Tiếng hát ngọt ngào từ môi trường thép

30/07/2022 - 05:49

PNO - Hai cô bộ đội trẻ xinh với giọng ca tài tử - cải lương ngọt ngào xuất hiện vài năm gần đây luôn khiến cộng đồng mạng trầm trồ khen ngợi. Họ là Trần Thị Bảo Ngọc và Ngô Minh Thư - sinh viên Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

 

Thạc sĩ, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng – đạo diễn, giảng viên Kim Loan hướng dẫn ca cho Bảo Ngọc, Minh Thư (bìa phải)
Thạc sĩ, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng – đạo diễn và giảng viên Kim Loan hướng dẫn ca cho Bảo Ngọc, Minh Thư 

Tháng 7/2022, Trần Thị Bảo Ngọc và Ngô Minh Thư đã hoàn thành xuất sắc chương trình bốn năm trung cấp sân khấu cải lương khóa I. Trong buổi thi tốt nghiệp tại cơ sở II Trường đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội (TPHCM).

Minh Thư với nét diễn trong sáng, hồn nhiên nhưng lột tả được phong thái kiên trinh, gan góc của nhân vật Võ Thị Sáu (trích đoạn Người con gái đất đỏ, tác giả: Đăng Minh). Bảo Ngọc hóa thân vào vai Lượm một cô gái mù chân chất, thủy chung trong trích đoạn Sông dài (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng) khiến khán giả ngạc nhiên về “sức tải” nhân vật của một sinh viên. 

Bảo Ngọc xinh tươi, năng động trong bộ quân phục
Bảo Ngọc xinh tươi, năng động trong bộ quân phục

Mẹ ước mơ, con thực hiện

Lớn lên trong một gia đình mà nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn canh cánh, Bảo Ngọc từ bé đã ý thức rằng chỉ có học hành mới thay đổi được cuộc sống hiện tại, mang lại cho bản thân và cả nhà một tương lai tươi 
sáng hơn. 

Thừa hưởng giọng hát ngọt ngào, trong trẻo từ mẹ, Bảo Ngọc luôn tìm tòi học hỏi để phát huy hơn nữa vốn kiến thức về bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích. May mắn hơn, năm 15 tuổi, Ngọc được các nhà tuyển mộ quan tâm, có lời mời về Đoàn văn công Quân khu 9 (Cần Thơ) để tiếp tục học tập và phát triển niềm đam mê của mình.

Rời xa vòng tay gia đình, có đêm cuối tuần vì nhớ nhà, Bảo Ngọc xin phép chỉ huy đơn vị về thăm gia đình. Ngọc chạy xe máy, vượt 70 cây số từ Cần Thơ về An Giang chỉ để nhận cái ôm của mẹ. Cả nhà hết hồn khi thấy con, cháu gái mình về nhà lúc trời đã tối mịt sau khi vượt đường sá sình lầy, không đèn, nhà dân thưa thớt, hai bên đường quạnh vắng với ruộng lúa, chuối, tràm…

Con đã về an toàn, mẹ dặn dò mà rưng rưng nước mắt: “Nhớ nhà nhưng đêm hôm, con đừng chạy xe, đường xa nguy hiểm. Con có được các chú cho phép về không? Đã vào quân đội rồi thì phải tuân thủ nghiêm nội quy, học hành cho đàng hoàng nghen con!”. 

Mẹ Ngọc sớm dang dở việc học hành, chuyển sang học nghề làm tóc, trang điểm để mưu sinh. Nhưng vì mang niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật mà có nhiều đêm bà đã trốn gia đình để đi hát cho thỏa lòng mong ước. Có hôm bà ngoại phải đi tìm và bắt mẹ về. Ngoại mê cải lương nhưng cấm con gái vướng nghiệp cầm ca, sợ sau này sẽ khổ. Giờ đây mẹ được nhìn Bảo Ngọc thực hiện từ rất sớm ước mơ dang dở của đời mình thì còn niềm hạnh phúc nào hơn. 

Kỷ niệm sâu sắc về thời thơ ấu của Bảo Ngọc là cùng ba mẹ đèo nhau trên chiếc xe Cub để đi hát đám cưới, đám giỗ… “Được vài chục ngàn đồng cát-sê, chiếc Cub lại treo lủng lẳng miếng thịt heo, bữa đó cả nhà được ăn ngon thay vì món thường ngày là mì nấu với dưa leo, hay cà chua, trứng. Cuộc sống thiếu hụt mà vui, luôn tràn ngập tiếng đờn lời ca”, Bảo Ngọc rưng rưng tái hiện miền ký ức.  

Đi sô được ít tiền, Ngọc để dành mua tập, mua viết. Biết gia cảnh khó khăn, Ngọc tự nhủ mình không được thèm bánh mì, phở… cũng không được đòi hỏi ba mẹ phải mua con gấu bông, búp bê mà người ta trưng bày ngoài chợ.

Lời hứa “con ráng học giỏi, ba mẹ sẽ thưởng cho con đôi dép quai hậu”, phải mất nhiều năm, ba mẹ Ngọc mới thực hiện được dù con gái luôn đạt thành tích tốt ở trường. Chiếc áo dài trắng đồng phục dì Tư may từ năm lớp Sáu, Ngọc tận dụng đến năm học lớp Chín. Biết khó sắm được chiếc áo thứ hai nên ngay từ đầu, mẹ đã dặn dì Tư may thiệt dài thiệt rộng để trừ hao tuổi dậy thì, con có lớn nhanh vẫn còn mặc được. 

Nhà không có ti vi, Bảo Ngọc phải lội bộ cả cây số về nhà ngoại hoặc ngóng qua bờ rào để xem các bậc tiền bối của mình biểu diễn trên ti vi nhà hàng xóm. Lần đó người hàng xóm mời vào nhà xem, cô bé mới thực sự tận hưởng bằng tất cả giác quan bộ môn mình đam mê, chiêm ngưỡng trọn vẹn các cô chú nghệ sĩ mình hằng hâm mộ. 

“Tôi luôn cố gắng và mong muốn được đi học để giúp ba mẹ vượt qua khó khăn” - Bảo Ngọc tâm sự. Từng học Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ rồi mới đây là Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, nỗi nhớ quê xa và tình cảm gia đình, Ngọc gửi gắm vào từng vai diễn. Năm 2018, Bảo Ngọc tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc đoạt được huy chương Vàng với vở Người về từ quá khứ. Ba mẹ luôn là người đồng hành với con gái qua từng chặng đường thử thách và thành công.

Những lần nghỉ phép về thăm nhà, bên mâm cơm gia đình, Ngọc tâm sự với ba mẹ đủ chuyện trên đời, những bài bản mới thuộc, những khóc cười cùng vai diễn hay các thầy cô “đưa đò” tận tâm, vừa dạy ca diễn, vừa dạy bước sao cho vững chãi trên đường đời. Trong ánh mắt long lanh của con, mẹ như sống lại những trang đời mình thuở đôi mươi…

Minh Thư vai Võ Thị Sáu, Bảo Ngọc vai bà mẹ trong đêm thi tốt nghiệp
Minh Thư vai Võ Thị Sáu, Bảo Ngọc vai bà mẹ trong đêm thi tốt nghiệp

Mê bộ quân trang oai phong

Năm 2013, ở tuổi 15, Minh Thư lần đầu tiên tham gia liên hoan Tiếng hát Phát thanh Truyền hình An Giang và giật ngay giải Nhì. Với kết quả này, Minh Thư đứng trước nhiều lời mời của các đoàn nghệ thuật. Không phân vân, Minh Thư chọn đầu quân cho Đoàn văn công Quân khu 9 ngay sau khi tốt nghiệp THPT. 

Từ nhỏ, Minh Thư thường say mê nhìn các cô chú bộ đội trong màu áo oai phong. Ngày đầu được khoác quân trang, ngắm mình hoài trong gương, Minh Thư ngỡ ngàng, sung sướng. Ba mẹ Minh Thư làm nông, nuôi tôm cua nhưng cũng đầy máu nghệ sĩ. Nhà có chú Út tham gia đờn ca tài tử cải lương nên thỉnh thoảng sau giờ học, Minh Thư tìm đến chú để ngâm nga.

Một lần, ba chở Minh Thư từ Kiên Giang sang An Giang để thi thố, mục đích ban đầu chỉ là học hỏi kinh nghiệm và giúp con dạn dĩ, tự tin. Nào ngờ chỉ trong một ngày, cô chim oanh bé nhỏ lại tìm được khung trời rộng mở để vút bay.

Được tôi rèn trong môi trường quân đội với kỷ luật thép, Minh Thư học được tính tự lập, trách nhiệm, tinh thần đồng đội. Cô chiến sĩ nhỏ Minh Thư cùng chị Bảo Ngọc luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau, sáng tạo lối diễn; đọc sách, tra trên mạng tìm tư liệu để đào sâu khai thác tâm trạng nhân vật.

Tuổi trẻ thích bay nhảy, ban đầu Minh Thư không khỏi cảm thấy gò bó giờ giấc, đi đứng. Nhưng dần quen, lại thấy yêu môi trường quân đội với giờ nào việc nấy, điều độ, cân bằng, giúp ích cho việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn thanh sắc cũng như mở mang kiến thức.

Dù vậy, Minh Thư không trở nên khô khan trong cách bộc lộ cảm xúc mà càng cởi mở hơn khi thể hiện tình cảm với gia đình. Minh Thư sắp xếp thời gian về thăm nhà. Không về được thì thường xuyên gọi điện thoại cho mẹ hoặc gửi clip biểu diễn để mẹ xem và khen nức nở (mẹ không bao giờ chê khi nghe con gái ca). Minh Thư đã mạnh dạn hơn trong việc ôm hôn mẹ, tặng quà trong những ngày đặc biệt. 

Trước kỳ thi tốt nghiệp, cô chiến sĩ nhỏ vinh dự được tham gia đội văn nghệ xung kích ra quần đảo Trường Sa. “Cảm giác những ngày tháng ấy thật khó tìm. Biển xanh ngắt, bao la, vô tận; người kiên cường, hiên ngang đối mặt với gian nan, thử thách. Không có internet, sóng điện thoại yếu, một cơn bão quét qua đảo làm cái khó chất chồng. Mình cũng là chiến sĩ, các anh cũng là chiến sĩ mà vất vả hơn mình nhiều quá! Chuyến đi Trường Sa không chỉ cho tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm ca hát mà càng cho tôi thêm yêu Tổ quốc, càng khát khao góp sức trẻ của mình để biển trời quê hương thêm xanh...” - Minh Thư chia sẻ. 

Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh