Trợ cấp nuôi con, sao phải đòi như đòi nợ?

28/02/2019 - 06:00

PNO - Anh vui thì đưa đúng ngày, không vui thì bặt tăm, nhắn tin hỏi thì không bao giờ phản hồi. Lúc đến đưa tiền thì mặt sưng sỉa như vừa bị bà nào đấy ăn vạ.

Những ngày này, đi đâu cũng nghe bàn tán về chuyện ly hôn và trợ cấp. Hết chuyện vợ chồng nhà cà phê Trung Nguyên tranh luận nhau tại toà về tiền cho con, lại đến chuyện chăm con và trợ cấp nuôi con sau ly hôn của vợ chồng vũ công Lâm Vinh Hải – Lý Phương Châu. Người “dự khán” ngán ngẩm, nhưng chỉ là ngán ngẩm, chỉ có ai ở cảnh vợ cũ đi “đòi” tiền trợ cấp nuôi con mới thấu.

Cô bạn tôi làm ở toà án nói, mười ông chồng thì có đến chín ông trả giá từng đồng với vợ về tiền nuôi con sau ly hôn, dù thừa biết nuôi một đứa con tốn kém ra sao. Chẳng thế mà khi đọc tin nhắn “kỳ kèo” của Lâm Vinh Hải gửi vợ cũ, rằng anh sẽ chỉ đưa 3 triệu đồng mỗi tháng chứ không phải là 5 triệu như toà đã phán, mới thấy chuyện đó phổ biến quá.

Tro cap nuoi con, sao phai doi nhu doi no?
Ảnh minh hoạ

Chồng tôi, 5 tháng đầu tiên anh đều gửi đều đặn, mỗi tháng 6 triệu như đã thoả thuận khi ly hôn. Đến tháng thứ 7 thì số tiền ấy thay vì được gửi vào đầu mỗi tháng như mọi khi, lại “đì lây” tới giữa tháng, rồi tháng sau thì im bặt. Thời điểm đó, con gái bắt đầu vào lớp 1, có quá nhiều thứ cần phải chuẩn bị và tiêu tốn, tôi gọi điện thì anh không thèm bắt máy. Cuối tuần, tôi đưa con về thăm nội như thường lệ, anh thảy lên bàn 6 triệu đồng, cộc lốc: Tiền tháng này đó.

Để rồi sau đó là những tháng mà tôi giống như gặp phải “con nợ” chây ì. Anh vui thì đưa đúng ngày, không vui thì bặt tăm, nhắn tin hỏi thì không bao giờ phản hồi. Lúc đến đưa tiền thì mặt sưng sỉa như vừa bị con nào đấy ăn vạ. Anh quên mất con anh phải ăn, phải uống sữa, phải đi học… 

Tôi tham gia một group phụ nữ vừa ly hôn- nơi những người đang chênh vênh tìm những tiếng nói đồng cảnh ngộ, mới biết hầu như “ông chồng cũ” nào cũng có một đặc tính giống nhau, là tránh né trợ cấp. Có ông nhắn cho vợ cũ bảo: “Nghe nói em mới lên chức, lương em cao rồi nên từ tháng này anh gửi 3 triệu thôi nha” dù ông ghé quán bia bù khú với bạn bè tuần mất 5 ngày. Có ông thì than van: “Đợt rồi có nhiều việc phải chi tiêu quá, thu nhập hơi eo hẹp nên 3 tháng tới anh không đưa tiền nhé, em thông cảm”, nhưng hoá ra “nhiều việc phải chi tiêu” của ông là đi du lịch châu Âu cùng cô bạn gái. Ông thì “nợ” 2 tháng không nói tiếng nào, đến khi vợ cũ hỏi thì hét lên: “Tiền tiền tiền, sao gặp cô lúc nào cũng tiền”.

Tro cap nuoi con, sao phai doi nhu doi no?
Ảnh minh hoạ

“Tiền ấy là nuôi con, sao các ông ấy cứ đưa mà như… thí cô hồn vậy?”, một cô thốt lên chua chát trong group.

Kỳ thật, tôi cũng có cùng câu hỏi như vậy cho chồng cũ mình. Ai cũng biết chăm một đứa trẻ tốn kém đến thế nào, anh thừa biết số tiền đấy thiếu đủ ra sao, vậy mà cứ né được là né. Đến khi tôi nhờ toà án buộc anh phải thi hành nghĩa vụ thì anh quay sang mắng chửi tôi như một kẻ bám hại đời anh!

Phải chi anh thật sự khó khăn, anh thất nghiệp, anh bệnh tật… tôi đều có thể cố gắng gồng gánh một mình. Đằng này, nay anh đi du lịch, mốt anh khoe mới sắm đồng hồ hàng hiệu… Con cũng là con anh mà?

Những ông chồng cũ, sao cứ để chúng tôi như đi đòi nợ thế?

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, để buộc chồng phải trợ cấp cho con, người vợ có quyền làm đơn yêu cầu hoặc đến trình bày trực tiếp bằng lời nói (có lập biên bản) tại cơ quan thi hành án của địa phương nơi xét xử vụ án ly hôn của mình trong thời gian 5 năm kể từ khi bản án ly hôn có hiệu lực. 

Hạnh Phước 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI