Tàu Hải Dương 8 Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

14/08/2019 - 07:04

PNO - Tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc vừa quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào thứ Ba, ngày 13/8, chưa đầy một tuần sau cuộc quấy rối, xâm phạm chủ quyền Việt Nam kéo dài từ tháng 7-8/2019.

Haiyang Dizhi 8 (HD8) lần đầu tiến vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc, vào tháng Bảy vừa qua và tỏ ra là đang thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn, nghiên cứu khoa học trên vùng biển này, giữa lúc Mỹ thách thức các yêu sách hàng hải lẫn yêu cầu chủ quyền chiếm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc.

Tau Hai Duong 8 Trung Quoc quay tro lai vung dac quyen kinh te cua Viet Nam
Tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Theo dữ liệu từ Marine Traffic - trang web theo dõi các tàu thuyền di chuyển trên biển - tàu khảo sát HD8, vừa rời khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam ngày 7/8, hiện đã quay trở lại, dưới sự hộ tống của ít nhất hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Đồng thời, các tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc cũng liên tục hoạt động quanh một lô khai thác dầu của Việt Nam, nơi giàn khoan của công ty dầu mỏ khổng lồ Nga Rosneft đang thực hiện khoan thăm dò dầu khí.

Tau Hai Duong 8 Trung Quoc quay tro lai vung dac quyen kinh te cua Viet Nam
Giàn khoan của Công ty Rosneft trên vùng biển Việt Nam

Ngay khi các tàu của Trung Quốc trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 7/2019, Việt Nam đã lên tiếng phản đối hoạt động phi pháp của tàu khảo sát và đoàn hộ tống từ Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu ra khỏi khu vực.

Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rõ: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.

Song song với các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cử lực lượng chấp pháp tiến ra biển để thực thi bảo vệ chủ quyền theo luật pháp quốc tế.

Thái độ kiên quyết đấu tranh của Việt Nam được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định trong tuyên bố: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình”.

Sau thời gian quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hôm 7/8, HD8 đã rời khỏi bãi Tư Chính và cập cảng tại bãi đá Chữ Thập - hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đoạt của Việt Nam và hiện kiểm soát, xây dựng trên rạn san hô ở Biển Đông.

Ngay khi nhóm tàu của Trung Quốc dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam (vẫn) đang tiếp tục theo dõi”.

Nay thì HD8 đã quay trở lại, dường như để tiếp tục hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước.

Giữa lúc Bắc Kinh liên tục gây căng thẳng trên Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng chỉ trích các hoạt động này của Trung Quốc. Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh Wang Yi lại nói rằng, các vấn đề hàng hải liên quan đến Việt Nam không làm ảnh hưởng quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Linh La - Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI