Thuê người yêu, mua robot chữa "bệnh cô đơn"

12/11/2020 - 11:30

PNO - Từ Đông sang Tây, các sản phẩm, dịch vụ "giải cứu" người có tâm lý cô đơn, u uất đang nở rộ.

Cô đơn giữa đại dịch

Năm 2020, thế giới phải tập làm quen với chủ trương “giãn cách để giữ an toàn”. Thế nhưng lối sống tách biệt (vốn dễ dẫn tới tâm lý cô đơn, u uất) dần trở thành mối quan ngại trong nhiều cộng đồng dân cư. 

(Ảnh: Yahoo)
(Ảnh: Yahoo)

Trong vòng 5 thập niên trở lại đây, tỉ lệ người duy trì lối sống cô lập tại Mỹ đang tăng gấp đôi (số liệu thống kê đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review). Qua một khảo sát năm 2018, nước Anh ghi nhận khoảng 200.000 người lớn tuổi ở quốc gia này sống lẻ loi, không liên hệ với gia đình, bạn bè hàng tháng.

COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, nhưng hội chứng cô đơn tiềm ẩn khả năng tàn phá sức khỏe tinh thần không kém. Nghiên cứu mới đây từ Cơ quan quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Sức khỏe (HRSA) của Mỹ cho thấy: Tình trạng cô đơn kéo dài sẽ phát sinh nguy cơ tổn hại thể chất tương tự như việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày. Nhóm dân cư cao tuổi, cũng có chiều hướng giảm thọ đến 45% so với những người cùng độ tuổi nhưng sống cạnh gia đình.

Robot mua vui cho người lớn tuổi

Băn khoăn hàng đầu của các nhà chính sách lẫn các cá nhân vẫn là: làm thế nào để chúng ta giải tỏa tâm lý cô độc? Một trong những câu trả lời đến từ ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn như robot, hay loại hình giải trí kỹ thuật số nói chung, đang được tích cực phát triển.

Intuit Robotics, công ty chuyên về kỹ thuật công nghệ từ Israel đã đưa vào thực nghiệm dự án ElliQ, một robot “giúp mọi người vui vẻ vượt qua nỗi lo lão hóa”.

Robot này được tạo hình giống chiếc đèn bàn, với điểm chiếu sáng là một “khuôn mặt” xuất hiện giữa một khối cầu, Eilli có nhiệm vụ nhắc nhở người chủ thói quen tự chăm sóc bản thân, như uống nhiều nước, dùng thuốc khi mắc bệnh, hay chơi game thư giãn. Thỉnh thoảng, Eilli còn có thể phát nhạc tạo niềm vui.

Một khách hàng nữ tham gia tiến trình thử nghiệm chia sẻ: “Robot giúp tôi thấy như được ở bên người bạn thật sự. Thông qua tương tác hai chiều, Eillie khiến tâm trạng tiêu cực của tôi khá hơn lập tức”.

ElliQ được dự đoán sẽ trở thành “người bạn” ảo hữu ích với người dùng lớn tuổi đang sống cô độc. (Ảnh: Intuit Robotics)
ElliQ được dự đoán sẽ trở thành “người bạn” hữu ích với người dùng lớn tuổi đang sống cô độc. (Ảnh: Intuit Robotics)

Ca sĩ ảo thêm fan

Cùng lúc đó, tại Nhật Bản, một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực kỹ thuật số, biện pháp công nghệ đặc thù trước “căn bệnh” cô đơn càng trở nên cấp thiết.

Nhật có tỉ lệ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới, với hơn ¼ dân cư bản địa đang thuộc nhóm cao niên (65 tuổi trở lên). Đề cử giải pháp ấn tượng trong trường hợp này là Hatsune Miku, một “ngôi sao nhạc pop” sinh ra nhờ kỹ thuật hình chiếu 3D.

Nữ ca sĩ ảo này từng mở màn tour diễn âm nhạc của Lady Gaga, thu hút lượng fan hâm mộ đông đảo, dù không phải người thật. Một thực tế ít biết, tuy nhiên, là cách Miku đang giúp hóa giải phần nào lối sống cô độc cho không ít nam giới Nhật. Với số tiền 2.800$ (gần 65 triệu đồng) mỗi tháng, khách hàng có thể mua một “khối cầu” điện tử có Miku, để làm bạn hoặc bạn gái ảo.

“Đương nhiên ứng dụng này không thể giúp bạn thấy hạnh phúc theo ‘khuôn mẫu’ gia đình truyền thống”, Akihiko Kondo, một fan hâm mộ Miku, bày tỏ. “Nhưng tôi vẫn yêu thích và nhìn nhận cô ấy như người thật”.

Những “thần tượng” ảo nổi tiếng như Hatsune Miku giúp giảm tải thực trạng tâm lý cô đơn, đặc biệt với cánh mày râu tại Nhật. (Ảnh: Shutterstock)
Những “thần tượng” ảo nổi tiếng như Hatsune Miku giúp giảm tải thực trạng tâm lý cô đơn, đặc biệt với cánh mày râu tại Nhật. (Ảnh: Shutterstock)

Trào lưu xây dựng sản phẩm, dịch vụ “chống cô đơn” cho thấy tính đa dạng hóa hơn lúc nào hết, đặc biệt ở thủ đô Tokyo. Nhiều thiết kế gối ôm khổ lớn in hình nhân vật anime được người tiêu dùng trưởng thành lẫn trẻ nhỏ ưa chuộng. Hay đáng chú ý gần đây là phát minh Ghế ôm Thư giãn, cấu hình như một búp bê dễ thương có thể tự động ôm lấy và giữ ấm cơ thể bạn...

Thuê chị gái, thuê bạn trai

Song song các dịch vụ công nghệ, dịch vụ xã hội tiếp cận người cô đơn mỗi lúc thêm sáng tạo.

Nhật Bản hiện có khoảng 1 triệu 600 ngàn Hikikomori (những chọn lối sống tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, người phần lớn là nam giới). Một số gia đình, vì muốn con họ cởi mở trở lại, bắt đầu lựa chọn dịch vụ “cho thuê chị gái”.

Một phụ nữ đã qua khóa huấn luyện hỗ trợ tâm lý, sẽ tìm tới nhà một Hikikomori hằng tuần với mức phí gần 250 USD (5,8 triệu đồng) cho mỗi buổi gặp. Trong vai trò tư vấn viên tại gia, nhóm phụ nữ làm công việc trò chuyện và thuyết phục những “ẩn sĩ” đương đại này tái lập đời sống xã hội.

Công ty đứng sau ý tưởng dịch vụ chia sẻ, tỉ lệ thành công - khi khách hàng của họ cảm thấy tự tin để sống chủ động, độc lập hơn - có thể lên đến 80%.

Cùng lúc này, ở Trung Quốc, phụ nữ trẻ độc thân bắt đầu ưa thích sử dụng dịch vụ “cho thuê bạn trai”. Tuy nhiên, việc đăng ký tìm người yêu giả không nhằm giải tỏa nỗi cô độc, mà trên hết, để giúp một số cô gái tuổi đôi mươi thuyết phục cha mẹ rằng họ đang làm chủ đời sống tình cảm.

Loại hình kinh doanh “cho thuê” người thân, người yêu, dẫu đem đến lợi ích nhất định, vẫn không thật sự được đánh giá cao. Nghi ngại lớn nằm ở việc chúng có thể đang thu lợi từ định kiến bấy lâu nhắm vào những người đang sống biệt lập, hơn là hóa giải hội chứng cô đơn.

Hikikomori hiện chiếm khoảng 1% dân số Nhật, những người thường bị chỉ trích bởi lối sống cô lập hoàn toàn. (Ảnh: France24)
Hikikomori hiện chiếm khoảng 1% dân số Nhật, những người thường bị chỉ trích bởi lối sống cô lập hoàn toàn. (Ảnh: France24)

Liệu có đúng thuốc, đúng bệnh?

Chữa lành nỗi ám ảnh cô độc, thoạt nghe có vẻ mang nặng giá trị đạo đức, nhưng nhiều chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: sản phẩm công nghệ, dịch vụ có thể đang cho thấy nỗ lực “chệch hướng”.

“Tôi không nghĩ chúng ta có thể tự chữa lành tâm lý cô độc”, Jeremy Nobel, giảng viên Đại học Y Harvard, nhận định. “… Cách thực tiễn hơn, theo tôi, là hãy xem sự cô đơn như trải nghiệm cố hữu trong đời người. Nó ẩn chứa mục đích riêng, như hiệu ứng gây ra bởi một cơn khát. Bạn không thể mất mạng vì cảm giác khát nước, mà vì mất nước. Cơn khát, thực chất chỉ là ‘tín hiệu’ cảnh báo ban đầu. Cảm giác cô đơn cũng thế. Nó cho thấy bạn đang thiếu hụt kết nối con người”.

Công nghệ hay dịch vụ, dù làm khá tốt vai trò "sơ cứu", vẫn ẩn chứa mối nguy riêng. Khi chúng dần thay thế liên kết xã hội vốn giúp chúng ta giải tỏa đúng nghĩa tâm lý đơn độc, khi người dùng chỉ mong mỏi dựa vào tiện ích - dịch vụ ảo hơn là tìm kiếm trải nghiệm kết nối chân thật, vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn.

 

Như Ý

(theo The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI