, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác quân sự để tuần tra các vùng biển ven biển.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI