Tôi đã gọi 'kẻ cướp chồng' của mẹ là dì

25/03/2017 - 06:18

PNO - Mẹ kết hôn với ba được 20 năm và sinh bốn con. Tôi là con gái đầu lòng, lập gia đình, sống ở đất Sài Gòn.

Tất nhiên là tôi biết, đời sống vợ chồng ai chẳng có những ngày cơm không lành canh không ngọt. Lấy chồng, tôi cũng sớm hiểu ra mọi thứ vô thường, nhưng tôi vẫn bàng hoàng trước tin ba cưới vợ. Người thông báo tin đó cho tôi là mẹ. Mẹ gọi cho tôi bằng cái giọng không bao giờ tôi quên được, bình tĩnh và chất chứa đau khổ.

Toi da goi 'ke cuop chong' cua me la di
 

Những tưởng mẹ gục ngã vì tuyệt vọng, nhưng không, mẹ tôi mạnh mẽ từ bao giờ không biết. 

Không còn ba bên cạnh, mẹ tôi vừa làm cha vừa làm mẹ, lam lũ nắng mưa, nuôi ba đứa em ăn học cho đến ngày ra trường. Mẹ ngày càng còm cõi, tóc bạc nhiều hơn, tay chân thô ráp, đen sạm. Nhìn mẹ, tôi chỉ biết ứa nước mắt. Con gái lấy chồng xa, tôi cũng không giúp mẹ được bao nhiêu ngoài những lời an ủi hay dăm ba trăm ngàn biếu mẹ mỗi tháng.

Ngày trước, việc đồng áng có ba chia sẻ, sau này chỉ còn một mình, mẹ khoán cho người ta làm. Mẹ chấp nhận thu hoạch ít hơn vài bao lúa nhưng vẫn bảo đảm cái ăn không thiếu. Nếu những ngày trước, khi mẹ bệnh, ba chăm sóc, chở mẹ đi khám thì nay mẹ một mình lo liệu. Mẹ dành dụm thêm chút tiền để khi trái gió trở trời, có tiền thang thuốc hay nhờ mấy cậu em trong làng gánh vác giúp việc ruộng nương.

Ba đi. Gia đình chỉ sum họp đúng bữa cơm chiều ba mươi tết. Mẹ nhắc:  “Con gọi ba về ăn bữa cơm cuối năm”. Nhà của ba giờ cách nhà mẹ chừng 10 cây số. Bữa cơm tàn, ba tôi lại nổ máy lên xe trở lại với dì. Chị em chúng tôi chua chát, thương mẹ.

Lạ là mẹ cứ tỉnh rụi như không: “Có gì đâu, thấy ba con khỏe mạnh, hạnh phúc là mẹ vui”. Tôi đã nghĩ, nếu mình là mẹ, chắc sẽ “oán” tới tận xương tủy cái người 20 năm gắn bó mà còn dứt áo ra đi. 

Ba đi. Mấy mẫu đất ruộng, rẫy từ từ cũng đội nón đi dần. Riêng mảnh vườn, nhà thờ ông bà nội mái ngói nhiều chỗ đã dột, không đủ che nắng, trú mưa thì mẹ kiên quyết 
giữ lại. Những buổi chiều xuống, buồn len lên mắt, mẹ giấu nước mắt, gửi niềm tin trong từng câu kinh nơi mái chùa. Mẹ cầu an cho gia đình, cho mấy chị em luôn mạnh giỏi, cầu an yên cho cả ba tôi. Mẹ nói: “Mong ba con luôn khỏe mạnh, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại”.

Cuộc đời chẳng bằng phẳng. Hai năm sau ngày ba cưới vợ bé, ba lâm trọng bệnh. Dù được chạy chữa từ bệnh viện tỉnh lên đến thành phố, nhưng ba không qua khỏi. 

Ba đi. Giờ phục tang, cả hai người đàn bà đều quỳ ở đó. Người vợ sau của ba, trước đó tôi vẫn gọi là kẻ cướp chồng của mẹ, nhưng trong khô khốc những giọt nước mắt phân ly, tôi lại xót xa gọi một tiếng dì.

Nghĩ cho cùng, dì ấy cũng là một phụ nữ cô độc. Cũng chỉ hạnh phúc với ba được hai năm ngắn ngủi. Ba tôi cũng nào có tài sản gì, chỉ là hai trái tim chông chênh, chắp vá tìm yêu thương, san sẻ cho quãng đời không còn trẻ.

Tôi càng thương mẹ hơn khi nghe mẹ mở lời mời dì ở lại ăn cơm. Vậy đó, rồi hai người phụ nữ nhìn nhau như chưa bao giờ có khổ đau, oán hận. Mẹ chịu tang ba, lo lắng hậu sự như một người vợ chưa bao giờ có một cuộc chia ly nào. Đã vậy, mẹ còn quay ra an ủi “kẻ cướp chồng” như một người bạn lâu năm, như một người chị với đứa em lầm lạc. Mẹ nói: “Thôi, ổng đi cũng đi rồi, tôi với dì cùng lo hậu sự cho ổng. Tui và dì thuận hòa được vầy chắc đâu đó dưới kia ổng cũng được an ủi. Giận hờn chi nữa”. Mẹ đã dạy chị em tôi tấm lòng thương yêu vô điều kiện. 

Đâu đó, trong cuộc sống gia đình, tôi cũng gặp vô vàn những chuyện không vui. Nhưng nghĩ đến mẹ, lại thấy cái điều đang làm cho mình đau khổ kia, có là gì đâu so với nỗi niềm của mẹ.

Chiều nay, bên võng ru con, tôi bồi hồi nhớ mẹ. Có lẽ, giờ này, mẹ lại cặm cụi lo bữa cơm chiều cúng ba.

MT

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI