Thế giới vừa đón một giao thừa thật khác lạ

01/01/2022 - 16:41

PNO - Ngày đầu tiên của năm 2022 đã chính thức chạm ngõ nhân gian. Và thế giới cũng vừa trải qua một đêm giao thừa đặc biệt với những cảm xúc đau buồn, lo lắng và hy vọng đan xen nhau.

Đau buồn vì hàng triệu người đã và đang mất đi mạng sống của mình vì dịch bệnh, lo lắng khi số ca lây nhiễm vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày, và hy vọng cho một năm mới không còn đại dịch COVID-19.

Tất cả được hòa quyện với nhau như một ly cocktail có dư vị đắng ngắt của năm 2021 và nhiều mong đợi ngọt ngào cho năm 2022.

Đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện La Timone (Pháp) nâng ly chúc mừng năm mới trong phiên trực sáng sớm 1/1/2022 - Ảnh: Daniel Cole/AP
Đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện La Timone (Pháp) nâng ly chúc mừng năm mới trong phiên trực sáng sớm 1/1/2022 - Ảnh: Daniel Cole/AP

Đêm Giao thừa tống tiễn năm cũ và chào đón năm mới luôn là một thời khắc đặc biệt của mỗi người trên khắp thế giới với niềm hân hoan và lạc quan về những điều tốt đẹp sẽ đến. Thế nhưng, thời khắc giao thừa với pháo hoa rực rỡ và những nụ hôn ấm áp đêm qua đã bị “bóng ma” Omicron dập tắt một cách phũ phàng. 

Tại bệnh viện La Timone nằm ở phía nam thành phố Marseille của nước Pháp, bác sĩ Fouad Bouzana không nén được tiếng thở dài não nề khi được hỏi về viễn cảnh của năm 2022.

“Mọi người đang trở nên kiệt sức khi những làn sóng COVID-19 cứ liên tiếp xảy đến mà không có dấu hiệu dừng lại”, bác sĩ Fouad Bouzana nói.

Hầu hết những hoạt động chào đón năm mới trên khắp thế giới trở nên im lặng trong đêm Giao thừa với nỗi lo dịch bệnh thường trực. Điều này là dễ hiểu khi đã có hơn 285 triệu người bị nhiễm coronavirus kể từ cuối năm 2019, và hơn 5 triệu người bị dịch bệnh cướp đi mạng sống.

Ở thủ đô Paris, các lễ hội bắn pháo hoa mừng năm mới đã bị hủy bỏ vào phút chót bởi số ca lây nhiễm tăng lên không ngừng. Tất cả mọi người dân bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, và chiếc khẩu trang cũng hiện diện trên mặt những người tụ tập tại đại lộ Champs-Elysées để chứng kiến những giây phút giao thời tối qua.

Kinh đô ánh sáng Paris trở nên ảm đạm hơn trong đêm giao thừa khi người dân bị hạn chế tụ tập tại đại lộ Champs-Elysées do lo ngại COVID-19 - Ảnh: Thibault Camus/AP
Kinh đô ánh sáng Paris trở nên ảm đạm hơn trong đêm giao thừa khi người dân bị hạn chế tụ tập tại đại lộ Champs-Elysées do lo ngại COVID-19 - Ảnh: Thibault Camus/AP

Cảnh sát đi tuần tại thủ đô Berlin (Đức) thì thúc giục người dân rời khỏi cổng Brandenburg - một trong những biểu tượng chính của thành phố này - ngay cả khi ở đây đang diễn ra một buổi hòa nhạc chào đón năm mới. Ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), chỉ vỏn vẹn 7.000 cư dân thành phố được cho phép tập trung tại quảng trường trung tâm Puerta del Sol nơi có sức chứa lên đến 20.000 người.

Tại Mỹ, chính quyền các tiểu bang áp đặt những biện pháp khác nhau cho các hoạt động vui chơi trong đêm Giao thừa trong khi tổng thống Joe Biden lưu ý về những mất mát và bất định do đại dịch gây ra, dù vẫn cố tỏ ra lạc quan với tuyên bố: “Chúng ta đang gượng dậy. Chúng ta đang phục hồi”.

Thế nhưng, cũng chỉ có 15.000 người, tất cả đều đã tiêm đủ các mũi vắc xin cũng như đeo khẩu trang, được cho phép tập trung tại quảng trường Thời Đại để chào đón năm 2022. Nơi đây hàng năm đều đón hơn 1 triệu người dân địa phương và du khách đến tận hưởng thời khắc giao thừa và đếm ngược để đón mừng năm mới.

“Tôi thật sự lo lắng cho công việc làm ăn của mình trong những ngày tới”, anh David Rabin, chủ một nhà hàng ở New York than thở khi chứng kiến sự sụt giảm đến thảm hại lượng khách đặt bàn trong suốt tháng 12/2021.

Các hãng hàng không cũng không hề khá hơn với hàng ngàn chuyến bay bị hủy bỏ khi chính đội ngũ phi công và phi hành đoàn cũng trở thành nạn nhân của COVID-19.

Giao thừa ở quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) năm nay lặng lẽ hơn mọi năm vì nỗi lo COVID-19 - Ảnh: abc7ny
Giao thừa ở quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) năm nay lặng lẽ hơn mọi năm vì nỗi lo COVID-19 - Ảnh: abc7ny

Không còn cách nào khác, các chiến dịch tiêm chủng trở thành cứu cánh cho cuộc chiến chống lại đại dịch ở phạm vi toàn cầu. Pakistan vừa tuyên bố đã đạt mốc 70 triệu/220 triệu dân được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin. Với nước Anh thì các mũi tiêm tăng cường cũng đang cán đích ở nhóm người trưởng thành. Ở xứ sở bạch dương, tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng chia buồn với những gia đình mất người thân vì COVID-19 với con số lên tới 308.860 ca tử vong được thống kê, dù giới chuyên gia cho rằng, con số có thể gấp đôi trong thực tế.

Giáo hoàng Francis cũng phải hủy buổi lễ đón giao thừa truyền thống được tổ chức hàng năm tại quảng trường St. Peter để hạn chế người dân tụ tập. Và lần đầu tiên, hình ảnh đầy lạ lẫm của vị giáo hoàng 85 tuổi đeo khẩu trang y tế khi cầu nguyện được truyền đi khắp thế giới.

Giáo hoàng Francis tháo khẩu trang vẫy chào mọi người trong đêm giao thừa được tổ chức tại St. Peter's Basilica at the Vatican - Ảnh: Andrew Medichini
Giáo hoàng Francis tháo khẩu trang vẫy chào mọi người trong đêm giao thừa được tổ chức tại St. Peter's Basilica, Vatican - Ảnh: Andrew Medichini

Thế nhưng vẫn có những quốc gia không dừng các hoạt động chào đón năm mới mặc dù số ca mắc COVID-19 với biến thể mới vẫn gia tăng không ngừng.

Nước Úc với kỷ lục 32.000 ca mắc mới vẫn cho phép hàng ngàn điểm bắn pháo hoa rực rỡ bầu trời thắp sáng cầu cảng Sydney và nhà hát con sò nổi tiếng. Tất nhiên là số người tụ tập chào đón năm mới cũng ít hơn nhiều so với giao thừa những năm không có đại dịch.

Ở Nhật Bản, nhà văn Naoki Matsuzawa dành nguyên đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới để nấu và phân phát các suất ăn cho người già vì hầu hết các cửa hàng thực phẩm đều đóng cửa. Ông cho biết, nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao nên người dân không còn quá lo lắng, mặc dù biến thể mới đang là mối đe dọa đối với chính quyền thành phố.

 

Mặc dù lo lắng với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron nhưng đêm giao thừa vẫn được tổ chức ở một số thành phố trên thế giới - Clip: AP

 Nguyễn Thuận (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI