TPHCM triển khai tiêm 930.000 liều vắc xin COVID-19 ra sao?

23/07/2021 - 06:45

PNO - Ở đợt tiêm vắc xin lần 5, người dân TPHCM thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau vẫn được tiếp cận những mũi vắc xin quý giá.

Người già bắt đầu được tiêm

Bà Phan Phương Tiến, 64 tuổi, trưởng khu phố 8, tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, nói, bà rất hồi hộp trước khi được tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của mình. Đây là điều mà bà và thành viên của tổ COVID-19 cộng đồng mong chờ từ lâu. Nhà của bà Tiến trong khu Mả Lạng, Q.1 đã hai lần phong tỏa. Nhưng khu vực này lại là nơi đầu tiên và duy nhất đến nay là vùng xanh trên bản đồ COVID-19. 11 ca nhiễm đang được điều trị và liên tục 14 ngày qua không có ca mắc mới. Đợt 5 tiêm vắc xin này, có 6/11 người của tổ COVID-19 cộng đồng khu phố 8 được đưa vào danh sách tiêm. 

Người trên 65 tuổi được tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) - ẢNH: PHẠM AN
Người trên 65 tuổi được tiêm vắc xin tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Cũng như bà Tiến, bà T.T.A. (58 tuổi, kỹ thuật viên gây mê) tại một bệnh viện ở Q. Bình Tân cũng kỳ vọng rất nhiều vào đợt tiêm này. Đợt trước, vì bị bệnh ung thư (đã điều trị khỏi) nên bệnh viện nơi bà làm việc ngần ngại không tiêm cho bà. Lần này, bà đã được đưa vào danh sách tiêm của bệnh viện. Điều khiến bà A. vui hơn nữa là chồng bà cũng được đưa vào danh sách tiêm vắc xin ở nơi cư trú. Ngoài tiêu chí trên 65 tuổi, chồng bà A. cũng ở nơi có nguy cơ cao, vừa được gỡ phong tỏa. 

Tìm đến và bảo vệ những người dễ bị tổn thương là điểm nổi bật trong đợt tiêm vắc xin lần 5 này. Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, số lượng vắc xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm ba loại: AstraZeneca, Moderna và Pfizer. 

Đợt này, ưu tiên tiêm cho những người mắc bệnh nền; người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…). Riêng tại các nơi phong tỏa, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm lập tức cho người dân ngay khi gỡ phong tỏa.

Cẩn trọng để đảm bảo an toàn khi tiêm

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định: rút kinh nghiệm từ đợt 4, lần này, việc tiêm chủng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, nơi nào chưa chuẩn bị tốt thì chưa triển khai. Việc an toàn và đảm bảo khoảng cách để chống lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Đợt 5, thành phố sẽ tổ chức 615 điểm tiêm với số lượng 120 người/ngày/điểm tiêm và có thể tăng lên 200 người/ngày/điểm tiêm. Trong hai ngày qua, thành phố chưa vội tiêm ngay mà thực hiện thí điểm ở một số điểm tiêm để kịp điều chỉnh nếu chưa đảm bảo giãn cách. 

Chiều 22/7, tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, cho biết, nơi này đã tiêm thử nghiệm 40 trường hợp. Lãnh đạo của Sở Y tế đã xuống tận nơi kiểm tra việc đảm bảo an toàn tiêm chủng. Từ chiều 22/7, chính thức tiêm chủng đợt 5, nơi này chỉ đặt hai bàn tiêm cách xa nhau, mỗi ngày chỉ tối đa 120 người/bàn tiêm. “Việc tổ chức tiêm đảm bảo khoảng cách lần này khá ổn. Vì vậy, vắc xin về bao nhiêu chúng tôi sẽ tiêm bấy nhiêu. Một liều vắc xin như một mũi tấn công vào COVID-19 nên nếu có phải kéo dài vài tháng, chúng tôi đều sẵn lòng, chỉ mong thành phố bình yên trở lại”, tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan nói. 

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ Trần Văn Khanh cho hay, bệnh viện bố trí sẵn các bác sĩ xử lý ngay những phản ứng phản vệ nếu có ở người tiêm vắc xin. Bệnh viện cũng nhiệt tình thực hiện test nhanh miễn phí cho người tiêm và thân nhân đi theo trước khi tiêm. May mắn, trong ngày tiêm thử nghiệm, sau khi test nhanh 40 trường hợp đều cho kết quả âm tính. Từ ngày 22/7, bệnh viện triển khai tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Dự kiến ngày 22/7 sẽ tiêm cho 240 người, trung bình một giờ chỉ tiêm cho khoảng 10 người. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bệnh viện đã chia thành nhiều nhóm nhỏ phối hợp với các trạm y tế để tiêm chủng cho các đối tượng ở cộng đồng. Ngoài tập trung điều trị 300 ca COVID-19, lực lượng nhân viên y tế của bệnh viện sẽ đảm bảo an toàn tiêm chủng cho 14 điểm tiêm tại TP.Thủ Đức, bắt đầu từ ngày 23/7. 

Theo quy định của Sở Y tế TPHCM, mỗi đội tiêm gồm một bác sĩ khám sàng lọc, một điều dưỡng thực hiện tiêm; một bác sĩ và một điều dưỡng theo dõi sau tiêm; một nhân viên hành chính. Các đội tiêm phải mặc đồ phòng hộ gồm áo, khẩu trang N95, kính che mặt. Đội tiêm phải có hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu cần thiết. Người tiêm sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay tại buổi tiêm.

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI