Trẻ tự kỷ: Đi chậm cũng được, nếu đúng hướng sẽ tới

02/04/2018 - 14:08

PNO - Đừng “đánh cắp” cơ hội tương tác của trẻ. Chính vì những khiếm khuyết trong nhận thức, giao tiếp… nên trẻ tự kỷ dễ bị “mất điểm” với bạn chơi.

“Bác sĩ ở Mỹ cam đoan chữa hết tự kỷ với giá 100.000 USD, nếu thật sự như vậy thì vợ chồng em sẽ bán nhà đưa bé sang Mỹ một chuyến”, “Bác sĩ, làm cách nào để bé nói được?”… Những cuộc gọi, tin nhắn trong tâm trạng chới với của phụ huynh gửi tới Báo Phụ Nữ TP.HCM như tìm điểm tựa.

Chúng tôi đã mời bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, người có 15 công tác tại khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sống cùng tự kỷ TP.HCM, trao đổi cùng phụ huynh một số điều quan trọng để vững vàng trên hành trình chăm sóc con.

Tre tu ky: Di cham cung duoc, neu dung huong se toi
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ với phụ huynh tại hội thảo của câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ

Khả năng nói - không phải là mục tiêu duy nhất. Nếu chỉ chú ý đến việc con nói được hay không và nôn nóng tập nói cho con thì phụ huynh rất dễ đi chệch hướng. Vì khoảng 50% trẻ tự kỷ khiếm khuyết ngôn ngữ. Không nên chỉ tập trung đến khả năng ngôn ngữ mà cần chú ý đến tương tác xã hội như giao tiếp mắt và hiểu nghi thức nội quy xã hội để hòa nhập bạn bè, trường lớp và cộng đồng. 

Cũng có những đứa trẻ nói rõ từ, nhưng nội dung không phù hợp với bối cảnh. Ví dụ, khi được hỏi: “Con tên gì?”, bé trả lời rập khuôn: “Tam sao thất bổn, tam sao thất bổn…”. Có em trai 11 tuổi học lớp sáu, làm toán được nhưng học tiếng Việt khó khăn, giao tiếp không phù hợp: nhìn quá cận vào mặt người đối diện hay gặp bất cứ phụ nữ nào cũng vồn vã chạy đến ôm và hỏi: “Cô mấy tuổi và khi nào cô lấy chồng?” do em không nhận biết ranh giới xã hội giữa người này và người khác.

Nói chuyện, giao tiếp được cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng của tai (tiếp nhận thông tin), não (xử lý thông tin), miệng (diễn đạt, phát âm). Một trẻ tự kỷ năm tuổi không hòa nhập với bạn bè và môi trường xung quanh nên bị cô lập, gia đình tha thiết muốn biết khi nào trẻ có thể nói chuyện bình thường và vào lớp Một được.

Chắc chắn khi có can thiệp đúng hướng, trẻ sẽ được tiến bộ dù từng bước rất chậm. Sự tiến bộ của con phụ thuộc vào ba tiêu chí: tuổi phát triển (tình trạng hiện nay của con), thời điểm được can thiệp, sự kiên trì hợp tác của gia đình với nhà chuyên môn.

Nhìn rộng ra, tối ưu hóa các tiềm năng và khả năng khác. Thay vì quá tập trung vào ngôn ngữ, phụ huynh cần quan tâm hơn vào “sự hiểu” của bé. Bé chưa nói thành lời được nhưng khi cha đi làm, bé biết vẫy tay "bái bai", biết chỉ điều trẻ quan tâm, làm theo yêu cầu của cô giáo và người chăm sóc, chơi chung với bạn.

Đây là những kỹ năng nền tảng của lời nói. Ngoài ra, trẻ có hành vi gây hấn cũng như nhút nhát sẽ cản trở sự hình thành lời nói. Trẻ cần được người lớn tạo cơ hội để có hành vi phù hợp, tự tin tách ra khỏi mẹ hay bà ngoại, bà nội để khám phá và học hỏi thế giới.

Nên để trẻ tự đi thay vì ẵm bồng cũng như để trẻ tự cầm muỗng thay vì đút cho nhanh. Giúp trẻ tự vệ sinh cá nhân thay vì làm thay “trọn gói”, nên khích lệ trẻ ngủ riêng thay vì ngủ chung vì nghĩ là gần gũi trẻ. 

Đừng “đánh cắp” cơ hội tương tác của trẻ. Chính vì những khiếm khuyết trong nhận thức, giao tiếp… nên trẻ tự kỷ dễ bị “mất điểm” với bạn chơi. Khi trẻ giật đồ chơi của bạn, gây hấn với bạn, phụ huynh hoặc cô giáo không hiểu sẽ liền tách chúng ra cho khỏi phiền hà. Như thế, vô tình đánh cắp của chúng cơ hội tương tác xã hội.

Hoặc khi đòi hỏi điều gì, con nhào đến đánh cha mẹ, cha mẹ căng mình cho con đánh và vì đoán được ý con nên nhanh chóng đáp ứng. Cha mẹ chiều con, không tạo điều kiện để con bày tỏ ý muốn mà chỉ khi ấy, lời nói mới có cơ may “xuất xưởng”. 

Tre tu ky: Di cham cung duoc, neu dung huong se toi
Ảnh minh họa

Không ít người mẹ vì mưu sinh nên ít thời gian chơi đùa và chăm sóc con, đến khi trẻ ba tuổi, phát hiện con có nguy cơ tự kỷ, mẹ quay ngược 180 độ để bù đắp lại - mẹ gắn chặt với con. Suy nghĩ “chỉ có cha mẹ là yêu thương con sẽ đem đến điều tốt nhất cho con” đã loại bỏ những thành viên trong nhóm đa ngành khác: bác sĩ nhi khoa, bác sĩ thần kinh tâm thần, giáo viên đặc biệt, chuyên viên âm ngữ, chuyên viên hoạt động trị liệu, bạn bè của con… làm mất cơ hội để phát triển toàn diện các lĩnh vực và thế giới tương tác của con nghèo nàn, co cụm. 

Tham gia câu lạc bộ để hiểu biết, định hướng đúng đắn và được đỡ nâng tinh thần. Có những thời điểm, người mẹ quay cuồng với trăn trở, thôi thúc rằng mình phải bỏ việc cũng như người thân, đưa con đến miền đất “có nhiều trung tâm can thiệp” cho con khỏi bệnh, mình mới là người mẹ tốt. Nhiều trường hợp, đưa con đi, con chưa được gì, gia đình đã xảy ra vấn đề.

Để giúp phụ huynh đủ tỉnh táo, kiên nhẫn để chọn một giải pháp tích cực, vừa sức, dung hòa các mặt của cuộc sống gia đình trên cơ sở hiểu rằng tự kỷ cần can thiệp cả đời, can thiệp hòa nhập cả đời. Nếu đơn độc, lầm lũi đi một mình, hoang mang giữa “rừng rậm” thông tin, phụ huynh dễ mất phương hướng, buông xuôi, thiệt thòi cho con trẻ. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo, phụ huynh sẽ được giao lưu chia sẻ tâm tư và học kinh nghiệm. 

Đi dù chậm, nhưng đúng hướng rồi sẽ tới…

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang 

 Tô Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI