Vắc xin giúp nhân loại vượt qua đại dịch ra sao?

Tiêm vắc xin vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người dân

22/07/2021 - 06:15

PNO - Đối với đại dịch COVID-19, việc tiêm vắc xin phải vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.

LTS: Các nhà khoa học khắp thế giới đang làm việc khẩn trương hơn bao giờ hết để tiếp tục phát triển, sản xuất vắc xin ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đến nay, vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch bệnh. Báo Phụ Nữ TPHCM điểm qua một vài vấn đề quan trọng liên quan đến công hiệu cũng như các hạn chế của vắc xin nói chung và vắc xin COVID-19 nói riêng.

Bài 1: COVID-19 và mối bận tâm về an toàn vắc xin trong lịch sử

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng, tình trạng dịch COVID-19 hiện nay là đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm và lây lan ra cộng đồng rất nhanh không chỉ ở TPHCM.

Phóng viên: Bên cạnh giãn cách, tiêm vắc xin ngừa phòng bệnh đang được kỳ vọng là biện pháp giúp khống chế nhanh dịch bệnh. Liên quan đến vắc xin, ông có ý kiến thế nào, nhất là khi việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa sốt xuất huyết từng thất bại?

Ông Trần Đắc Phu
Ông Trần Đắc Phu

Ông Trần Đắc Phu: Sản xuất vắc xin là một việc khó, với vắc xin chống vi-rút lại càng khó hơn. Vi-rút gây sốt xuất huyết Dengue có bốn týp và việc tìm ra một vắc xin giải quyết được cả bốn týp là cực kỳ khó. Nhưng biến thể Delta của SARS-CoV-2 không giống vi-rút gây sốt xuất huyết mà trên một vi-rút ban đầu, nó biến đổi một đoạn gen để trở thành biến thể khác. Vi-rút Dengue là bốn týp huyết thanh tương ứng với bốn loại kháng nguyên khác nhau nên nếu sản xuất ra vắc xin thì khi đưa vào cơ thể, nó phải tạo ra bốn loại kháng thể khác nhau. Biến thể mới và týp huyết thanh hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa.

* Xin ông cho nhận định về tác dụng đối với biến thể Delta của vắc xin AstraZeneca cũng như các vắc xin phòng COVID-19 hiện đang được triển khai tại Việt Nam?

- Khi nghiên cứu vắc xin, các nhà sản xuất đã nghĩ tới biến thể mới của virus và tìm hướng khắc phục. Ví dụ, những đoạn gen dùng làm vật liệu di truyền để chế ra vắc xin phải có tính chất bền vững để vắc xin chống lại. Khi virus biến chủng, những gen đó không biến đổi và vắc xin vẫn có tác dụng. Nhưng thực tế cũng không phải hoàn toàn như thế. Chẳng hạn như virus cúm từng gây ra đại dịch năm 1918 vẫn đang biến đổi hằng năm và thế giới vẫn phải sản xuất ra các loại vắc xin khác nhau để chống lại biến chủng mới của nó.

Theo giới nghiên cứu y học của thế giới, các vắc xin ngừa vi-rút gây bệnh COVID-19 - trong đó có AstraZeneca đang được tiêm ở Việt Nam - chưa bị biến thể mới Delta vô hiệu hóa.

Nhân viên y tế khám sàng lọc để tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân ở TP.HCM - ẢNH: TAM NGUYÊN
Nhân viên y tế khám sàng lọc để tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân ở TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

* Với kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, khi nào Việt Nam phủ được vắc xin để có thể tạo được miễn dịch cộng đồng, thưa ông?

- Để khống chế dịch bệnh, phải đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là phải tiêm được cho ít nhất 70% dân số. Như vậy, Việt Nam cần khoảng từ trên 100-150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 và tốc độ tiêm phải càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt. Điều này phụ thuộc vào việc chúng ta có vắc xin trong tay hay không và tiêm với tốc độ như thế nào, sự hưởng ứng của người dân ra sao.

Bộ Y tế đặt ra chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam phải đạt tỷ lệ 50% dân số tiêm chủng đủ hai mũi và đến đầu năm 2022, đạt xấp xỉ mức cần thiết. Nhưng tôi nghĩ, trước tiên, phải làm mọi cách để hội đủ các điều kiện như đủ vắc xin, triển khai mạnh mẽ và được sự hưởng ứng của người dân. Đối với đại dịch COVID-19, việc tiêm vắc xin phải vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông! 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI